NGÀY 11-9 TRONG TÂM HỒN NGƯỜI MỸ - BÀI 1

Hồi ức cựu Tổng thống W. Bush

Trước hết, ông Bush cho rằng ngày 11-9-2001 đi vào lịch sử như trận Trân Châu Cảng - một ngày không bao giờ quên đối với những người đã sống qua thời khắc đó.

Không được thất vọng

Vào thời điểm được sĩ quan hầu cận Andrew Card rỉ tai cái tin về các cuộc tấn công, Tổng thống George W. Bush đang thăm một trường học ở bang Florida, đang đọc sách cùng với một nhóm học sinh tiểu học. Dù vậy ông vẫn tiếp tục đọc tác phẩm “Chú dê cưng” mấy phút nữa bởi vì, như sau này ông giải thích, ông “không muốn làm bọn trẻ cụt hứng”. Mặc dù phản ứng đầu tiên của ông là “giận dữ kẻ chết tiệt nào... dám làm điều đó với nước Mỹ”, ông nói thêm rằng ông “quyết định không nhảy chồm lên... Tôi không muốn quấy rầy bọn trẻ. Tôi muốn tạo ra một cảm giác yên bình”.

Các thành viên của giới truyền thông có mặt trong lớp học cũng nhận được tin về các cuộc tấn công. “Như thể đang xem một bộ phim câm”, ông nói. “Ở phía sau phòng học, các phóng viên nghe điện thoại di động. Họ nhận đúng cái tin mà tôi đã nhận. Có nghĩa là nhiều người đang xem phản ứng của tôi đối với cuộc khủng hoảng này!”.

Ông Bush cũng thổ lộ nỗi sợ hãi của ông về sự an toàn của gia đình mình vào thời khắc ấy và may thay khi ông hay tin phu nhân Laura và hai con gái đều ổn, ông vội vã rời khỏi trường học và lên chiếc chuyên cơ Air Force One. Ở đó, người của cơ quan bảo vệ tổng thống báo cáo rằng ông sẽ không trở lại thủ đô vì sự an toàn của ông. Dù tổng thống phản đối, cơ quan bảo vệ tổng thống và sau đó Chánh văn phòng Nhà Trắng Andy Card đều yêu cầu ông như vậy. Theo ký ức của ông, mọi người trên chiếc chuyên cơ buồn biết nhường nào khi theo dõi những hình ảnh về sự hủy diệt đang diễn ra.

Ông kể tiếp: Thoạt tiên ông bay đến căn cứ không quân Barksdale ở Shreveport, bang Louisiana và sau đó đến căn cứ không quân Offutt ở Nebraska. “Tôi thấy thất vọng khi mình không có mặt tại trung tâm chỉ huy ở Washington. Tôi thấy thất vọng khi tôi phải bay qua bay lại trên đất nước mình. Tôi thất vọng vì chúng ta bị tấn công và tôi thất vọng vì hệ thống thông tin làm việc không tốt một chút nào cả”, ông nói. “Song trong thời điểm khủng hoảng như thế này, điều quan trọng là không được thất vọng. Điều quan trọng nhất là tập trung vào việc thu thập thông tin. Và đưa ra quyết định. Trong trường hợp này, đó là việc bảo vệ đất nước và ứng phó với các cuộc tấn công kia như thế nào”. Thế là ông hạ lệnh cơ quan bảo vệ tổng thống đưa ông trở lại Washington. Ông cần lãnh đạo đất nước, ông nói: “Tôi đảm bảo sẽ không làm điều đó tại một boong-ke ở căn cứ Nebraska, tôi không muốn đối phương có chiến thắng tâm lý khiến tổng thống Mỹ phải rời khỏi thủ đô!”.

Hồi ức cựu Tổng thống W. Bush ảnh 1

Tổng thống George W. Bush đến hiện trường tòa tháp đôi đổ nát ngày 14-9-2001 (người đứng cạnh là lính cứu hỏa về hưu Bob Beckwith). Ảnh: nationalgeographic.com

Cũng như những người Mỹ khác, ngày hôm đó Tổng thống Bush đã nghe “nhiều thông tin sai lạc”, chẳng hạn Bộ Ngoại giao bị tấn công, một cái gì đó đang bay về phía trang trại của ông ở bang Texas. Trong đó cái tin quái dị nhất mà những người trên chuyên cơ nhận được là “có một chiếc máy bay của đối phương cách chúng ta về bên trái 60 dặm, ở dưới 140 dặm”. Một báo động giả, ông Bush lưu ý, nhưng có một điều rõ ràng rằng: “Tôi đã trải qua sương mù của cuộc chiến”.

Với ông Bush, ngày hôm đó bắt đầu với việc ông chạy bộ tập thể dục ở Florida và kết thúc với việc đất nước thay đổi mãi mãi, đối mặt với một loại kẻ thù khác.

Quyết thanh toán những ngộ nhận

“Ngày 11-9 đã ảnh hưởng đến nhiệm kỳ tổng thống của tôi và nó khiến tôi đưa ra nhiều quyết định, trong đó có một số quyết định gây nhiều tranh cãi, tất cả đều được ban hành nhằm bảo vệ đất nước” - ông trả lời.

Về ý nghĩa “trận Trân Châu Cảng trên bộ”, cựu Tổng thống Bush tâm sự về quyết định khó khăn được ban hành vào cái ngày bọn khủng bố tấn công: Ra lệnh bắn hạ bất kỳ máy bay thương mại nào không tuân thủ việc hạ cánh. “Tôi không bao giờ vận động tranh cử kiểu: “Hãy bầu tôi, tôi sẽ là nguyên thủ của thời chiến mà bạn tự hào”, ông nói.“Cuộc tấn công chống lại chúng ta quá bất ngờ. Đó là điều không ai muốn. Và tôi đã đưa ra quyết định tốt nhất mà tôi có thể làm trong màn khói bụi của cuộc tấn công”.

Về câu hỏi cảm giác của ông khi đến thăm hiện trường sau cuộc tấn công, ông bộc bạch: “Nó giống như một vết sẹo khổng lồ trong không trung” nhưng khi ông đến tận nơi thì “có cảm giác như đi vào địa ngục”.

Sau cuộc tấn công của bọn khủng bố, ông Bush cam kết sẽ săn lùng kẻ chủ mưu Osama bin Laden (nhưng các nhà phê bình cho rằng ông đã thất bại với ưu tiên hàng đầu đó trong nhiệm kỳ tổng thống của mình). Cựu tổng thống chuyển qua nói sâu hơn về phản ứng của mình khi hay tin kẻ chủ mưu vở bi kịch ngày 11-9 bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ giết vào ngày 1-5-2011. Ông nói ông cùng vợ ăn tối tại một nhà hàng thì nhận được tin báo Tổng thống Barack Obama sẽ gọi điện thoại cho ông. “Tôi quyết định nhận cuộc điện thoại ở nhà”.

Trước câu hỏi phỏng vấn về phản ứng cụ thể của mình, ông Bush nói rõ: “Tổng thống Obama gọi điện thoại cho tôi, báo rằng Osama bin Laden đã bị hạ và phản ứng của tôi là chúc mừng ông ấy và những người thực hiện một nhiệm vụ rất ư nguy hiểm. Và vì vậy tôi rất biết ơn”, ông nói. “Tôi không cảm thấy bất kỳ sự hạnh phúc hay hân hoan quá độ nào, tôi cảm thấy đó là một sự kết thúc. Và trong tôi dâng lên lòng biết ơn rằng công lý đã được thực thi”.

Cuộc tường thuật buổi phỏng vấn cựu Tổng thống Bush thu hút sự quan tâm lớn của báo giới và dư luận. Ở từng khía cạnh vấn đề, có những bình luận không giống nhau. Tuy nhiên, người ta khá thống nhất ở nhận định: Ngày 11-9 là ngày đau đớn của nước Mỹ. Một tờ tạp chí viết: “Ngày kỷ niệm 11-9 đến gần, chúng ta phải chống chọi lại sự công phá của những hình ảnh kinh hoàng và những kỷ niệm đau thương… Khi cuộc phỏng vấn cựu Tổng thống W. Bush trên truyền hình làm rõ vấn đề, lịch sử kết nối chúng ta lại với nhau ngay cả khi nó làm cho chúng ta trở nên độc đáo vô song: Chúng ta là những nhân chứng duy nhất của các sự kiện mà các thế hệ tương lai sẽ chỉ xem và đọc về chúng qua lớp sương mù của thời gian”.

Thế hệ nhân chứng duy nhất

Matthew Michael McDermott chào đời vào ngày 22-3-2002. Cậu được đặt tên của bố - Matthew, 34 tuổi và sếp của bố - Michael Rothberg, 39 tuổi. Cả hai đều làm việc tại Công ty Dịch vụ tài chính toàn cầu Cantor Fitzgerald, có cùng ngày sinh và cùng qua đời vào ngày 11-9. Mẹ cậu - Susan McDermott nói: “Chúng tôi nói đó là sinh nhật trên thiên đường của bố”.

Chị McDermott vẫn sống trong ngôi nhà mà hai vợ chồng tạo dựng ở Basking Ridge, bang New Jersey. Phòng nào cũng có hình ảnh gia đình, tấm nào cũng có Matthew. Nhưng cuộc sống mà McDermott tạo lập cho các con - Matthew Michael chín tuổi, Kara 13 tuổi và Kelly 12 tuổi - diễn ra theo ý của chị. “Tôi biết Matt muốn tôi làm gì”, McDermott nói. “Những trường nào anh muốn lũ trẻ học, những bài hát nào anh ấy muốn nhảy trong đám cưới của chúng”.

Với lũ trẻ, anh McDermott vẫn hiện diện qua những câu chuyện mà chị, bạn bè của anh và thậm chí bố mẹ của Rothberg - những người xem mấy đứa con của McDermott là cháu - kể lại với một sự chính xác đến mức ngay cả Matthew Michael McDermott nghĩ rằng nó có mặt ở đó khi thảm kịch kia xảy ra.

Hằng năm vào ngày 11-9, chị để lũ trẻ ở trường, để tránh chúng tiếp xúc với cú sốc của một số người. Gia đình tìm ra một số cách đánh dấu sinh nhật của Daddy trên thiên đường theo một kiểu gần với tự nhiên: Có năm là một con mèo con, năm khác là một con chó con, hay một cái hồ ở sau vườn, bể cá 100 gallon.

Chị chưa bao giờ đưa các con đến bình địa, nơi ngày nào là tòa tháp đôi sừng sững. Nhưng năm nay, ngày 27-5 - sinh nhật của Daddy trên Trái đất, nhằm ngày thứ sáu trong mấy ngày cuối tuần có ngày tưởng niệm. Không phải ở trường học nữa. Với một hơi thở sâu, McDermott đưa các con vào thành phố. Cả gia đình đứng trong văn phòng của một người bạn của bố lũ nhỏ, từ đó có thể nhìn qua một nơi có cái thác nước khổng lồ và một rừng cây. “Chúng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp” - McDermott nói. Lũ trẻ đâu biết gần chỗ đó xưa là tòa tháp đôi vút lên bầu trời.

ĐẶNG NGỌC HÙNG biên dịch (Theo nationalgeographic.com, thedailynewsonline.com, wsj.com, abcnews.go.com, nytimes.com)

Kỳ sau: Không chôn vùi ký ức

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm