Người Cor giữ rừng

Rừng già quý lắm! Đó là tài sản của nước, của dân. Ai phá rừng là hại mình, hại người. Nghiệm ra điều này - như một trách nhiệm, từ nhiều năm qua - già Hồ Văn Ba, tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đã kêu gọi con cháu và bà con lối xóm cùng chung sức giữ rừng.

Sống chết với rừng

Già Hồ Văn Ba đã bước sang ngưỡng tuổi 80 - cái tuổi mà nhiều người chỉ có thể quanh quẩn sân nhà. Thế mà già Ba vẫn còn sung sức, vẫn đi giữ rừng cùng con cháu như thời ở tuổi đôi mươi. Rừng già Nà Trút với hàng ngàn thân cây gỗ to tròn, cao chót vót, phủ mát cả khu dân cư tổ 4, thôn Xanh đã in mòn dấu chân của già Ba. Ngày nào ông cũng vào rừng này chỉ để làm mỗi một việc: giữ rừng, không để lâm tặc hạ gục rừng xanh!

Dắt chúng tôi đi dưới cánh rừng xanh bạt ngàn gỗ quý, già Ba chỉ vào một thân cây lim xanh khoảng 600 năm tuổi rồi khoe: “Rừng ở làng già đó. Các chú có thích không? Tìm khắp nơi chẳng có đâu còn rừng đẹp, quý như ở đây đâu. Giữ kỳ công lắm mới được như hôm nay!”.

Cả một khu rừng rộng trên 400 ha còn nguyên sinh, không có dấu tích của lâm tặc triệt hạ cây. Con đường mòn dẫn chúng tôi đi sâu vào rừng Nà Trút là con đường do những người giữ rừng như già Ba khai phá. “Ở đây hồi trước không có đường vào rừng. Lợi dụng việc này, bọn phá rừng thường lẻn vào đây cưa cây. Vì vậy, già đi vận động bà con trong xóm mở đường vào rừng để dễ bảo vệ rừng. Nhờ con đường này mà bọn phá rừng không đứa nào dám ngấp nghé…” - già Ba bảo. Vốn là người lính cụ Hồ, từng ăn nằm trên rừng đánh giặc, già Ba hiểu rừng quý, rừng che chở cho mình như thế nào. Rồi sau này, trở thành chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trà Trung, già Ba luôn nuôi dưỡng quyết tâm giữ rừng.

Người Cor giữ rừng ảnh 1

Già Hồ Văn Ba bên một thân lim xanh. Ảnh: LUẬN NGỮ

Về hưu, quanh năm suốt tháng sống trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm dưới chân rừng Nà Trút, già tự nguyện giữ rừng mấy chục năm qua. Già giữ rừng không công, không đòi hỏi lợi lộc và xem đó như trách nhiệm. Già tuyên bố: “Rừng này là của nước, của dân. Già và bà con thôn Xanh chừng nào còn ở đây thì đố có lâm tặc nào dám vào đây phá rừng. Dân làng của già quyết giữ rừng và sống chết với rừng đến cùng…”.

Chỉ xin cây làm nhà

Rừng Nà Trút có lẽ là cánh rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở huyện miền núi Tây Trà. Chỉ có tám hộ dân với 36 người là đồng bào Cor của tổ 4 nhưng có thể giữ được 400 ha rừng, khiến lâm tặc bó tay là điều không đơn giản nếu không có sự đồng thuận. Chỉ cần “nghe hơi” lâm tặc vào rừng Nà Trút, già Ba báo động, ngay lập tức, từ già đến trẻ đều chạy lên xua đuổi lâm tặc rời khỏi rừng dù đó bất kể là ban ngày hay tận đêm khuya.

“Mấy năm trước, bọn lâm tặc bên huyện Sơn Hà bí mật sang đây phá rừng. Bà con mình khi đó sợ lâm tặc nên không ai dám cản ngăn. Già phải đứng ra giải thích với bà con là mình giữ rừng nơi mình sống là đúng, chúng có làm cách gì cũng không chết được đâu. Bà con cứ giữ rừng, thần thánh đâu có bắt người tốt phải chết. Nghe già nên từ đó bất cứ ai trong làng cũng không còn sợ lâm tặc nữa. Giờ bọn lâm tặc sợ làng này lắm, thấy gỗ chúng nó thèm nhưng không dám bén mảng tới đây đâu…” - già Ba kể.

Anh Hồ Văn Thế, con rể của già Ba, về ở rể nhà già Ba cũng nối gót cha vợ ngày đêm canh giữ rừng. “Mình phải làm theo cha vợ. Cha vợ giữ rừng vì để rừng che bóng mát cho cái thân mình được mát, để có mạch nước ngầm chảy ra cho mình uống, mình trồng trọt. Phải theo cha thôi” - anh Thế bộc bạch.

Người Cor giữ rừng ảnh 2

Ngày nào già Ba và dân làng cũng vào rừng Nà Trút giữ rừng. Ảnh: LUẬN NGỮ

Dưới những tán cây cổ thụ nằm hun hút sâu trong rừng Nà Trút, chúng tôi thử bảo già Ba bán cho ba cây lim xanh với giá 30 triệu đồng. Đáp ngay lại là một lời từ chối thẳng thừng: “Không. Già không bán cho các chú. Lấy 30 triệu đồng của các chú ăn cũng hết. Còn để giữ lại cây sẽ tốt hơn, quý hơn, mai này còn giúp con cháu ở đây được hưởng lợi từ rừng già này. Bà con ở đây xin cây làm nhà thì được, chứ bán cây thì không bao giờ”.

Trong làng, ai có nhu cầu thật sự cần gỗ làm nhà, sau khi xin ý kiến của già Ba, cả xóm sẽ họp lại thống nhất và tính toán chọn cây bao to để cho người xin cây làm nhà. Thường thì không bao giờ để lãng phí cây lớn, chỉ chọn cây gỗ vừa đủ để làm nhà ở. Nhờ đó mà rừng Nà Trút đến hôm nay vẫn còn những thân gỗ cổ thụ hiếm có một nơi nào có được.

Ông Hồ Văn Sâm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Trung, nói: “Già Hồ Văn Ba và bà con ở tổ 4, thôn Xanh giữ rừng chỉ vì ý thức chứ không hề nhận được bất cứ đồng bạc nào của Nhà nước. Đó là việc làm rất quý, rất trân trọng”.

Hưởng lợi từ rừng

Anh Hồ Văn Thông, tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung, chỉ vào dòng suối nước mát lạnh hồ hởi nói: “Nhờ rừng cả đó. Nhờ bảo vệ rừng mà ở đây không lo khát nước. Nước ở đây chảy bốn mùa. Bà con có nước uống, có nước làm ruộng nên cuộc sống ngày càng khấm khá lên. Không bảo vệ được rừng Nà Trút thì không được như bây giờ đâu. Mình bảo vệ được rừng thì cũng giống như làm ra vàng, ra tiền, ra bạc vậy”.

Người Cor giữ rừng ảnh 3

Rừng Nà Trút giữ nước cho cả làng sinh hoạt, sản xuất. Ảnh: LUẬN NGỮ

Dưới tán rừng Nà Trút, dân làng không có điện vì đường xa hẻo lánh. Nhờ có nước từ rừng Nà Trút ban cho nên dân làng ở đây đã tận dụng xây dựng hai máy phát điện mini dựa vào nguồn nước chảy qua làng. Điện được thắp sáng cả làng mà không phải trả thêm bất cứ một chi phí nào. Chị Hồ Thị Thơm gút lại: “Tất cả đều nhờ rừng cả. Rừng đã cho mình mọi thứ. Con cháu ở cái làng này rồi cũng sẽ giữ rừng như chúng tôi bây giờ. Nà Trút sẽ không bị lâm tặc tàn phá”.

LUẬN NGỮ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm