NHÂN NGÀY CÔNG BẰNG XÃ HỘI THẾ GIỚI 20-2

Mục tiêu lớn nhất là xóa nạn đói nghèo

Năm ngoái, vào ngày này (20-2), Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon phát biểu: “Công bằng xã hội quan trọng hơn mệnh lệnh đạo đức, đó là nền tảng của sự ổn định quốc gia và thịnh vượng toàn cầu. Sự bình đẳng về cơ hội, sự đoàn kết và tôn trọng các quyền con người, đấy là những điều cần thiết để giải phóng tiềm năng sản xuất của các quốc gia và các dân tộc...”.

Cứu lấy đồng loại nghèo khổ

Giữa tháng 12-2011, LHQ và các đối tác kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp gói kinh phí 7,7 tỉ USD cho công tác trợ giúp nhân đạo 51 triệu người ở 16 quốc gia trong năm 2012.

Bà Valerie Amos, điều phối viên Cứu trợ khẩn cấp, nói hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng do các trường hợp khẩn cấp gây ra hoặc hoàn cảnh sống bị xấu đi do tác động của biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và chính trị, sự di dân, đô thị hóa… “Trước tình hình đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ tiếp tục của người dân và chính phủ trên khắp thế giới” - bà Amos lên tiếng.

Theo văn phòng cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, các nước cần cứu trợ gồm: Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Haiti, Kenya, Niger, lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, Philippines, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Yemen và Zimbabwe.

“Hàng triệu người cần sự giúp đỡ của chúng ta. Đây là những ngày tháng khó khăn về kinh tế. Nhưng chúng ta không thể tìm đủ kinh phí để cải thiện cuộc sống của những người nghèo khổ nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới” - Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu kêu gọi sự giúp đỡ của toàn thế giới tại một cuộc họp báo ở New York vào cuối năm 2011.

Mục tiêu lớn nhất là xóa nạn đói nghèo ảnh 1

Cảnh phát chẩn thường thấy ở Somalia. Ảnh: GUARDIAN

Do khủng hoảng nhân đạo, các nước Đông Bắc châu Phi như Kenya, Ethiopia, Djibouti và Somalia vẫn là những nơi cần sự trợ giúp lớn nhất thế giới. Chỉ riêng Somalia đã có 4 triệu người cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp, con số này ở Kenya là 600.000 người. Nhiều vùng của Somalia đã chuyển từ mức “đói” sang mức “khẩn cấp”. Nhìn chung, nhu cầu được viện trợ của vùng đông Bắc Phi năm 2012 sẽ cao hơn 20% so với năm 2011.

LHQ cũng đặt vấn đề tìm kiếm 763 triệu USD để giúp đỡ người dân ở Nam Sudan - quốc gia mới nhất của thế giới, 718 triệu USD cho Cộng hòa Dân chủ Congo, 437 triệu cho Afghanistan, 416 triệu cho lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, 230 triệu cho Haiti và một số quốc gia khác nữa.

466 tổ chức viện trợ, trong đó có các cơ quan LHQ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế khác, phối hợp kế hoạch để hưởng ứng sự kêu gọi trên của LHQ.

Nghèo đói ở nước giàu

Tình trạng nghèo đói, thất học và vô gia cư không chỉ có ở các nước nghèo. Nó diễn ra ngay cả ở Mỹ. Khi chính quyền các địa phương đang đấu tranh để cân bằng ngân sách, cắt giảm việc chi cho các vấn đề xã hội, nạn đói và tình trạng vô gia cư trở nên gia tăng.

Một cuộc khảo sát ở 29 thành phố (TP) ở Mỹ cho thấy có đến 25 TP trong số đó bùng lên nhu cầu viện trợ lương thực khẩn cấp. Tờ Los Angeles Times trích nội dung hội nghị các thị trưởng Mỹ hồi cuối năm 2011 cho hay thất nghiệp là nguyên nhân hàng dẫn dẫn đến tình trạng này.

Cũng theo kết quả khảo sát, tình trạng vô gia cư ở các TP của Mỹ tăng 6%. Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết tỉ lệ dân số được coi là nghèo khổ đã lên mức 15,1% trong năm 2010 (năm 2009 là 14,3%). Tính chung cả người nghèo và cận nghèo, số người Mỹ có thu nhập thấp chiếm gần một nửa dân số.

Mục tiêu lớn nhất là xóa nạn đói nghèo ảnh 2

Người vô gia cư ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: REUTERS

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giữa người nghèo và người giàu ở Mỹ đang diễn ra những xung đột mạnh mẽ. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố cuối năm 2011 cho biết mâu thuẫn trên ngày càng gay gắt kể từ tháng 8-2009. Trong đó, người lớn tuổi, đảng viên Dân chủ và người Mỹ gốc Phi cảm nhận rõ hơn sự căng thẳng này. Trong những năm gần đây, số 1% có thu nhập cao ở Mỹ ngày càng có vận may, trong khi những người có thu nhập thấp thì ngày càng có ít cơ hội để cải thiện cuộc sống cũng như tiếp cận các nguồn lực xã hội.

Nỗ lực và nghịch lý

Trong khi LHQ tất tả “xoay” tiền để cứu người nghèo thì các quốc gia vẫn chìm trong vòng xoáy tham nhũng, làm mất đi những đồng tiền cần thiết để thực hiện phần nào công bằng xã hội.

Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng tham nhũng và sự quản lý yếu kém nói chung đã làm suy yếu nguồn ngân sách của chính phủ, dẫn đến hậu quả cơ sở hạ tầng nghèo nàn và cản trở tiến độ xóa đói giảm nghèo ở châu Á - nơi có hàng triệu người sống dưới mức nghèo đói.

Tại châu Âu, Ý và Hy Lạp là hai quốc gia đạt điểm thấp nhất khu vực này trong bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu năm 2011 do không có khả năng xử lý nạn hối lộ và trốn thuế (vốn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ) - Tổ chức Minh bạch Quốc tế khẳng định. Ý xếp vị thứ 69 và Hy Lạp ở vị thứ 80, xuống hạng so với vị thứ 67 và 78 của năm 2010 theo bảng chỉ số về tham nhũng của nhóm Berlin được công bố hồi cuối năm 2011. Ireland rớt xuống vị thứ 19 với số điểm đạt là 7,5/10, giảm 0,5 điểm (năm ngoái nước này đạt 8 điểm trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế).

“Cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia khu vực đồng euro một phần là do thất bại của cơ quan công quyền trong việc giải quyết nạn hối lộ, trốn thuế” - nhóm nghiên cứu về minh bạch châu Âu khẳng định. Sự chìm nghỉm của châu Âu trong cuộc khủng hoảng nợ đã phơi bày sự thất bại của các chính phủ trong việc tăng nguồn thu và thực thi các cải cách, khiến đám đông biểu tình tràn ngập các đường phố đòi lật đổ người đứng đầu nội các. Áp lực này đã khiến Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi từ chức sau người đồng nhiệm ở Hy Lạp Georgios Papandreou hai ngày.

Trong khi đó, tham nhũng là một căn bệnh tàn phá các xã hội châu Phi, làm bần cùng hóa hàng triệu người ở châu lục này. Theo Liên minh châu Phi, khoảng 148 tỉ USD tại lục địa đen này bị các nhà lãnh đạo, các quan chức “bỏ túi” mỗi năm. Mấy năm trước, trong danh sách 16 quốc gia tham nhũng “tàn bạo” nhất năm 2006 do tờ Forbes đưa ra, châu Phi có chín nước. Theo Tổ chức Liêm chính về tài chính toàn cầu, lục địa châu Phi bị mất hơn 854 tỉ USD trong dòng chảy tài chính bất hợp pháp từ năm 1970 đến năm 2008. Ông Raymond Baker, Giám đốc GFI, cho rằng số tiền bị tuồn khỏi châu Phi - hàng trăm tỉ USD từ thập kỷ này qua thập kỷ kia - đã vượt quá xa sự hỗ trợ phát triển chính thức của thế giới đối với các nước ở đây.

Giá mà những đồng tiền này được rót đến tay những người cùng khổ hoặc tạo thêm nguồn lực xã hội để kéo họ lên mức sống trung bình.

Vì quyền sống của con người

Năm 2007, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) quyết định lấy ngày 20-2 hằng năm là ngày Công bằng xã hội thế giới, bắt đầu từ năm 2009. LHQ yêu cầu các quốc gia thành viên “dành hết” cho ngày này với mục tiêu tối thượng là thúc đẩy các hành động quốc gia phù hợp với mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về phát triển xã hội.

Ngày Công bằng xã hội thế giới nhắc cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm bền vững, đảm bảo công bằng về giới, phúc lợi xã hội cho mọi người. Các nước nhận ra rằng mục tiêu của tăng trưởng kinh tế là để thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, tôn trọng tất cả các quyền của con người. Các nước cũng cam kết sẽ thúc đẩy việc phân phối công bằng về thu nhập, về tiếp cận với các nguồn lực xã hội để cùng vươn lên.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo un.org, Bloomberg, Modernghana,Transparency.org)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm