Lại… Bộ luật Gia Long ban hành năm nào?

Bộ Hoàng Việt luật lệ (tức Bộ luật Gia Long) “được biên soạn trong một thời gian dài, đến năm 1811 thì hoàn tất, năm 1812 được khắc in lần đầu ở Trung Quốc. Nhà vua đã trực tiếp đọc duyệt, tu chỉnh sau cùng, sau đó mới cho phép khắc in và ban hành áp dụng trên phạm vi toàn quốc vào năm 1913 (tác giả đã đính chính là “1813” - AP)”. Tôi còn nhớ trước đây không lâu nguyệt san Pháp Luật TP.HCM đã có lần xác định bộ luật này được ban hành năm 1815 mới đúng. Vậy một lần nữa đề nghị Anh Phó…“nói lại cho rõ” giữa hai con số về năm ban hành Bộ luật Gia Long cho chính xác (1813 hay 1815)?

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Thanh Châu,

Việc này tôi đã quá “mòn mỏi” rồi, nhưng do bạn nhắc lại nên tôi phải nói thêm vài ý như sau:

Sau khi lên ngôi hoàng đế (1802) vua Gia Long đã quan tâm đến việc san định luật pháp để cai trị một đất nước Việt Nam mới thống nhất. Tháng Giêng năm Tân Mùi (1811) nhà vua sai Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu “Khảo xét những pháp lệnh, điển lệ của triều, tham hội với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh… san định và biên soạn luật lệ”. Chi tiết này đúng vì có ghi trong quyển sử Đại Nam thực lục (ĐNTL) của Quốc sử quán triều Nguyễn. Tháng 7 năm Nhâm Thân, Gia Long thứ 11 (1812) bộ luật đã hoàn thành lấy tên là Hoàng Việt luật lệ được đem ra khắc in. Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Sách luật xong. Vua sai Nguyễn Văn Thành và Vũ Trinh sửa định các điều luật lệ, phàm 398 điều” (ĐNTL tập IV, NXB Sử học, 1963, trang 158)…

Lại… Bộ luật Gia Long ban hành năm nào? ảnh 1

Ảnh minh họa

Song vào thời điểm năm 1813, bộ luật này chỉ mới được đưa khắc in chứ chưa ban hành để áp dụng. Trong ĐNTL có ghi năm 1813 “khắc in ban hành” ý là “khắc in để chuẩn bị ban hành” chứ thực tế chưa ban hành. Mãi hơn hai năm sau bộ luật này hoàn tất thủ tục chuẩn bị mới được chính thức ban hành. ĐNTL chép sự kiện trọng đại này được thực hiện vào tháng 8 năm Ất Hợi, Gia Long năm thứ 14 (1815) như sau: “Ban Quốc triều luật lệ(*) cho trong ngoài. Chiếu rằng: “(…) từ nay xét xử ngục tụng, hết thảy y theo luật điều mới ban, không được trái vượt. Quan lại trong ngoài đều nên lưu tâm nghiên cứu. Dẫn dụng xử đoán cần phải rõ ràng, khiến cho hình được công bằng, không ai bị oan lạm, để báo đáp tấm lòng cẩn thận sự phạt thương xót việc hình của trẫm” (…). Từ năm Mậu Dần (1818) trở đi thì xử trị theo luật” (ĐNTL, tập IV, NXB Sử học, Hà Nội, 1963, trang 256; tập một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 905).

Sở dĩ trong bài báo Tuổi Trẻ, hai tác giả UTB và KN ghi sai chi tiết năm ban hành và thời điểm có hiệu lực như vậy (1813 thay vì 1815) vì hai tác giả này đã dựa theo bài dịch Hoàng Việt luật lệ do NXB Văn hóa-Thông tin xuất bản năm 1994, mà nhiều lần tôi đã thưa cùng bạn đọc: Nó có quá nhiều chi tiết dịch thuật và nhận định không chính xác, vậy người đọc nên hết sức cẩn trọng, cảnh giác khi tham khảo nó. Sự sai trật đáng tiếc này cũng giống như sự nhầm lẫn của một tập thể giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội mắc phải khi nhận định, đánh giá Bộ luật Gia Long thể hiện qua quyển sách chuyên khảo Tội phạm và hình phạt trong Hoàng Việt luật lệ, do NXB Tư pháp in năm 2008 mà tôi đã có trả lời bạn đọc liên tiếp trong Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 154, 155, 156. Rồi chúng ta sẽ thấy… còn không biết bao nhiêu điều tai hại khác nữa do hậu quả của bộ sách dịch kiểu ấy để lại cho đời sau.

Thân chào bạn.

(*) Thời xưa nhà nước đương thời thường ghi danh hiệu “Quốc triều” đối với những văn kiện tài liệu ra đời vào thời đại mình (tự xưng); đến triều đại khác mới ghi đúng tên gọi của nó. Thí dụ: Bộ luật Hồng Đức là tên gọi của thời sau, còn dưới thời vua Lê Thánh Tông (1360-1397) - thời đại làm ra bộ luật ấy phải gọi xưng một cách tôn kính là “Quốc triều hình luật”. Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ) cũng vậy, thời vua Gia Long (1802-1820) gọi là “Quốc triều luật lệ”.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2010, Mục "Chuyện xưa chuyện nay")

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm