Mandela - Tha thứ và hòa giải

Đêm 5-12 (giờ địa phương), Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã lên truyền hình thông báo cựu Tổng thống Nelson Mandela đã qua đời lúc 20 giờ 50 cùng ngày tại nhà riêng ở Johannesburg. Ông nói: “Đất nước chúng ta đã mất đi một người con vĩ đại nhất. Dân tộc chúng ta đã mất đi một người cha. Dẫu biết ngày này sẽ đến, không gì có thể xóa tan cảm giác mất mát sâu sắc và mãi mãi này”.

Một người con vĩ đại đã ra đi

Ông Nelson Mandela nhập viện hồi tháng 6 vì bệnh viêm phổi tái phát. Ông nằm viện ba tháng trước khi được đưa về nhà riêng chăm sóc. Thông tấn xã Nam Phi đưa tin tang lễ Nelson Mandela sẽ được cử hành theo nghi thức nhà nước. Cả nước treo cờ rủ bắt đầu từ ngày 6-12.

Suốt đêm 5-12 và rạng sáng 6-12, hàng ngàn người mang nến, hoa và ảnh của Nelson Mandela tụ tập bên ngoài nhà riêng của ông. Họ hô vang: “Madiba muôn năm!”. Nhiều người đã bật khóc nức nở. Khoảng 2 giờ sáng 6-12, đoàn xe đưa quan tài Nelson Mandela rời nhà riêng dưới sự hộ tống của đoàn mô tô cảnh sát. Nhiều trực thăng bay theo hộ tống. Đoàn xe tiến về TP Pretoria.

Đài truyền hình CNN (Mỹ) dẫn nguồn tin từ chính phủ Nam Phi cho biết quy trình tang lễ cho cựu Tổng thống Nelson Mandela sẽ kéo dài 10 ngày.

Mandela - Tha thứ và hòa giải ảnh 1

Người dân Nam Phi tập trung bên ngoài nhà riêng của cựu Tổng thống Nelson Mandela ở Johannesburg
sáng 6-12. Ảnh: EPA

Trong bốn ngày đầu tiên, di hài sẽ được bảo quản tại nhà xác bệnh viện quân đội. Bộ tộc Thembu (Nelson Mandela là người thuộc bộ tộc Thembu) sẽ làm nghi lễ đầu tiên gọi là “lễ khép mắt”. Đến ngày thứ năm, lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức tại sân vận động FNB Stadium ở Soweto, ngoại ô Johannesburg. Trong ba ngày tiếp theo, quan tài sẽ được đưa đến trụ sở chính phủ ở Pretoria để các đoàn ngoại giao và công chúng đến viếng. Đến ngày thứ chín, trực thăng quân sự sẽ đưa quan tài đến thị trấn Mthatha (tỉnh Eastern Cape). Sau đó xe pháo sẽ tiếp tục đưa quan tài về làng Qunu (nơi Nelson Mandela sống thời thơ ấu) để làm lễ cầu nguyện.

Trong ngày thứ 10, tang lễ được tổ chức trọng thể. Thi hài sẽ được an táng trong khuôn viên nhà gia đình ông tại làng Qunu.

Suốt đời chống phân biệt chủng tộc

Nelson Mandela sinh ngày 18-7-1918. Ông giữ chức tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999. Ông là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo cách thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành tổng thống, Nelson Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và là một trong những lãnh đạo của tổ chức Umkhonto we Sizwe (Ngọn giáo quốc gia).

Năm 1962, ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị, phản quốc và âm mưu lật đổ chính phủ bằng bạo lực. Năm 1964, ông bị tuyên án tù chung thân và trải qua phần lớn 27 năm tù đày trên đảo Robben (Nam Phi). Sau khi được trả tự do ngày 11-2-1990, Mandela đã lãnh đạo đảng Đại hội Dân tộc Phi trong các cuộc thương lượng với phái đoàn chính phủ cầm quyền người Nam Phi gốc Âu và các đảng phái khác để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994.

Cuộc đời của Nelson Mandela được ghi dấu ấn với những nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhưng mặt khác, một phần không kém quan trọng trong sự nghiệp của ông là chủ trương cuộc vận động hòa giải để người Nam Phi bản xứ và người Nam Phi da trắng (gốc Âu) có thể chung sống hòa bình và cùng nhau xây dựng đất nước.

Tha thứ các cựu thù

Trong bản tin đăng cáo phó Nelson Mandela ngày 5-12, báo Telegraph (Anh) ghi nhận sau khi lên làm tổng thống, Nelson Mandela đã vượt qua những hận thù cá nhân để truyền đi thông điệp tha thứ và hòa giải trong các cuộc gặp gỡ với các nhân vật cấp cao của chế độ phân biệt chủng tộc.

Những nhân vật mà ông tiếp xúc gồm cựu Thủ tướng và Tổng thống Nam Phi Pieter Willem Botha giai đoạn 1978-1984 và 1984-1989, bà Betsie Schoombie, quả phụ của cựu Thủ tướng Nam Phi Hendrik Frensch Verwoerd (1958-1966) và công tố viên Percy Yutar.

Dưới thời cầm quyền của Pieter Willem Botha, hàng ngàn người phe đối lập đã bị bỏ tù không qua xét xử cũng như bị tra tấn và sát hại.

Cựu Thủ tướng Hendrik Frensch Verwoerd chính là người đã thành lập và thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, công tố viên Percy Yutar là người đã cáo buộc tội phản quốc và yêu cầu xử tử hình ông trong phiên tòa năm 1963.

Báo Washington Post (Mỹ) ghi nhận sau khi lên làm tổng thống, ông đã dùng sức mạnh của nhân cách để thu phục gần như mọi người mà ông tiếp xúc từ những người dân làng, những cai ngục (trong thời gian ông bị cầm tù) và những quan chức của chế độ phân biệt chủng tộc trước đây. Ảnh hưởng của ông đã vượt ra ngoài Nam Phi và truyền cảm hứng cho nhiều dân tộc trên thế giới đang chìm trong hận thù sắc tộc, tôn giáo hướng đến hòa giải.

Hòa giải bằng thể thao

Khi Nam Phi đăng cai Giải vô địch bóng bầu dục thế giới năm 1995, Nelson Mandela đã vận động người Nam Phi da đen ủng hộ đội bóng bầu dục quốc gia Springboks. Springboks với thành phần nòng cốt là người da trắng vốn là biểu tượng và niềm tự hào của người Nam Phi gốc Âu trước năm 1994, ngược lại người da đen Nam Phi xem Springboks là hiện thân cho sự áp bức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Sau khi Springboks giành chức vô địch trong trận chung kết với đội tuyển bóng bầu dục New Zealand, đích thân Nelson Mandela (mặc đồng phục đội tuyển Springboks) đã tiến vào sân vận động trao cúp cho đội trưởng Francois Pienaar (người Nam Phi gốc Âu) của Springboks. Giây phút đó đã khiến 65.000 cổ động viên da trắng xúc động và hô vang tên ông: “Nelson! Nelson! Nelson!”.

Đây được xem là một hình ảnh tượng trưng cho sự hòa giải giữa người Nam Phi da đen và người Nam Phi gốc Âu.

Hãng tin AP nhận định trận chung kết Giải vô địch bóng bầu dục thế giới năm 1995 là bước ngoặt của thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc của Nam Phi. Đây là một khoảnh khắc có ý nghĩa lớn lao trong thời kỳ Nam Phi chuyển đổi sang một nền dân chủ đa sắc tộc.

Bài viết với nhan đề Di sản của Nelson Mandela là lòng yêu thương, tha thứ và hòa giải của báo Star-Telegram (Mỹ) có đoạn: “Mặc dù ông đã phải khuất phục trước cái chết nhưng không ngôi mộ nào có thể chôn vùi lòng yêu thương vĩ đại mà ông dành cho người dân Nam Phi và thực tế là cả nhân loại…”.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon: “Nelson Mandela là người khổng lồ của công lý và là nguồn cảm hứng chân thực của mọi người. Thay mặt LHQ, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến người dân Nam Phi, đặc biệt là gia đình của Nelson Mandela và gia đình toàn cầu chúng ta”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama: “…Chúng ta đã mất đi một trong những con người có sức ảnh hưởng nhất, can trường nhất và đức hạnh nhất mà mọi người đã cùng chung sống trên Trái đất này… Chúng ta hãy lắng đọng lại và cảm ơn một sự thật rằng Nelson Mandela đã sống cuộc đời của một con người đã nắm giữ lịch sử trong tay mình và đã hướng đạo đức toàn cầu về phía công lý”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Nelson Mandela là một trong các nhà chính trị vĩ đại nhất trong thời kỳ đương đại... Từng trải qua những thử thách khó khăn nhất, Nelson Mandela đã cam kết đến những ngày cuối đời về các ý tưởng của chủ nghĩa nhân văn và công lý”.

Thủ tướng Anh David Cameron: “Một trong những ánh sáng vĩ đại nhất của thế giới chúng ta đã vụt tắt. Nelson Mandela không chỉ là anh hùng thời đại của chúng ta mà là anh hùng của mọi thời đại và là tổng thống đầu tiên của một đất nước Nam Phi tự do, một con người đã chịu đựng quá nhiều vì tự do và công lý”.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim: “Nelson Mandela cho thế giới biết rằng bất kể những nỗi đau khổ của quá khứ, bất kể nỗi kinh hoàng của chế độ phân biệt chủng tộc, con đường hướng đến hòa bình là tha thứ...”.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde: “Nelson Mandela là con người đã mang những nguyên tắc sâu sắc, kỹ năng ngoại giao xuất sắc và chân giá trị trầm lặng vào nhiệm vụ hòa giải dân tộc và xây dựng đất nước”.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm