Liệt sĩ... trở về

Cuối tháng 5-2011, ông Lê Khắc Hơn và bà Nguyễn Thị Tâm (chị dâu của ông Hơn) tìm tới Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre. Bằng giọng mộc mạc, bà Tâm nói với cán bộ ở đây: “Tôi dẫn đứa em chồng tới để nhờ chứng nhận trước đây nó từng tham gia chiến đấu rồi bị thương, đồng thời xin chữ ký để em nó làm giấy xác nhận thương binh”.

Đại tá Việt Liêm (Trần Quốc Việt), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, nghe xong lấy làm lạ, tự nhủ: “Ngộ quá, 36 năm rồi, nay mới xin làm giấy thương binh…”.

Cuộc kỳ ngộ của hai chiến binh

Ông Việt Liêm càng băn khoăn hơn khi ông Hơn rất kiệm lời, hỏi đâu nói đó, bộ dạng hơi lơ ngơ và nói giọng lơ lớ miền Bắc. Ông Việt Liêm dò hỏi: “Trước đây anh ở đơn vị nào, bị thương lúc đánh trận ở đâu? Thủ trưởng của anh là ai?”. Bà Tâm xen vào: “Chú Hơn bị thương ở chân, ngực, đầu nên trí nhớ không ổn, lúc quên lúc nhớ. Năm 1991, chú Hơn mới bắt đầu nhớ lại, mỗi ngày một ít. Hôm nay tôi đi với chú Hơn đến đây cũng vì chuyện quên nhớ của chú ấy. Chú Hơn nhờ tôi trình bày hộ. Nếu không có tôi thì chú Hơn không đi đâu…”. Quay sang ông Lê Khắc Hơn, bà Tâm nói: “Chú cứ trình bày” và đưa cho ông Việt Liêm xem một số giấy tờ do người cùng quê và đồng đội của ông Hơn xác nhận. Ông Hơn nói: “Tôi ở Tiểu đoàn 263, bộ đội chủ lực tỉnh Bến Tre. Thủ trưởng của tôi lúc đó là ông Minh Bằng…”.

Có mặt tại nơi làm việc hôm đó, ông Minh Bằng (tức Đại tá Nguyễn Tấn Huỳnh) - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre khá bất ngờ. Vào thời điểm tiếp quản 30-4-1975, ông Minh Bằng là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 263.

Liệt sĩ... trở về ảnh 1

Ông Lê Khắc Hơn và bà Nguyễn Thị Tâm tại Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre. Ảnh: PLHH

Quay sang ông Hơn, ông Minh Bằng hỏi: “Anh ở Tiểu đoàn 263, chức vụ, bị thương trận nào?”. Ông Hơn kể: “Đêm 29 rạng 30-4-1975, trung đội tôi công đồn xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Tôi là trung đội trưởng và bị thương trong trận đánh đó”. Ông Minh Bằng lặng người: “Vậy là đúng rồi… Lúc đó tôi là tiểu đoàn trưởng đây…”. Hai ánh mắt giao nhau xót xa.

Ông Minh Bằng chân tình nói với ông Hơn: “Lính của tiểu đoàn nhiều, phân tán ra từng trung đội nên tôi đâu thể nhớ hết từng gương mặt. Song những gì anh vừa nói tôi xác nhận là đúng sự thật”. Ông Hơn cố nhớ lại: “Lúc đó tôi chỉ biết bí danh của tiểu đoàn trưởng của tôi là Minh Bằng chứ ít khi thấy mặt”.

Câu chuyện dài ra, buồn vui xen lẫn. Ông Hơn kể: “Trong trận đánh đồn Lương Quới, tôi bị thương ở chân trái, ngực và đầu. Sáng 30-4-1975, anh em chuyển tôi đến Quân y Bến Tre đóng trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Từ đây, tôi được chuyển đến BV Quân y K 120 ở Đồng Tâm (Tiền Giang) rồi sau đó chuyển tiếp vào BV K 121 Quân khu 9 ở Cần Thơ. Tôi nằm điều trị một thời gian dài và xuất viện tại Cần Thơ, không một người thân. Quê tôi ở tận ngoài xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên…”.

Ông Minh Bằng xót xa: “Sau giải phóng, các đơn vị phải sắp xếp lại coi ai còn sống, ai là thương binh hay đã hy sinh để làm hồ sơ hưởng chính sách. Lúc này công việc rất bề bộn, thay đổi người phụ trách liên tục. Mặt khác, đơn vị đã chuyển anh Hơn ra khỏi tỉnh rồi biệt tăm nên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre đã có văn bản báo tử đồng chí Lê Khắc Hơn gửi ra tỉnh Thái Nguyên. Sau đó tỉnh Thái Nguyên có văn bản cấp bằng ghi công cho liệt sĩ Lê Khắc Hơn và gia đình được hưởng chính sách gia đình liệt sĩ”.

Trả lại tấm bằng liệt sĩ

Bà Nguyễn Thị Tâm kể thêm: Ông Lê Khắc Hơn xuất viện tại Cần Thơ, lơ ngơ, sống lang thang ngoài phố chợ. Hằng ngày ai cho gì thì ăn đó, ai sai làm việc gì thì làm việc đó.

Liệt sĩ... trở về ảnh 2

Đại tá Nguyễn Tấn Huỳnh (Minh Bằng) (phải) và ông Lê Khắc Hơn. Ảnh: PLHH

Ở phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ có bà Lâm Thị Hiền (chồng chết) có hai con, sống bằng nghề nướng bánh bông lan. Năm 1991, thấy hoàn cảnh ông Hơn đáng thương nên bà Hiền cho ông Hơn về sống chung. Hằng ngày ông Hơn phụ giúp việc nhà và nướng bánh. Sau đó, hai người đã trở thành vợ chồng và hiện có hai con đã khôn lớn. Ngặt nỗi với nghề bán bánh bông lan, bà Hiền và ông Hơn phải nuôi sáu miệng ăn nên đời sống chật vật, khó khăn. Hiện bà Hiền và ông Hơn vẫn ở trong căn nhà mái tôn nóng hầm hập, ngang 2 m, dài khoảng 8 m, hằng ngày vẫn nướng bánh đem ra chợ bán. Dù vất vả, khó khăn nhưng cuộc sống gia đình họ rất hạnh phúc. Điều trớ trêu là đến nay ông Hơn vẫn chưa có tên trong hộ khẩu nhà bà Hiền vì ông không có một mảnh giấy tờ gì để chứng minh gốc gác của mình.

Bà Tâm kể tiếp: “Sau năm 2002, tôi từ Thái Nguyên vô Cần Thơ mới tìm gặp được chú Hơn. Còn trước đó cứ cho là chú đã hy sinh. Ở Thái Nguyên có ông Nguyễn Sĩ Ỳ và Nguyễn Minh Sức là hai đồng đội của chú Hơn, trong đó ông Sức là người có lần tiếp máu cho chú Hơn (ông Hơn bị thương lần đầu ở Bến Tre vào năm 1972, lúc tấn công vào đại đội công binh đóng ở lộ 5, xã Sơn Phú). Khi đến thăm gia đình chú Hơn ở xã Dân Tiến, ông Ỳ và ông Sức hết sức ngạc nhiên khi thấy trong nhà có treo bằng Tổ quốc ghi công: Liệt sĩ Lê Khắc Hơn, cấp bậc: Thượng sĩ, chức vụ: Trung đội trưởng Tiểu đoàn 263 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre.

Lúc đó ông Ỳ nói với gia đình: “Thằng Hơn chỉ bị thương chứ đâu có chết. Nó đang sống ở Cần Thơ”. Sau đó, các cháu của ông Hơn vào Cần Thơ và rất vất vả mới tìm ra được nơi ở của ông Hơn. Sau mấy mươi năm xa cách quê nhà, năm 2002, ông Lê Khắc Hơn mới về thăm gia đình ở xã Dân Tiến. Ông Hơn ra UBND xã Dân Tiến xin gửi lại tấm bằng liệt sĩ và tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi tấm bằng đã cấp cho ông.

Chỉ xin được vào… hộ khẩu

Bà Tâm bùi ngùi: “Gia đình chồng tôi chỉ có chú Hơn và chồng tôi là con trai. Chồng tôi đã mất cách đây 26 năm. Mặt mũi, tướng tá của hai anh em giống hệt nhau. Bởi vậy tôi tự nhủ với lòng mình có tốn kém bao nhiêu cũng không ngại, phải tìm ra chú Hơn và giúp chú ấy”.

Tôi hỏi ông Hơn vì sao 27 năm ông mới về thăm quê. Ông Hơn cố nhớ: “Do vết thương trên đầu, từ sau giải phóng cho đến năm 1990, tôi bị tỉnh tỉnh mê mê, không còn nhớ gì cả. Khi gặp bà Hiền nhà tôi, tụi tôi rất nghèo, lo kiếm sống hằng ngày nên đâu có tiền về thăm quê. Còn tôi về được quê nhà là do mấy đứa cháu đưa về”.

Ông Minh Bằng cho biết: “Với ông Hơn, tôi chỉ cần hỏi vài câu là xác định được ông ấy có phải là cựu binh Tiểu đoàn 263 hay không. Tôi đã xác nhận cho ông ấy là cựu binh Tiểu đoàn 263, chức vụ trung đội trưởng - dừng lại chút, ông Minh Bằng tiếp lời - lúc này chưa có cấp bậc, sau giải phóng phiên ngang là thượng sĩ. Với giấy xác nhận này, ông Hơn sẽ đem về phường An Lạc để nơi đây có căn cứ, cơ sở cho ông nhập hộ khẩu vào hộ của bà Hiền rồi sau đó là làm giấy chứng nhận thương binh. Qua lời kể của bà Tâm thì gia đình của ông Hơn hiện rất khó khăn. Vậy nên tôi kêu gọi những cựu chiến binh khác có hoàn cảnh khá hơn hãy giúp ông Hơn vượt nghèo…”.

Ông Lê Khắc Hơn giãi bày, giọng khẳng khái: “Tôi mong được xác nhận là thương binh cho danh chánh ngôn thuận mà thôi. 36 năm rồi tôi không được hưởng chính sách thương binh nhưng tôi vẫn sống đấy thôi”.

Chiều 30-5-2011, các cán bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre đưa ông Hơn và bà Tâm ra bến xe. Bà Tâm và ông Hơn tóc đã bạc như nhau, họ đều ở vào tuổi 60. Họ đứng ở bến xe và nhìn sự phát triển sầm uất của quê hương Đồng Khởi - nơi ông Hơn đã từng đổ máu trong những trận đánh năm xưa.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm