Làm giàu trên quê Bác

Quyết định khó khăn

Xuất phát là nông dân, quanh năm sống nhờ mấy sào ruộng nên gia đình anh Mến trước đây rất vất vả. Nhớ lại thời điểm 10 năm trước, anh Mến vẫn cho rằng mình liều: “Lúc đó, ngoài sự yêu thích mỹ thuật và lòng yêu Bác Hồ ra, tôi chẳng có gì”.

“Khi còn là bộ đội, vì thích vẽ nên tôi đã tham gia học lớp mỹ thuật. Khả năng vẽ chân dung, vẽ truyền thần của tôi được cả đơn vị khen ngợi” - anh Mến tâm sự. Xuất ngũ về nhà, anh muốn làm việc gì đó liên quan đến mỹ thuật. Trong những lần vào Kim Liên thăm nhà Bác, anh nông dân nghèo chợt nhận ra nhu cầu rất lớn của du khách về mặt hàng đồ lưu niệm, trong khi các gian hàng lại nhỏ lẻ, thiếu thốn. Và từ đó, một ý nghĩ táo bạo đã lóe lên.

Làm giàu trên quê Bác ảnh 1

Anh Mến bên một sản phẩm vừa làm xong. Ảnh: CAO THÁI

Ban đầu, vợ và người thân phản đối kịch liệt vì cho rằng anh Mến đang liều vào một việc chưa có chút gì kinh nghiệm. Nhưng rồi anh dần dần thuyết phục được họ và xưởng chế tác tranh ảnh về Bác được hình thành. Lúc đầu, xưởng của anh chỉ thuần làm tranh. “Những ngày đầu rất khó khăn, vợ chồng tôi vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm khắp nơi. Do điều kiện khó khăn nên máy móc, phương tiện còn thiếu thốn, đặc biệt là thiếu máy in. Chúng tôi đã cố gắng để cho ra những sản phẩm đầu tiên” - anh Mến nhớ lại.

Vừa làm việc, anh Mến còn phải lo tìm đầu ra. Anh tất tả chạy vào Kim Liên để giới thiệu sản phẩm với các chủ quầy lưu niệm. “Ban đầu họ rất e dè nhưng sau khi nghe tôi giải thích, họ đều đồng ý nhận bán sản phẩm với điều kiện sẽ thanh toán tiền vào cuối tháng. Dù thiếu vốn nhưng tôi đồng ý cách thức đó” - anh Mến xúc động khi tâm nguyện của mình được thực hiện.

Góp sức đổi thay quê hương

Đề tài chủ yếu trong các bức tranh của anh Mến là Bác Hồ, các thành viên trong nhà Bác cũng như phong cảnh Kim Liên, Nam Đàn. Nhờ sản phẩm phong phú và giá cả hợp lý, những bức tranh có ý nghĩa thiết thực của anh rất được du khách ưa chuộng.

Đến nay, sau gần 10 năm hoạt động, xưởng của anh Mến đã mở rộng hơn rất nhiều cả về quy mô sản xuất lẫn hình thức. Hiện tại, anh Mến vừa làm tranh truyền thống, vừa chế tác tượng, tranh lụa, tranh in, đề tài chủ yếu vẫn là về Bác Hồ. Anh đã đầu tư khoảng 1,3 tỉ đồng để trang bị máy in, máy cắt kính, nhập hàng loạt phôi đá từ Đà Nẵng và các nguyên liệu khác. “Hiện nay, nếu trừ tất cả các khoản phí thì mỗi năm gia đình tôi cũng thu nhập ít nhất 500 triệu đồng. Các con của tôi được học hành đến nơi đến chốn và cũng đã biết phụ giúp cho bố mẹ” - anh hồ hởi.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Mến còn tạo điều kiện giúp đỡ cho hàng xóm láng giềng. Hiện xưởng của anh có sáu lao động đều là con em trong xóm với thu nhập mỗi tháng trên 3 triệu đồng. Trong tương lai, anh đang ấp ủ dự định thành lập một doanh nghiệp nhỏ với quy mô và phương thức sản xuất bài bản hơn. “Lúc đó, các sản phẩm sẽ có điều kiện quảng bá rộng hơn và sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho người dân” - anh Mến chia sẻ dự định của mình.

Công việc của anh Võ Văn Mến không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình mà còn góp phần vào việc quảng bá cho quê hương Bác Hồ. Nhiều năm nay, anh Mến luôn được ghi nhận là tấm gương sản xuất giỏi của huyện Nam Đàn, nhiều lần được các cấp khen thưởng và biểu dương. “Niềm vui lớn nhất của tôi là đã góp chút phần mình vào sự phát triển đổi thay trên quê hương Bác Hồ” - anh Mến mỉm cười chia sẻ.

CAO THÁI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm