DẤU ẤN DƯƠNG QUANG TRUNG - BÀI CUỐI

“Không có chú Tư không ai dám làm”

GS Dương Quang Trung là người đã đề ra ý tưởng, xin ý kiến của lãnh đạo các cấp và triển khai quyết liệt việc thành lập các trung tâm chuyên khoa như ung bướu, chấn thương chỉnh hình, mắt, tai mũi họng, trung tâm bệnh Nhiệt đới… Về sau, theo quy định của Nhà nước, các trung tâm này đều được đổi thành bệnh viện.

“Không có chú Tư không ai dám làm” ảnh 1

GS-TS-VS Dương Quang Trung (người đứng trên bục) phát biểu trong buổi lễ ra mắt khoa Nghiên cứu lâm sàng Bệnh nhiệt đới. Một chương trình hợp tác giữa Trường ĐH Oxford và Trung tâm (nay là BV) Bệnh nhiệt đới kéo dài đến nay. Ảnh:
TƯ LIỆU

Phát triển khoa học để chăm sóc người bệnh tốt hơn

GS-BS Trần Tịnh Hiền, nguyên Phó Giám đốc BV Nhiệt đới, nhớ lại: “Những ngày đầu thành lập trung tâm còn khó khăn về cơ sở vật chất, thuốc men cũng như nguồn nhân lực. Đất nước lại trong thời kỳ thiếu thốn, thuốc kháng sinh phải chắt chiu từng liều. Chú Tư đã dùng các mối quan hệ của mình liên hệ với các tổ chức y khoa nước ngoài xin các thiết bị y tế và thuốc đặc trị cho các loại bệnh nhiễm ở Việt Nam. Hàng chuyển về, chú giữ ở Sở Y tế rồi gọi các trung tâm đến lấy”.

Theo GS Hiền, thành công của BV Bệnh nhiệt đới hiện nay ghi đậm dấu ấn của BS Dương Quang Trung. Có những việc mà không có bác sĩ thì không ai dám làm. “Trong những năm 1980, quan hệ giữa ta và Trung Quốc không được thuận lợi nhưng chính chú Tư đã ký giấy mời một giáo sư người Trung Quốc (người nghiên cứu thuốc Artemisinin để chữa sốt rét tốt nhất thời đó và cả bây giờ - PV) sang Việt Nam để trao đổi và nói chuyện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc xin chủ trương từ cấp trên nhưng cuối cùng việc này cũng thành công” - GS Hiền kể.

Bước sang những năm 1990, trong nước chưa có quy định nào về việc hợp tác với nước ngoài nhưng GS Dương Quang Trung đã đứng ra chủ trì chương trình hợp tác giữa Trung tâm Bệnh nhiệt đới và Trung tâm Y học Nhiệt đới (thuộc ĐH Oxford - Anh) để thành lập khoa Nghiên cứu sốt rét. “Tôi biết chú Tư với vai trò là giám đốc Sở sẽ gặp nhiều rào cản trong việc làm này nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Vì ông tâm niệm phải phát triển khoa học để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân được tốt hơn. Năm 1991, tỉ lệ tử vong do bệnh sốt rét là 30%-40% nhưng sau khi khoa Nghiên cứu sốt rét ra đời, chỉ trong vòng 2-3 năm tỉ lệ này đã giảm hẳn. Ngoài ra, trung tâm còn tiếp cận được với các kỹ thuật điều trị mới như: lọc thận, lọc màng bụng và vô số các loại thuốc mới,… Đến hiện tại, sau hơn 20 năm, chương trình hợp tác với Trường ĐH Oxford vẫn đang còn tiếp tục và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực” - GS Hiền nói.

Giáo dục sức khỏe quan trọng nhất

Theo hồi tưởng của BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, lúc bấy giờ GS Dương Quang Trung đã bàn bạc, thống nhất cùng GS Lương Tấn Trường, Giám đốc BV Ung thư TP và GS Nguyễn Chấn Hùng, Trưởng khoa Ung bướu - BV Bình Dân, để thành lập trung tâm chuyên khoa điều trị ung thư. Và ngày 15-8-1985, Trung tâm Ung bướu TP.HCM đã ra đời trên cơ sở sáp nhập khoa Ung bướu - BV Bình Dân và BV Ung thư.

Trong buổi lễ thành lập Trung tâm Ung bướu, với cương vị giám đốc Sở Y tế, chú Tư đã chỉ đạo và dặn dò trung tâm nên có năm chức năng: chức năng phục vụ, nghiên cứu khoa học, đào tạo bổ túc, xây dựng màng lưới, chú trọng vấn đề giáo dục sức khỏe, đây là chức năng quan trọng nhất. Ngoài ra phải làm sao có những chương trình phòng, chống cụ thể.

Phải nói đây là những chỉ đạo hết sức rõ ràng thể hiện tầm nhìn chiến lược của chú Tư đối với BV Ung bướu nói riêng và lĩnh vực phòng, chống ung thư nói chung. Hiện nay Ung bướu là bệnh viện hạng 1 chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh ung bướu cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Là tuyến trung ương về chuyên môn, kỹ thuật phòng, chống ung bướu theo phân công của Bộ Y tế. Kết hợp trường-viện, đào tạo nhân lực bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa ung bướu từ trung cấp đến sau ĐH. Xây dựng mạng lưới phòng, chống ung thư, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ xây dựng các bệnh viện vệ tinh

“BV Ung bướu TP.HCM hình thành và ngày càng phát triển như hiện nay xuất phát từ tầm nhìn, tâm huyết, dám nghĩ dám làm của chú Tư. Chú Tư luôn quan tâm đến sự phát triển của bệnh viện và ngành ung thư. Còn nhớ từ năm 1997 đến nay, hội thảo phòng, chống ung thư TP.HCM với quy mô cả nước không bao giờ vắng mặt chú Tư. Nhưng hội thảo năm nay, tôi và anh em đồng nghiệp không còn được gặp chú Tư và được chú Tư dặn dò, chỉ bảo nữa rồi…” - BS Minh ngậm ngùi.

Người thầy giản dị

Chúng tôi là sinh viên y khoa khóa đầu tiên (Y89) của trường. Lớp chúng tôi không ai mà không nhớ ngày đầu khai giảng khóa học. Hôm ấy, thầy nhắc đến những bậc thầy danh tiếng trong ngành y như Hipocrate, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, thầy nhắc chúng tôi phải biết “học thầy không tày học bạn”, thầy căn dặn chúng tôi một người thầy không bao giờ được quên là người bệnh… Rồi thầy dừng lại, hỏi cả lớp: “Lớp ta có em nào biết đối được câu Không thầy đố mày làm nên không?”. Cả giảng đường im lặng, mỗi người thoáng chút suy nghĩ. Chợt giữa lớp, một bạn nam ngập ngừng nói: “Không mày… đố thầy… làm nên”. Cả lớp bậc cười nghiêng ngửa. Thầy cười to nhất. Khi cả lớp đã yên lặng, không ai ngờ thầy lại khen hay: “Đúng là như vậy. Nếu trường chỉ có các thầy thì không là ngôi trường được. Sự thành công của trò chính là sự thành công của thầy”. Sau này tôi mới biết thầy đang muốn nói đến quan điểm giảng dạy “Lấy sinh viên làm trung tâm” trong ngành giáo dục đào tạo.

Những bài học đầu tiên thầy dạy cho chúng tôi thật đơn giản như vậy đó, đơn giản đến nỗi tôi không hiểu tại sao mình vẫn nhớ như in những bài học đó. Có lẽ bởi chúng giản dị như chính con người của thầy, bởi nó được thầy thể hiện đúng như những gì thầy đã dạy, bằng suốt cuộc đời nhà giáo và y nghiệp của thầy.

BS XUÂN HẠNH, Phó Chủ nhiệm liên bộ môn Sức khỏe cộng đồng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

DUY TÍNH - HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm