Một đời kéo xe nuôi vợ mù

Bao nhiêu năm nay ở làng biển Xuân Thiều (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có một người đàn ông nhỏ bé, lặng lẽ tảo tần kiếm sống bằng nghề kéo xe lôi thuê để nuôi cô vợ mù và tương lai cho hai con thơ.

Vòng quay nghèo khó

Anh Võ Thanh, năm nay 47 tuổi và vợ là chị Phạm Thị Nuôi (40 tuổi). Kể từ ngày lấy vợ, anh chỉ có duy nhất một chiếc xe lôi được một người trong phố bán rẻ cho. Đó là tài sản lớn lao duy nhất mà gia đình anh sở hữu. Người vợ mù cùng hai con nhỏ chỉ trông chờ vào đôi bàn chân, bàn tay khỏe mạnh của chồng để sinh tồn. Vòng quay bánh xe là tiền thuốc thang cho vợ, cơm áo cho con hằng ngày.

Học hết lớp 3 thì cha mẹ mất, Thanh theo anh trai bỏ quê Điện Bàn ra Đà Nẵng mưu sinh. Anh làm đủ nghề từ thợ đụng, thợ mộc, kéo xe lôi đến bốc vác. Chị Nuôi cũng vì nghèo nên 15 tuổi đã phải đi làm thuê cho nhà người kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Hai kẻ nghèo gặp nhau rồi yêu nhau say đắm trong cảnh túng quẫn. Năm 1997, họ cưới.

Năm 2000, niềm vui của đôi vợ chồng nghèo được nhân lên khi có thêm một sinh linh nhỏ bé chào đời trong khu nhà trọ ổ chuột. Cô bé có tên là Hiền và được vợ chồng anh Thanh dành trọn tình yêu nhưng tai họa cùng lúc ập xuống. Sinh được bé Hiền, đôi mắt chị Nuôi mù hẳn và mắc bạo bệnh.

Một đời kéo xe nuôi vợ mù ảnh 1

Một đời kéo xe lôi nuôi vợ. Ảnh: LÊ PHI

“Sinh bé Hiền thì chị kiệt sức, bệnh tật triền miên làm cho đôi mắt mù hẳn. Mười mấy năm con đã khôn lớn rứa mà chưa một lần chị được nhìn thấy khuôn mặt, nụ cười của nó. Nhiều lúc nghĩ quẩn, chị định chết đi để giải thoát gánh nặng cho cả nhà nhưng thương con nên không làm được” - chị Nuôi khóc.

Chị Nuôi gặp bạo bệnh. Anh Thanh cắn răng chịu đựng nỗi đau, một mình nuôi con và gánh vác cả gia đình. 4 giờ 30 sáng hằng ngày, anh dậy giặt giũ quần áo cho vợ con, nấu ăn, làm việc nhà rồi kéo xe lôi ra đường phố mưu sinh. Trưa anh lại lọc cọc xe đạp về mua thuốc, nấu ăn và dọn cơm cho cả gia đình rồi đi kéo xe lôi kiếm tiền cho buổi tối. Mười mấy năm nay, cái vòng tròn nhọc nhằn cứ quay đều như thế.

Chị Nuôi nói: “Có nhiều hôm anh ốm nặng, nằm co ro ở nhà là cả mấy mẹ con ăn cơm với nước mắm. Đau ốm mà anh ấy có dám nằm đâu, nằm rồi lại sợ mình chẳng bao giờ dậy được nữa”.

Số phận nghiệt ngã nên Thanh chưa bao giờ dám cho mình có một giây phút thảnh thơi. Ngay cả việc vào quán ăn một tô bún vào buổi sáng trước khi đi làm với anh cũng là ước mơ to tát.

Khổ hơn nữa tui cũng chịu được

47 tuổi, gia đình anh Thanh vẫn phải ở nhờ nhà người thân và những hàng xóm mà anh nói là “có tấm lòng Bồ Tát”. Có một tháng vợ chồng anh “liều mạng” đi thuê một căn phòng 350.000 đồng/tháng để ở nhưng rồi phải từ bỏ vì số tiền đó là quá lớn.

Một đời kéo xe nuôi vợ mù ảnh 2

Gia đình nhỏ của Thanh trong căn phòng ở nhờ nhà mẹ vợ. Ảnh: LÊ PHI

Tôi đến gặp vợ chồng anh Thanh vào lúc mặt trời bắt đầu đứng bóng. Buổi sáng anh chị vừa chuyển về ở ké nhà bà ngoại và em trai. Một căn phòng chật chội nêm chặt hai chiếc giường ọp ẹp. Căn nhà nhỏ như chiếc chuồng cu, thiếu sinh khí, xuống cấp là nơi anh chị sẽ sống nhờ qua ngày. Những kilogam gạo tình thương của bà con lối xóm mang cho đựng trong chiếc thùng sơn đã cạn. Nỗi lo kiếm gạo và tiền sinh hoạt làm khuôn mặt anh Thanh già đi trước tuổi và thân hình ngày càng quắt lại vì lao lực.

Trước đây, thấy anh Thanh lao lực mà không chỗ ở nên có một ông phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đã cho về ở trong nhà mình. Ở được khoảng bốn tháng thì vợ chồng anh Thanh xin chuyển đi vì ngại. Hai vợ chồng lại dắt díu nhau đi tá túc hay mướn tạm những căn nhà để trống chờ giải tỏa.

Bà Phạm Thị Tiền (65 tuổi, mẹ của chị Nuôi) than thở: “Ở nhờ nhà người ta mãi tội lắm chú ơi. Bọn nó cũng tính chuyện ở thuê nhưng cơm còn không có cho cháu ăn thì lấy gì trả. Con cháu tôi cực khổ quá”. Bà Tiền nói thế nhưng cũng chẳng sung sướng gì vì đã già rồi nhưng hằng ngày vẫn đi làm cỏ thuê kiếm sống.

11 giờ 30, trong góc nhà của mẹ vợ, anh Thanh ngồi ngắt rau muống chuẩn bị cho buổi tối vì sợ đi làm về muộn không kịp nấu ăn cho cả nhà. Trên bếp củi là nồi cá biển tủn mủn kho mặn. Mâm cơm trưa anh Thanh dọn ra chẳng có gì ngoài bí đỏ xào nước mắm, nồi canh lủng bủng nước và mấy con cá nhỏ vừa được gắp ra.

Anh Thanh nói: “Chiếc dép có số to số nhỏ. Con người cũng có số nhưng số tui bất hạnh nên chẳng dám oán trách chi. Một ngày kết tóc trọn đời là nghĩa phu thê, khổ cực ri chứ khổ nữa tui vẫn kéo xe lôi nuôi vợ nuôi con. Chỉ mong ông trời đừng có tuyệt đường sống của gia đình tui là được rồi”.

Rồi anh Thanh kể tỉ mẩn về cơ duyên hai vợ chồng gặp nhau cùng những ngày hạnh phúc nồng ấm. Tôi mạo muội hỏi anh đã từng có ý định bỏ rơi hay buông xuôi chuyện gia đình mình không? Anh Thanh tâm sự: “Khi vợ đổ bệnh có người bạn xúi tui nên bỏ gia đình đi tìm cuộc sống mới. Với một số người như bạn tui nói đó, họ đã bỏ chạy khi gia đình nghèo kiệt quệ. Nhưng tui nặng nghĩa phu thê làm sao ngoảnh mặt bỏ đi khi vợ mình chẳng có nơi nương tựa”.

Một mình anh Thanh nuôi vợ mù lòa và “cõng” tương lai của con bằng nghề kéo xe lôi thuê là vì tình yêu. Cái nghề nắng làm mưa thất nghiệp chẳng đủ nuôi sống gia đình. Tháng nào chị Nuôi cùng phải đi khám sức khỏe, uống thuốc trị các bệnh về tim, thận, thần kinh... vài lần đã đủ vắt kiệt sức kéo xe lôi của anh.

Ông Phạm Tấn Dũng (tổ trưởng tổ 5A, thôn Xuân Thiều), nói: “Tui chưa từng thấy ai cực như vợ chồng thằng Thanh”.

Một đời kéo xe nuôi vợ mù ảnh 3

Giấc mơ tiếp tục con chữ với bé Hiền đang dần xa vời. Ảnh: LÊ PHI

Mơ chữ cho con

Năm 2005, anh chị có thêm một đứa con trai. Gánh nặng lại trút lên đôi vai anh kéo xe lôi nghèo. Con anh chị từ khi sinh ra đến lúc lớn lên chưa đứa nào có một giọt sữa ngoài nhưng vẫn lớn như cỏ dại. Thương Thanh thật thà thường giúp người khác lợp lại mái tôn sau trận bão, hay kéo xe lôi chở người gặp tai nạn giao thông vào BV… mà người trong phố góp gạo nuôi các con anh.

Niềm an ủi lớn nhất của vợ chồng anh là cô bé Hiền học giỏi và chăm ngoan. Một góc học tập đơn sơ với bàn ghế, giá sách là những phế thải mà ba Thanh vừa lượm về ghép lại. Hiền học xuyên trưa quên tối để làm vui ba mẹ. Năm năm liền em là học sinh giỏi tại Trường Tiểu học Trưng Nữ Vương. Lúc tôi đến cô bé đang học để chiều về thi chuyển cấp lên lớp 6. Hiền nói: “Cháu thi đậu thì cũng không được học nữa đâu chú ạ. Cháu phải nhường cho em Kỷ vào học lớp 1. Ba mẹ không có tiền nên chắc sẽ phải bỏ học”. Cô bé có khuôn mặt thông minh nhưng đôi mắt sụp lại khi nhắc đến chuyện rồi đây phải nghỉ học vì nghèo.

Bà Hoàng Thị Tuyết, một hàng xóm, nói: “Tui cũng thường đi quyên góp giúp gia đình vợ chồng Thanh. Lâu nay nghe nó nói không có tiền nộp học cho mấy đứa nhỏ nên chắc phải cho nghỉ. Tôi thấy tội mấy đứa nhỏ hiếu học quá”.

Tôi hỏi nhỏ vợ chồng anh Thanh về ước mơ. Anh nói: “Chỉ mong sao hai đứa con có cơ hội được đến trường và vợ ít ốm đau là tui hạnh phúc rồi. Tui chẳng ước gì cho mình”.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm