Học ngôn ngữ từ trong bụng mẹ

Chúng ta biết rằng thai nhi trong bụng mẹ đã có thể phân tích và giải mã (hiểu) được một số dạng thông tin nào đó trong số các âm thanh được truyền vào từ môi trường bên ngoài. Thai nhi đã có thể nhận biết và thích thú giọng nói của người mẹ, “nghe” được âm thanh của bộ phim mà mẹ đã xem trong suốt quá trình mang thai. Quan trọng hơn là thai nhi cảm nhận được những âm điệu trầm bổng của “khối vật chất” mà chúng ta gọi là “tiếng mẹ đẻ”. Năm 2009, một nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng “giọng khóc” của trẻ sơ sinh chắc chắn đã được “gọt giũa” từ trong bào thai từ các thanh âm của tiếng mẹ đẻ mà thai nhi cảm thụ được khi còn nằm trong tử cung.

Tất cả yếu tố trên khiến khoa học phải nghĩ đến một sự thật là não của thai nhi đã có khả năng bắt đầu giải mã ngôn ngữ và ghi nhớ lại một vài yếu tố nào đó của ngôn ngữ. Song việc khó khăn nhất đối với khoa học là làm cách nào để chứng minh được giả thiết đó. Vừa mới đây, một nhóm nghiên cứ hỗn hợp Phần Lan - Hà Lan đã tiến hành một nghiên cứu theo hướng trên và kết quả đã được đăng tải vào ngày 26-8 trên tạp chí Khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America (PNAS). Để có được kết quả này, đội ngũ các chuyên gia đã nhờ đến 30 cặp vợ chồng đang đợi sinh. Họ gửi đến một nửa trong số đó một đĩa CD dài 8 phút với nội dung là âm thanh của một từ có ba âm tiết (tatata) được phát lặp đi lặp lại vài trăm lần với hai hình thức biến tấu khác nhau: Trong cách một, nguyên âm giữa được thay đổi, từ “tatata” trở thành “tatota”, còn trong cách hai âm “tatata” được giữ nguyên nhưng thay đổi ngữ điệu. Toàn bộ đoạn ghi âm này được ngắt quãng với những đoạn nhạc không lời.

Học ngôn ngữ từ trong bụng mẹ ảnh 1

Các chuyên gia gắn vào trẻ một hệ thống điện não đồ để kiểm tra phản ứng của não trẻ ra sao.

Yêu cầu của thí nghiệm khá đơn giản: Kể từ tuần thứ 29 của thai kỳ, tức là khi hệ thính giác của bào thai bắt đầu hoạt động cho đến lúc sinh, các bà mẹ tương lai sẽ phát cho đứa con trong bụng mình nghe nội dung đĩa CD nói trên trong khoảng 5-7 lần/tuần, tốt nhất là vào cùng một thời điểm nào đó trong ngày. Và trong khoảng thời gian cho thai nhi “nghe nhạc”, các bà mẹ phải giữ im lặng, không được nói chuyện, không được hát…, nói chung là không được phát ra âm thanh riêng của mình. Từ đó, tính trung bình sau quá trình “luyện ngôn ngữ” như trên, thai nhi sẽ được nghe tổng cộng hơn 25.000 lần từ “tatata” được phát âm dưới nhiều giai điệu khác nhau. Sau khi hoàn tất “khóa học” cho con, các bà mẹ chỉ việc đợi ngày sinh nở. Và ngay trong những ngày đầu tiên sau khi trẻ được sinh ra, các chuyên gia nghiên cứu gắn vào trẻ một hệ thống điện não đồ để kiểm tra phản ứng của não trẻ ra sao với đoạn nhạc “tatata” bí ẩn đó. Kết quả cho thấy: Nhóm trẻ sơ sinh nào đã được “dạy tatata” từ trong bụng mẹ sẽ nhận biết được âm từ đó, còn nhóm trẻ kia thì không.

Kết quả này là một bằng chứng thuyết phục giúp phát hiện được rằng ngay sau khi sinh, trẻ đã có sẵn trong não những ký ức mà chúng tiếp nhận được trước đó khi đang còn là bào thai. Nhưng quan trọng hơn, kết quả này đã chứng minh được rằng trẻ em đã bắt đầu “biết” học ngôn ngữ ngay từ trong bụng mẹ. Từ đó nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng tính chất “dễ thẩm thấu âm thanh” của bộ não thai nhi như một con dao hai lưỡi: Nếu thai nhi phải tiếp xúc với những môi trường âm thanh chát chúa và hỗn tạp, ví dụ như nơi làm việc quá ồn ào của thai phụ, các cấu trúc trung ương của hệ thính giác của trẻ sơ sinh sẽ phát triển lệch lạc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình cảm thụ và học ngôn ngữ của trẻ sau này.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Monde)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm