Người anh hùng bên bờ sông Kiến Giang

Ký ức

Về thôn Xuân Hồi, hỏi ông Lê Xuân Tưởng, ai cũng biết, từ người bán rong đến người xúc cát thuê, ai cũng nhiệt tình chỉ nhà ông Tưởng “bắn máy bay” - căn nhà nhỏ nép mình bên khóm tre làng. Tóc hoa râm, ông bồi hồi nhớ lại từng trận đánh cách đây hơn 40 năm. Mùi thuốc súng khét lẹt, lửa bốc cháy nghi ngút mỗi lần súng 12 ly 7 của ông nhả đạn… là những gì còn hằn sâu trong trí nhớ khi tôi đưa cho ông bản photo bài báo viết về Lê Xuân Tưởng lúc 20 tuổi trên cao điểm 1078 ở miền Tây Thừa Thiên - Huế.

Người anh hùng bên bờ sông Kiến Giang ảnh 1 
Ông Lê Xuân Tưởng bên những tấm huân, huy chương của một thời bom đạn. 

Trước khi lên đường nhập ngũ, ông Tưởng tham gia trung đội dân quân địa phương với khẩu 12 ly 7, bắn rơi hai chiếc máy bay F4H dọc sông Kiến Giang. Rồi ngày 10-1-1969, ông nhập ngũ, lên đường vào Thừa Thiên - Huế huấn luyện cùng khẩu 12 ly 7 sử dụng bấy lâu. Sau đó ông Tưởng được biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, ngày đêm miệt mài huấn luyện, chờ ngày lập công. Nhiều đêm ánh trăng vắt lên công sự, ông không ngủ, lên mâm súng rê trái, rê phải khẩu 12 ly 7 như tập dượt trước những trận chiến khốc liệt.

6 tháng đầu năm 1970, ông cùng đồng đội bám cao điểm 1078, đón lõng từng tốp máy bay đi qua. Cả tiểu đội bám súng, ông Tưởng giữ cò. Tốp máy bay đầu tiên 3 chiếc, chúng bay là là đến trận địa, cả tiểu đội nín thở, chờ chiếc máy bay đi đầu vào khoảng bắn tốt mới nhận lệnh bắn, ông mới kéo cò.

Loạt đạn đầu trúng ngay đuôi chiếc đi đầu, lửa bốc lên, máy bay quay vòng như chong chóng, rơi theo phương thẳng đứng dưới điểm cao 1078. Loạt đạn tiếp theo, tiện đứt chiếc thứ hai, rơi cách trận địa 50m. Ông Tưởng rê súng sang trái, tiếp tục nhắm vào chiếc khác, loạt đạn khạc ra từ con rồng nhỏ 12 ly 7, máy bay kẻ thù lảo đảo, rơi phía bên kia ngọn đồi.

Trận đánh mùa xuân năm 1972 ở cao điểm Z là một kỷ niệm khó quên với Lê Xuân Tưởng. Nòng 12 ly 7 khạc lửa nóng ran, đỏ rực. Trong thế cần cơ động gấp khẩu súng qua trận địa khác, ông nhanh trí lấy nước thấm ướt khăn lau mặt, phủ lên khẩu súng còn đỏ rực rồi ôm chạy. Không ngờ, sức nóng của khẩu súng làm nước ở khăn sôi lên rồi bốc cháy, ông mặc kệ, mặc cho da tay bị bỏng, ôm súng vào trận địa mới. Anh em lo Tưởng không bấm được cò nhưng ông vẫn yên vị vào chốt, ngắm thẳng vào tốp bay của địch, bấm cò, bắn rơi máy bay kẻ thù.

Cứ thế, Lê Xuân Tưởng theo mâm súng 12 ly 7 đi hết trận địa này đến trận địa khác, qua cả mặt trận Lào chia lửa, khi ở điểm cao Z, khi có mặt ở các trận địa bí mật, cùng anh em chiến đấu kiên cường. Vào thời điểm tháng 10-1972, lúc mới 20 tuổi, ông đã tham gia hàng chục trận đánh và bắn rơi 33 máy bay địch. Giữa trận địa, Tưởng đã được kết nạp vào Đảng và với người lính trẻ này, đó là niềm tự hào cuộc đời với non sông.

Cuộc đời binh nghiệp của Lê Xuân Tưởng còn bắn rơi thêm 4 máy bay khác nữa ở Hải Lăng (Quảng Trị) chỉ với khẩu 12 ly 7 gắn bó thân thương. Khi mới 20 tuổi, ông đã được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và ba, hàng loạt giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt máy bay.

Bình dị

Hết chiến tranh, ông vào biên chế Quân đoàn 2, đến năm 1991 ra quân với quân hàm trung tá, lúc đó là Phó phòng Tham mưu huấn luyện Trường Quân chính Quân đoàn 2. Ông về quê chỉ với chiếc ba lô bạc thếch cùng những tấm huân huy chương úa màu thời gian.

Bẵng đi từ ngày ông 20 tuổi đến nay đã hơn 40 năm đằng đẵng, cái tên Lê Xuân Tưởng chỉ còn nằm trong những trang sử của Quân đội nhân dân Việt Nam và hồ sơ lưu trữ của Quân đoàn 2. Và nếu không nhắc về con người này, chúng ta khó lòng mà biết một người hùng cởi áo binh nghiệp trở về với đời thường, sống bình dị, khiêm nhường bên lớp tre làng. Tôi tiếp xúc với nhiều nhân chứng của đơn vị ông, người ở Nghệ An, người ở Hà Nội đều khẳng định, những trận đánh có Lê Xuân Tưởng tham gia luôn là những chiến thắng giòn giã bởi hiếm có người nào bắn rơi được máy bay do thám, nhưng ông đã thành công.

Nay về bên xóm làng, ông sống khiêm tốn, lập gia đình, có 4 đứa con nên người. Những người con của ông coi ông là người anh hùng thực thụ, bởi cha của họ không vì công danh mà tất bật ngược xuôi. Nhiều người nói sao ông không làm hồ sơ đề nghị phong tặng anh hùng, ông chỉ cười mà nói đó là công lao chung. Đơn vị của ông vừa họp truyền thống ở Hà Nội đã nhất trí đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông, bởi không ai hiểu ông bằng đồng đội. Họ hiểu, vì bình dị, khiêm nhường, lấy đức nhẫn để sống mà ông im lặng hơn bốn mươi năm qua.

Đã đến lúc để quê hương biết đến một người anh hùng đang sống với ruộng vườn Lệ Thủy - một anh hùng hơn 40 năm lặng im giữa đời thường.

Theo MINH PHONG (SGGP)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm