Hòa Thân “lên voi xuống chó”

Hòa Thân là nhân vật khá quen thuộc trong nhiều tác phẩm điện ảnh Trung Quốc. Con người đầy quyền lực đó đã kết thúc cuộc đời như thế nào?

Kép hát bội chính trị

Mồng 1 tháng Giêng năm Bính Thìn 1796, trong điện Thái Hòa, Càn Long từ ngai vàng hoàng đế bước xuống. Hoàng tử thứ 15 Ngung Diễm được chọn lên nối ngôi, là tân hoàng đế Gia Khánh.

Tân hoàng đế đăng cơ, bắt đầu áp dụng niên hiệu mới: Năm Bính Thìn 1796 được tính là Gia Khánh nguyên niên (Gia Khánh năm thứ nhất). Nhưng trong Tử Cấm thành, Càn Long với danh nghĩa thái thượng hoàng, vẫn tiếp bọn quần thần văn võ bá quan vào chúc Tết, vẫn xưng niên hiệu của mình là Càn Long năm thứ 61. Thế là trong sử sách, năm Bính Thìn này được ghi chép nhí nhố: Lúc thì ghi là Càn Long lục thập nhất niên, lúc lại Gia Khánh nguyên niên.

Hòa Thân “lên voi xuống chó” ảnh 1

Diễn viên Vương Cương trong vai Hòa Thân. Ảnh: ST

Trước đó, thánh tổ Khang Hy yên vị trên ngôi hoàng đế suốt 60 năm ròng (1662-1722). Càn Long được tiếng là vị vua anh minh, khiêm tốn, cẩn thận thừa biết rằng không thể vượt “nền nếp” của tổ phụ. Thế là ông phải diễn trò thiền nhượng (nhường ngôi).

Càn Long tuy rút về tuyến hai, đã ở tuổi cận kề cái chết nhưng vẫn luyến tiếc quyền lực. Ông trở thành ông vua không ngai, vẫn nắm trọn triều chính trong tay, khiến vị tân hoàng đế ngồi trên ngai vàng mà thở dài ngóng quyền lực. Nhất cử nhất động của vị tân hoàng đế đều do Càn Long giật dây điều khiển. Hệ thống quan lại do Càn Long giăng mắc được ví như tấm lưới ma, trói chặt lấy hoàng đế mới Gia Khánh.

Cuốn Thâm cung bí sử đã mô tả kẻ thiết kế tấm lưới ma quyền lực này cho Càn Long chính là tham thần khét tiếng Hòa Thân.

Truyền thuyết về chiếc bớt đỏ

Năm Càn Long 66 tuổi, trong dịp hết sức tình cờ, đã chú ý tới Hòa Thân. Hòa Thân lúc đó mới 25 tuổi, làm chức đô úy, thuộc hàng thế tập (cha truyền con nối). Hòa Thân hết sức bình thường trong vô số thị vệ trẻ phục vụ tại Tử Cấm thành. Người con gái có chiếc bớt đỏ bẩm sinh mà Càn Long phải lòng đến chết mê chết mệt là nàng Hương phi.

Hương phi vốn là một nàng phi được hoàng đế Ung Chính hết sức sủng ái. Bởi nàng có mối tình vụng trộm loạn luân với chàng hoàng tử Hoàng Lịch (hoàng đế Càn Long sau này) nên bị thái hậu nổi giận ban cho cái chết. Sau khi Hương phi chết thảm, Càn Long vẫn buồn rầu thương nhớ khôn nguôi. Gặp Hòa Thân, Càn Long giật mình khi phát hiện trên trán chàng trai trẻ này cũng có một cái bớt màu hồng. Từ đó, Càn Long rất yêu mến Hòa Thân.

Hòa Thân “lên voi xuống chó” ảnh 2

Diễn viên Vương Cương. Ảnh sưu tầm

Năm Hương phi chết cũng là năm Hòa Thân ra chào đời. Chiếc bớt trên trán chàng trai rất giống chiếc bớt của nàng nên Càn Long cho rằng nàng đã đầu thai sang kiếp khác thành Hòa Thân để lại lọt vào Tử Cấm thành, mãi mãi được ở bên cạnh Càn Long. Truyền thuyết này quá hoang đường nhưng từ đó con đường công danh của Hòa Thân cứ tăng vùn vụt như diều gặp gió.

Hòa Thân được thăng cấp bổ nhiệm làm lính gác cổng Càn Thanh. Một tháng sau, y được thăng làm ngự tiền thị vệ và thụ phong chức chính lam kỳ phó đô thống. Sang tháng Giêng năm sau, y được bổ làm tả thị lang bộ Hộ, rồi chỉ hai tháng sau được cất nhắc lên chức quân cơ đại thần. Sang tháng tư, y được phong chức đại thần tổng quản phủ Nội vụ.

Chỉ vẻn vẹn trong nửa năm, Hòa Thân từ một tên thị vệ quèn nhanh chóng nhảy tót lên giai tầng quyền lực tối cao của Đại Thanh, trở thành viên đại thần nắm quyền sinh sát trong tay. Lúc này Hòa Thân mới có 27 tuổi.

Quyền thế ngất trời

Sự hiển đạt sau này của Hòa Thân chính là nhờ tài năng phi phàm của bản thân. Vốn là con người tinh thông ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc Mãn, Hán, Mông, Tạng, Hòa Thân thực sự đủ tư cách trở thành kẻ vênh váo trong triều mà ai cũng phải nể sợ, kể cả vua!

Trong các cuộc dẹp loạn khắp bốn phương, Càn Long thường sử dụng nhiều loại chữ viết để hạ thánh dụ đối với các đối tượng khác nhau. Các bản tấu từ vùng biên cương gửi về cũng viết bằng nhiều loại chữ khác nhau. Cả đống công việc soạn thảo, phiên dịch, khiến cho cái thiên phú ngoại ngữ của Hòa Thân càng được phát huy cao độ. Nhờ vậy, y được hoàng đế trọng dụng và khen ngợi hết lời.

Năm 1780, Hòa Thân cùng Ca Ninh A đi công cán tại Vân Nam. Chỉ trong vòng hơn hai tháng, y đã điều tra khám phá thành công vụ án tham ô lớn của viên tổng đốc Vân Nam-Quý Châu Lý Thị Nghiêu. Sau khi hồi kinh, y lại trình bày với hoàng đế một loạt ý kiến cụ thể việc chỉnh đốn về thuế muối, tiền tệ và công cuộc phòng thủ biên cương. Càn Long đánh giá rất cao và chấp thuận thực thi.

Năm 1787, Thanh triều đưa quân ra đảo Đài Loan trấn áp cuộc khởi nghĩa nông dân Lâm Sảng Văn. Dẹp loạn xong, Hòa Thân là một trong 21 công thần được khâm định (hoàng đế ký thừa nhận) và được họa chân dung treo trong Tử Quang các (như kiểu ảnh lưu niệm người có công trong phòng truyền thống bây giờ).

Năm 1793, George Macart’ney, nhà ngoại giao kỳ cựu được chính phủ hoàng gia Anh quốc cử làm sứ thần đầu tiên tới thăm và đàm phán với chính phủ Mãn Thanh. Hòa Thân là một siêu đại thần tập trung đại quyền khiến người Anh cũng nể sợ. Người Trung Quốc coi Hòa Thân là hoàng đế thứ hai.

Hòa Thân là gã đại thần tham nhũng bậc nhất thời Càn Long. Sau này, hoàng đế Gia Khánh phát lệnh khám nhà y, thu được số tài sản bất chính tương đương với tổng thu nhập sưu thuế các loại toàn Trung Quốc trong năm cường thịnh nhất đời Càn Long là năm 1757.

Thông minh, tài trí lại thêm quyền lực vô biên cương rất dễ làm cho con người ta trụy lạc. Hòa Thân giở ngón mua chuộc lung lạc các đồng liêu, kèn cựa, bài xích những người không ăn cánh với mình. Tham ô hối lộ, lúc này đã trở thành xu thế từ trên xuống dưới của đế quốc Đại Thanh.

Hòa Thân “lên voi xuống chó” ảnh 3

Quyền lực của Hòa Thân quá lớn, lòng tham cũng quá lớn nên sự nguy hại mà y gây nên cũng thật sự đáng sợ. Số của cải mà y tham ô, nhận hối lộ được vượt quá bất kỳ một tên quan tham nhũng nào trong lịch sử Trung Quốc cổ đại và hiện đại. Lòng tham vô đáy của Hòa Thân tựa nạn đại dịch, virus tham nhũng được làn gió quái gieo rắc lây nhiễm khắp nơi khiến quan bé quan lớn, quan thấp, quan cao đều tham.

Tình hình nghiêm trọng tới mức Càn Long phát hoảng, hạ chiếu thành lập cơ cấu chống tham nhũng (Kháng tham sảnh). Phát hiện kẻ phạm tội, Càn Long trừng trị nghiêm minh bằng khốc hình, nhưng chỉ là trò “đấm bị bông”!

“Quá ngu” chuốc họa vào thân

Hòa Thân ngang ngược, ngạo mạn, trắng trợn chụp giựt trên đường danh lợi. Ngay trong xử lý mối quan hệ xã hội, y cũng mượn oai cọp, trịch thượng hiếp đáp kẻ khác. Với y, ngoài hoàng đế Càn Long ra, tất tật đều là không có. Ngay đến thành viên trong hoàng tộc trong con mắt y cũng chả là cái thá gì! Thái độ đối xử với hoàng tử Ngung Diễm - người sau này lên nối ngôi thành hoàng đế Gia Khánh lại càng không khéo chút nào nếu không nói là... quá ngu!

Ngung Diễm sau khi được lập hoàng thái tử, thường bên cạnh vua cha để rèn luyện cách điều hành triều chính “trị quốc, bình thiên hạ”. Sự ngạo mạn của Hòa Thân ngày ngày bày ra trước mắt khiến Ngung Diễm rất căm ghét.

Năm 1796, sau khi “Thiền nhượng” (truyền ngôi), quyền thế của Hòa Thân càng lớn. Với một kẻ khôn ngoan, nhạy bén như Hòa Thân, lý ra lúc này y phải ý thức được nguy cơ cực lớn đối với cá nhân y đang cận kề trước mắt. Nhưng sự khôn ngoan lươn lẹo về chính trị của y chẳng hiểu sao lại bị cùn nhụt, tụt xuống bằng không.

Y vẫn cứ thông qua hệ thống quan liêu mà y đã dày công dựng lên để tăng cường giúp rập Thái thượng hoàng Càn Long tiếp tục nắm triều chính. Đối với tân hoàng đế, y tìm mọi cách “buộc chân trói tay” khiến Gia Khánh muốn “động chân nhấc tay” thì phải lúng túng như “gà mắc tóc”.

Trong con mắt hoàng tộc Mãn Châu, bất kỳ một kẻ nào ngoài “dây mơ rễ má” hoàng tộc đều chỉ là “nô tài” phục dịch hoàng gia. Dùâ là người quyền thế hiển hách đến mấy, đó cũng chỉ là tên “nô tài” có địa vị hơi cao mà thôi. Ấy vậy mà bây giờ lại vẫn còn một tên “nô tài” hung hăng càn rỡ đến vậy! Khi thù cũ hận mới cùng ứ trong tim, xộc ngược lên tới đỉnh đầu, ý đồ trừ khử dần hé lộ trong lòng Gia Khánh.

Thân bại danh liệt!

Tết ta năm 1799 vừa qua đi, phố lớn ngõ nhỏ thành phố Bắc Kinh vẫn chưa tắt hẳn tiếng pháo tép mừng xuân. Từ trong cung truyền ra hung tin thái thượng hoàng bệnh trọng. Tuy nói Càn Long sức khỏe luôn rất tốt nhưng suy cho cùng thì tin về thái thượng hoàng, một cụ già 89 tuổi bị trọng bệnh chẳng làm ai ngạc nhiên.

Vị hoàng đế mới đã ở ngôi được bốn năm, ê kíp lãnh đạo cũ-mới đã giao nhận chính quyền một cách suôn sẻ, vì vậy mà khi nghe tin thái thượng hoàng tay sắp “nhón chuồn chuồn” cũng chẳng mấy người tỏ ra sửng sốt.

Trong số những người không cảm thấy ngạc nhiên, bàng hoàng đó có cả Hòa Thân và hệ thống quan liêu của y. Ngày mùng 3 Tết, tại Cung Dưỡng tâm, thái thượng hoàng giá băng. Linh cữu được chuyển tới cung Càn Thanh, hoàng đế Gia Khánh liền ban chỉ dụ, lệnh cho Hòa Thân và một số tên vây cánh thân cận của y phải ngày đêm túc trực bên linh cữu Càn Long, không được tự ý rời đi chỗ khác.

Cùng lúc đó hoàng đế Gia Khánh tập hợp quần thần văn võ bá quan một nơi khác trong Tử Cấm thành, công bố tội trạng của Hòa Thân, truất bỏ mọi chức vụ và quyền lợi của Hòa Thân, lệnh khám nhà, tịch biên tài sản bất minh.

Năm ngày sau Hòa Thân bị bắt tống giam. 10 ngày sau, Hòa Thân phụng chỉ tự thắt cổ chết trong ngục thất, chỉ sau khi thái thượng hoàng tắt thở có 15 ngày.

(Trích trong cuốn Trung Quốc 175-1950)

HỮU CƯỜNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 9-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm