Ký ức Trường đua Phú Thọ - Bài 2: Nỗi buồn kỵ mã

Anh Huỳnh Văn Tỏn (xã Bà Điểm, Hóc Môn) bắt đầu câu chuyện bằng một giọng trầm buồn: “Ông ngoại tui sinh năm 1902, nuôi ngựa đua cừ lắm. Ông chơi từ ngày mở cửa trường đua năm 1932. Sau này đến lượt cha tui theo nghiệp rồi đến tui. Con trai tui mỗi cuối tuần cũng thích thú theo tui đến trường đua!”.

Dọc ngang yên ngựa

Anh Tỏn 57 tuổi, hồi nhỏ hay theo cha đến trường đua chơi rồi đâm nghiện. Anh biết làm nài ngựa (cưỡi ngựa đua) từ năm 14 tuổi, đua suốt từ năm 1969 đến 1971. Dáng Tỏn nhỏ thó, nặng nhất chỉ có 32 kg. Sau lên cân phải bỏ lưng ngựa theo nghề nuôi ngựa.

Trường đua Phú Thọ đóng cửa mấy tháng nay, anh buồn hiu hắt. Đồng nghiệp anh tìm cách bán hết ngựa, riêng anh bỏ không đành, giờ nuôi con Hiệp Quỳnh làm bầu bạn. Mỗi ngày anh Tỏn cho Hiệp Quỳnh ăn, vỗ về tâm sự và an ủi nó, dẫu biết trường đua rất khó mở lại hoặc có hoạt động thì nó không có cửa chen chân với đồng nghiệp thuần chủng.

Anh nhớ thời dọc ngang ở Trường đua Phú Thọ: Hồi ấy trường đua đẹp nức nở, mở cửa đón toàn giới trí thức. Bọn tui mặc đồ đồng phục như kỵ sĩ, đội nón kết. Đứa nào đứa nấy dắt ngựa ra chào khán giả mũi nở to vì hãnh diện. Anh Tỏn hào hứng kể: “Mỗi cuối tuần hoặc vào các dịp đại hội truyền thống, nài được chủ ngựa cưng như trứng mỏng. Hồi ấy, thắng một độ ngựa gần 60.000 đồng, sống rỉ rả cả năm. Năm 1971, tui mua chiếc Honda 67 chỉ có 29.000 đồng, cả xóm trầm trồ. Những năm trước khi trường đua đóng cửa (1975), mỗi đợt phát hành 10.000 vé thì các chủ ngựa có 3.000. Sau này người ta “giếm” đi hết. Chủ ngựa bây giờ mỗi lần thắng độ chỉ nhận khoảng sáu, bảy triệu đồng. Cho nên tiền cho nài chỉ 10%, người dẫn ngựa 10%, phất cờ xuất phát và xe chở nữa tổng cộng khoảng 25%, xem như chẳng còn lại bao nhiêu…”.

Bất chợt, anh Tỏn buông lơi một câu hỏi da diết: “Cậu có biết bao giờ người ta mở trường đua lại không?”.

Ký ức Trường đua Phú Thọ - Bài 2: Nỗi buồn kỵ mã ảnh 1

Anh Huỳnh Văn Tỏn kể về một thời trên lưng ngựa ở Phú Thọ. Ảnh: XUÂN HUY + TƯ LIỆU

Bên tàu ngựa nhà hàng xóm còn bốn con thu vó trong chuồng, thi thoảng vọng ra tiếng hí buồn não ruột. “Nửa hộ dân xã Bà Điểm này quen nghề nuôi ngựa đua. Giờ trường đua đóng cửa, không biết rồi kiếm nghề gì sinh sống đây”.

Huỳnh Văn Tỏn có ba năm làm nài ngựa ở trường đua. Anh bảo mình may mắn, lúc có tiền thắng cuộc, anh đi học nghề thợ tiện, sau chuyển sang làm cửa sắt, cũng đủ sống. Anh khoe mấy cái thước đo ở Trường đua Phú Thọ đều do anh gia công kiếm tiền… nuôi ngựa. Nghề này ngoài đam mê còn là truyền thống gia đình rồi, dẫu có khó khăn cách mấy thì trong nhà anh vẫn luôn có một con ngựa lưu dấu truyền thống của dòng họ.

Chiến mã kỳ công

Cái tên ngựa chiến Hiệp Quỳnh nghe rất mỹ miều của anh Tỏn chẳng phải cao sang gì, thế mà anh phải nát óc mới nghĩ ra. Nghĩ mãi, anh Tỏn làm sao tránh cho hết tên của bạn bè, ngại họ nghĩ mình chọc ghẹo, xúc phạm. Thế nhưng đồng nghiệp của anh ai mê phim Tàu thì đặt là Tiểu Long Nữ, thích… diễn viên thì có Tăng Thanh Hà, khoái ca nhạc là Lam Trường, Phương Thanh, ghiền đá banh thì đặt là Maradona, Pele, Ronaldo…

Anh Tỏn ví von nuôi một con ngựa đua hơn là mình nuôi con mọn vậy. Một con ngựa đau, cả tàu mấy con không thèm cỏ, cặp mắt lồi ra, ngơ ngác, ủ rũ nhìn sang bạn, thấy tội nghiệp lắm.

Anh Tỏn cười hiền lành: “Tui nói thiệt mà mắc cỡ quá, mỗi lần con cái mình đau, có khi bận công chuyện gì còn chần chừ. Mà dứt khoát ngựa đau, bọn tui phải chăm sóc, chạy chữa liền. Chẳng hạn, ngựa đau bụng thì hay cào chuồng, sờ tai nó lạnh ngắt. Để ý một chút, nó hay nhìn xuống bụng thì mình phải coi phân. Bọn ngựa có ruột thẳng đuột nên mình phải dẫn ra ngoài chạy cho nó sốc để nó ị. Nếu bụng mà chướng lên là thua rồi, bị nặng rồi đó”.

Ngựa sinh ra phải ra bác sĩ làm khai sinh hẳn hoi. Cái bản khám sức khỏe và khai sinh y hệt như người, có tên cha, tên mẹ, chiều cao, cân nặng, dòng giống. Nhiều khi chủ ngựa đi lấy giống nơi khác cũng phải nhớ tên để ghi vào gia phả, không khác gì cuộc sống của con người có họ hàng, dâu rể.

Nuôi một chú ngựa đua tốn công ghê gớm. Anh Tỏn thì ví von nó như một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, còn mình là huấn luyện viên. Mỗi ngày anh đều phải dợt ngựa. Người phải quen thuộc ngựa tới mức nó “hắt hơi sổ mũi” là biết ngay. Anh Tỏn nói chuyện với ngựa có khi bằng roi, có lúc phải tâm tình như người thân riết rồi nó hiểu. Ngựa chứng cỡ nào anh thuần cũng xong. Tiền mua cỏ, lúa,… cho ngựa ăn mỗi tháng chỉ hơn triệu bạc, cái khó là làm sao mình phải hiểu nó muốn gì. Sợ nhất mỗi khi trái gió trở trời, ngựa trở bệnh thì tốn tiền cách mấy cũng đưa đi bác sĩ hay chữa theo các bài thuốc dân gian hoặc nhờ kinh nghiệm của người lớn.

Nài ngựa sau vài tuần học cách thuần ngựa chạy theo đường đua nhuần nhuyễn thì mới được đăng ký đua. Anh Tỏn đắc ý diễn giải theo câu “ngựa quen đường cũ”. Nghĩa là khó nhất là làm sao cho ngựa chạy theo đường piste, không bị “tẹt” ra ngoài. Nó chạy sai đường một lần là lần sau quen thói chạy mãi.

Ngựa sống rất có tình có nghĩa. Kinh nghiệm của nài khi ngã ngựa là phải nằm im ngay lập tức. Mấy con đồng nghiệp là đối thủ trên đường chạy nhưng khi thấy nài chổng vó thì dù đang đua tốc độ rất cao vẫn tìm cách nhảy tránh qua người nài.

Hậu trường và mua bán trên đường đua

Trước năm 1975, nài thường ép cân bằng cách uống thuốc theo toa của bác sĩ do các chủ ngựa mua cho. Có viên thuốc Tây kỳ lạ lắm, uống một viên no một ngày. Mấy tay nài mới ra nghề, chưa có tiền thì uống dấm nuôi hoặc chui vào cái bội gà, đốt đèn cầy lên xông cho ra mồ hôi.

Anh Tỏn kể tiếp: “Hồi trước có ông Tư Khá làm giám thị dùng ống nhòm quan sát, đứa nào có mưu đồ lộn xộn là ổng bắt bài liền. Cứ nhìn dáng ngựa chạy là biết, con nào nhảy ra nhảy vô bảo đảm nài giở trò. Phổ biến nhất là đánh roi tới tấp mà toàn là… hụt không à. Đứa nào chân dài thì lợi hại hơn. Nó thò xuống nách ngựa… chọt lét sao mà chịu nổi, phân tâm liền. Ma mãnh hơn nữa là mang ngựa đi chích thuốc ngủ, vừa chạy vừa buồn ngủ mất hết cảm giác nhảy”.

Từ ngày Trường đua Phú Thọ mở cửa, thời nào cũng có nhiều tay cá cược đi mua chuộc nài hoặc chủ ngựa để thắng độ. Anh Tỏn nhớ lại: “Họ cho tui tiền, bắt tui rút tên trước ngày đua, cho chạy sai nhịp hoặc “níu” khi đua. Do nhà mình nuôi ngựa đâu có phụ thuộc ai nên họ không mua tui được. Chỉ thấy tội nghiệp mấy chủ ngựa được họ đầu tư nuôi, giờ bắt phải tiêu cực, mấy ai dám từ chối. Khổ hơn nữa là những người nuôi ngựa cho mấy tay ngụy quyền như Thiếu tá Giỏi, “cò” Tuấn nhằm trốn quân dịch. Tất cả đều chịu sự thao túng của họ. Thực sự thì số này ít thôi, chủ yếu vẫn là đam mê lành mạnh”.

Nghề chơi cũng lắm công phu. Anh Tỏn nhe hàm răng khập khiễng của mình ra dẫn chứng: “Cái mặt tui nè, tét mấy đường, răng gãy mấy cái. Dân nài tụi tui té cày mặt xuống đất như cơm bữa. Hồi chưa có mũ bảo hiểm thì năm nào cũng có nài chết. Tội nghiệp ông Hạnh, một lần té văng vô cổng, chân bị thương đi cà thọt suốt đời. Nài té bung xương vai, gãy tay là… chuyện nhỏ”.

Thôi rồi ngựa đua

Ký ức Trường đua Phú Thọ - Bài 2: Nỗi buồn kỵ mã ảnh 2

Anh Huỳnh Văn Tỏn và con ngựa chiến Hiệp Quỳnh. Ảnh: XUÂN HUY

“Con Hiệp Quỳnh hai tuổi của tui, hồi mua 30 triệu đồng, nếu còn ngựa đua chắc bán được 50 triệu đồng. Nó giỏi lắm, chạy bốn độ thắng hai rồi đó. Giờ nỡ lòng nào mà bán nó cho người ta nấu cao, tui buồn chết mất. Có bán cũng chỉ khoảng 8-9 triệu đồng là cùng. Không biết một, hai tháng nữa người ta có mở trường đua lại không” - ông chủ đua ngựa Huỳnh Văn Tỏn tâm sự.

CÔNG TUẤN

Bài 3: Người sống thọ hơn trường đua

Thời Pháp thuộc, ông từng bị bắt vì đấu tranh đòi quyền lợi cho dân theo nghề ngựa truyền thống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm