Người Khơ Mú chỉ mong đêm giao thừa im ắng

Người Khơ Mú thường chuẩn bị Tết rất đầy đủ, chu đáo. Nhà nào cũng phải dự trữ thật nhiều lương thực, thực phẩm. Đàn ông lên rừng lấy củi. Phụ nữ thêu thùa, may vá để diện những bộ váy mới nhất trong những lễ hội, và đi chơi xuân.

Đồng bào Khơ Mú cũng gói bánh chưng như ở miền xuôi. Chỉ có điều họ gói bánh liên tục trong những ngày tết, hết lại gói, hết lại gói. Khi khách đến chơi nhà, họ có tục tặng nhau bánh chưng làm quà.

Người Khơ Mú chỉ mong đêm giao thừa im ắng ảnh 1

Đồng bào Khơ Mú đang chuẩn bị dụng cụ múa phục vụ cho Lễ hội trong ngày Tết. Ảnh: Lâm Tuyền.

Có một điểm thật đặc biệt trong đón giao thừa của người Khơ Mú, đó là trong ngày 30 tết, nhà nào cũng phải có một con gà trống để thờ cúng tổ tiên. Sau giao thừa, cả nhà xúm lại xem chân gà để dự đoán may rủi trong năm mới.

Khoảng thời gian sau giao thừa là lúc mọi người trong gia đình hồi hộp, lo lắng để lắng nghe con vật nào kêu trước. Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú, nếu con gà gáy trước 3h sáng sẽ có chuyện chẳng lành: có cháy nhà hoặc cháy rừng; nếu con mèo kêu trước thì có nghĩa vận mệnh trong năm không may mắn; nếu trẻ con khóc thì cả năm sẽ đói. Chính vì thế, họ chỉ mong đêm giao thừa im ắng để năm mới sẽ thuận hòa, mùa màng bội thu.

Người Khơ Mú chỉ mong đêm giao thừa im ắng ảnh 2

Vài ba nhà chung một con lợn để mổ, sau đó chia nhau và chế biến thành các mon ăn ngon, lạ miệng trong ngày Tết. Ảnh: Lâm Tuyền.

Trong ngày mồng một đầu năm, người ta kiêng từ làng này sang làng kia chơi, chúc Tết vì quan niệm rằng nếu đi sang làng khác chơi thì của cải trong làng sẽ đi theo và làng mình sẽ đói kém suốt cả năm đó. Sau ngày mồng một, dân làng mới đi chúc.

Trong những ngày này, mỗi nhà thay phiên nhau làm cỗ, tụ họp anh em, gia đình, uống rượu và chúc nhau một năm dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Gia đình không được to tiếng trong dịp tết, vì như vậy cả năm sẽ bất hòa.

Người Khơ Mú chỉ mong đêm giao thừa im ắng ảnh 3

Trước đây lễ hội đánh chiêng thường kéo dài từ 30 Tết đến hết rằm tháng Giêng, khi đó hầu như nhà nào cũng có 1-2 chiếc chiêng. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới, lễ hội đánh chiêng chỉ kéo dài trong 3 ngày Tết. Ảnh: Lâm Tuyền.

Vui xuân, người làng còn tụ họp tại trung tâm xã, cùng say với các điệu múa mừng xuân, mừng mẹ lúa, mừng ngày mùa. Tiếng cồng, trống, chiêng, đàn tính tờ la, pí tót, đao, khèn... quà quện vào nhau tạo nên những âm điệu rất riêng của núi rừng. Trong lễ hội còn có các trò chơi như đẩy gậy, ném còn, kéo co, bắn cung…tạo nên một nét rất riêng mang đậm bản sắc dân tộc.

Theo Lâm Tuy (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm