Một nước có tới ba thủ đô!

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Trần Quang Thắng,

Nam Phi nằm ở vùng cực Nam châu Phi, là một quốc gia đa sắc tộc và đa ngôn ngữ nhất châu Phi, một nước chịu ách cai trị nặng nề của chế độ phân biệt chủng tộc (Apacthai). Cộng hòa Nam Phi có diện tích trên 1,2 triệu km2, hiện nay dân số gần 50 triệu người. Căn cứ theo Hiến pháp Nam Phi ngày 4-12-1996, hệ thống bộ máy nhà nước bao gồm:

- Nghị viện (Parliament) là cơ quan lập pháp tối cao gồm có hai viện: Thượng nghị viện được gọi tên là Hội đồng quốc gia của các tỉnh (National Council of Provinces - NCOP) và Hạ nghị viện gọi tên là Quốc hội (National Assembly). Nghị viện đóng tại thủ đô lập pháp Cape Town. Đây là thủ phủ của tỉnh Cape Province, thành phố lớn thứ hai của nước Nam Phi và là một trong những thành phố cảng đẹp nhất thế giới, dân số 2,35 triệu người.

Một nước có tới ba thủ đô! ảnh 1

Thủ đô Cape Town của Nam Phi. Ảnh: ST

- Đứng đầu cơ quan hành pháp là tổng thống, lãnh đạo nội các. Các cơ quan hành pháp trung ương đóng tại thủ đô hành chính Pretoria có dân số khoảng một triệu người. Pretoria là thủ phủ của tỉnh Transvaal, trở thành thủ đô của nước cộng hòa từ năm 1860 (từ năm 1910 đã là nơi đặt cơ quan hành chính trung ương của chính quyền phân biệt chủng tộc của người da trắng). Pretoria là trung tâm văn hóa, nghiên cứu khoa học lớn nhất của Nam Phi, có nhiều trường đại học, viện bảo tàng, bia tượng kỷ niệm…

- Bộ máy tư pháp độc lập, cao nhất là Tòa án Hiến pháp và Tòa Thượng thẩm tối cao đóng tại thủ đô tư pháp Bloemfontein. Thủ đô này là một thành phố nhỏ hơn và nằm ở phần lãnh thổ giữa hai thủ đô Cape Town (ở miền Nam) và Pretoria (ở miền Bắc).

Nam Phi còn có chi tiết độc đáo nữa là nước này có tới hai bản quốc ca. Trong các sự kiện chính thức và các chương trình thi đấu thể thao quốc tế, Nam Phi cử hành hai bài quốc ca. Bài Die Stem van Suid Africa (nghĩa là “Tiếng gọi từ Nam Phi”) vốn là bản quốc ca của người Nam Phi da trắng, gốc là một bài thơ do C.J.Langenhoven sáng tác năm 1918 đến năm 1921 được Reverend M.L. de Villiers phổ nhạc thành quốc ca. Bài quốc ca thứ hai là Nkosi Sikelel’ iAfrika (nghĩa là “Thượng đế phò hộ Phi châu”). Đây là bài quốc của người Nam Phi da đen do Enoch Sontaga sáng tác vào năm 1897:

“Thượng đế, xin Ngài hãy giúp Phi châu,
Vững vàng trong những lúc nguy khốn.
Hãy lắng nghe lời cầu nguyện dâng lên Ngài,
Và hãy phù hộ chúng con!”.

(Đối thoại với nền văn hóa Nam Phi, Trịnh Huy Hóa dịch, NXB Trẻ, 2005, trang 48-49).

Thân chào bạn.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 3-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm