Nghề nuôi rắn thương phẩm: Nguy hiểm nhưng lãi cao

Khoảng 4 năm trở lại đây, thực hiện mô hình nuôi rắn của Hội Nông dân TP và Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội, nghề nuôi rắn thương phẩm ở phường Việt Hưng, quận Long Biên phát triển mạnh trở lại, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn.

Nghề nuôi rắn thương phẩm: Nguy hiểm nhưng lãi cao ảnh 1

Nuôi rắn thương phẩm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở Việt Hưng, quận Long Biên

Chủ tịch Hội Nông dân quận Long Biên Trần Văn Hạnh cho biết, thực hiện mô hình nuôi rắn thương phẩm kết hợp với du lịch, ẩm thực, hiện tại phường Việt Hưng có gần 40 hộ đang nuôi rắn theo phương thức hàng hóa với tổng đàn lên tới hơn 6.000 con các loại, chủ yếu là rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang, rắn ráo…

Chị Trần Thị Hường ở phường Việt Hưng cho biết hiện gia đình chị đang nuôi 200 con rắn hổ mang và một số loại rắn khác. Thực hiện mô hình khép kín "từ trang trại đến bàn ăn" phục vụ nhu cầu của du khách, chị Hường đầu tư mở nhà hàng đặc sản rắn. Hiện, gia đình chị tạo việc làm ổn định cho trên 10 lao động trên địa bàn với mức lương bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi gần 200 triệu đồng từ nuôi rắn thương phẩm và kinh doanh món ăn đặc sản từ rắn.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Việt Hưng cho biết, mặc dù là nghề cho thu nhập cao, song đây lại là nghề nguy hiểm. Nếu người nuôi bất cẩn, có thể bị rắn cắn bất cứ lúc nào. Vì vậy, để tránh rủi ro, người nuôi cần trang bị đầy đủ những kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng chuồng trại chắc chắn, có biện pháp giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh cho rắn khi thời tiết thay đổi.

Theo những người nuôi rắn ở Việt Hưng, từ mỗi con rắn giống (trọng lượng 1kg) sau gần 1 năm nuôi sẽ cho trọng lượng ít nhất là 2,5kg/con, nếu kéo dài thời gian nuôi có con đạt tới 6kg với giá bán hiện tại khoảng 700.000-800.000 đồng/kg rắn thương phẩm trở lên, sau khi trừ chi phí (tiền chuồng trại, thức ăn, điện…) đạt mức lợi nhuận gấp ba, bốn lần chi phí ban đầu.

Điều đáng nói là cùng với việc phát triển nghề nuôi rắn, hầu hết các hộ nuôi rắn ở Việt Hưng đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, kết hợp mở nhà hàng ăn uống đặc sản với các món chuyên về rắn, thu hút đông đảo thực khách. Theo tính toán của các hộ dân nơi đây, trừ các khoản chi phí, mỗi hộ thu lãi khoảng 50-100 triệu đồng/năm.

Chủ tịch Hội Nông dân quận Long Biên cho rằng, khó nhất khi triển khai mô hình nuôi rắn hiện nay là việc xin cấp giấy phép. Ngoài ra, đất đai hạn chế, thiếu vốn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định cũng là những rào cản khiến nhiều hộ ở Việt Hưng không có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi.

Theo Đỗ Hà (HNM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm