Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài cuối: Bảo tàng biển đảo ven kênh?

Giờ con kênh sắp hồi sinh, nếu có nhiều biểu tượng liên quan đến chủ quyền biển đảo đặt ven kênh thì sẽ ý nghĩa biết dường nào…

Có thể nói đến nay, sau gần 1/4 thế kỷ, “Chương trình Nhiêu Lộc-Thị Nghè” về cơ bản đã hoàn tất. Trong khi chờ dòng nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè xanh trong trở lại, người dân TP.HCM đã tận mắt nhìn thấy màu xanh dọc đôi bờ con kênh lịch sử. Và không ít người TP chợt giật mình: Ô hay, con đường ven kênh này mang tên Trường Sa, Hoàng Sa mà lâu nay ta không để ý!

Hoàng Sa, Trường Sa trong lòng TP

Ông Hoàng Nghị, Phó Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, nguyên Thư ký Hội đồng Đặt tên đường TP.HCM, cho biết kể từ ngày 10-12-1998, hai tuyến đường ven kênh đã chính thức mang tên hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Lúc ấy dù hai tuyến đường này vẫn chưa thông suốt nhưng TP.HCM vẫn quyết đặt tên là Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Nghị nói.

Bà Lê Tú Cẩm, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đặt tên đường TP.HCM, nhớ lại câu chuyện gần 15 năm trước. Năm 1998, nhân kỷ niệm “300 năm Sài Gòn-TP.HCM”, lãnh đạo TP yêu cầu lựa chọn một số tên đường đặc biệt để công bố trong dịp này, trong đó có hai tuyến đường ven kênh.

Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài cuối: Bảo tàng biển đảo ven kênh? ảnh 1

Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài cuối: Bảo tàng biển đảo ven kênh? ảnh 2

Bia tưởng niệm (trái) và đài tưởng niệm về Trường Sa, Hoàng Sa. Đồ họa: THANH TÙNG

Xét ở góc độ văn hóa thì công trình Nhiêu Lộc-Thị Nghè là dự án mang dấu ấn lịch sử vì nó đã làm thay đổi bộ mặt TP. “Công trình này không những mang ý nghĩa lịch sử-văn hóa mà còn góp phần vào việc xây dựng, phát triển TP. Trong khi việc kỷ niệm “300 năm Sài Gòn-TP.HCM” là để nhìn lại lịch sử phát triển của TP nên phải lựa chọn cái tên thích hợp gắn cho đường bờ bắc, bờ nam kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè” - bà Cẩm chia sẻ.

Bà Cẩm kể, với tuyến đường dài trên 10 km như vậy, cần phải chọn tên của một vị anh hùng dân tộc nào thật xứng tầm, nếu chọn người có công trạng vừa phải đặt tên e sẽ có lời ra tiếng vào. Có điều, trong bối cảnh đường ven kênh lúc ấy còn đứt khúc, hai bên bờ nhếch nhác và nước kênh hôi thối như vậy mà lại lấy tên của anh hùng nào đó đặt cho thì cũng sẽ bị phê phán… Từ đó có người gợi ý rằng nên đặt tên đường là Hoàng Sa, Trường Sa để nói lên tiếng nói khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo thân yêu. Biển đảo phải gắn liền với sông nước, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè khá dài, lại gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của đất nước và TP.HCM nên việc đặt tên là thích hợp.

“Thực tế, trước khi đưa ra đề xuất, chúng tôi đã đi khảo sát thực địa. Cặp đường này dù đã nên hình nhưng nhiều đoạn vẫn còn đứt thành khúc, có đoạn chúng tôi không biết đi làm sao. Do vậy cũng có ý kiến đề nghị đặt tên theo đoạn. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng không nên cắt khúc vì Trường Sa-Hoàng Sa là một phần máu thịt gắn với đất liền, đồng thời chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai, những đoạn bị đứt khúc ấy sẽ được nối lại, thông với nhau.

Cặp đường này khá dài, lại uốn lượn ven tuyến kênh xanh, sạch, khang trang đi qua nhiều quận của TP. Đây cũng là tuyến đường chính, nhiều người dân TP.HCM thường xuyên qua lại, tên đường sẽ nhắc họ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Chính vì vậy, đề nghị hợp lòng dân này của chúng tôi đã được Hội đồng Nhân dân TP chấp thuận” - bà Lê Tú Cẩm kể.

Công trình Nhiêu Lộc-Thị Nghè có ý nghĩa nhiều mặt. Đó là an sinh cho người dân, cải thiện môi trường sống và có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế. Nhiều căn nhà từ trong hẻm với môi trường sống ô nhiễm, sau khi con kênh được chỉnh trang đã trở thành nhà mặt tiền khang trang, đẹp đẽ.

Tuy nhiên, đến nay tên đường vẫn chưa tạo dấu ấn thật sự cho chính người dân dọc hai tuyến đường này. Bởi lẽ, hàng loạt những căn nhà đã thành mặt tiền đường Trường Sa, Hoàng Sa nhưng vẫn có tên Trần Quang Diệu, Trần Văn Đang, Huỳnh Văn Bánh... ở đâu xa tít với nhiều “xiệc”. “Trong chuyện này có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương và những đơn vị liên quan. Ngành giao thông cũng nên gắn thêm nhiều biển báo tên đường Hoàng Sa, Trường Sa để khi người dân qua lại dễ dàng nhìn thấy tên đường chứ như hiện nay là quá ít” - bà Cẩm đề xuất.

Hành trình xanh lại dòng kênh - Bài cuối: Bảo tàng biển đảo ven kênh? ảnh 3

Bích họa về Hoàng Sa, Trường Sa trên bức tường của Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch (đường Hoàng Sa). Đồ họa: THANH TÙNG

Bảo tàng sống về biển đảo

Những ngày gần đây, nhóm bốn người gồm ông Trần Hữu Phúc Tiến (Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Hợp Điểm), họa sĩ điêu khắc Huỳnh Việt Dũng, sinh viên kiến trúc Văn Phụng Hiếu (đang du học ở Anh) và kiến trúc sư Đồng Lâm Thanh Tùng đã có đề xuất rất đáng lưu tâm. Họ kiến nghị lập bảo tàng sống dọc hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa để con dân Việt Nam và du khách nước ngoài đến thưởng ngoạn. “Để Hoàng Sa, Trường Sa gần gũi với người dân cả nước hơn thì nên lập bảo tàng sống dọc hai “bảo vật” của Việt Nam đang ở ngay trong lòng TP.HCM. Đây cũng là cách để bày tỏ lòng yêu nước và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Phúc Tiến nói.

Từ ý tưởng trên, nhóm của ông Tiến đã tự đi khảo sát tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa và phác thảo những bản vẽ đầu tiên cho bảo tàng sống này. Theo họ, hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa có không gian bao la sẵn có, không cần bồi thường, giải tỏa nên rất thích hợp xây dựng một bảo tàng mở. “Tại phần tiếp giáp với đường Lê Bình và đường Út Tịch (quận Tân Bình) có thể đặt bia chủ quyền khắc bản đồ Việt Nam và các hải đảo. Đây cũng là cột mốc mở đầu hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc kênh. Ở đoạn gần cầu Thị Nghè đã có sẵn bãi cỏ tiểu cảnh thích hợp xây dựng đài tưởng niệm chiến thắng, có bảng đồng vinh danh những người Việt Nam đã đổ máu cho Hoàng Sa, Trường Sa. Băng ngang kênh còn có tuyến đường sắt nối liền hai miền Bắc-Nam của Tổ quốc thì tại đây, nếu có thêm cột mốc chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ càng thêm ý nghĩa” - kiến trúc sư Đồng Lâm Thanh Tùng phác thảo sơ mấy điểm nhấn của bảo tàng sống.

Theo nhóm tác giả, dọc theo hai tuyến đường dài trên 10 km này còn có nhiều không gian phù hợp làm tiểu cảnh, phù điêu về các hình tượng liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và lực lượng Hải quân Việt Nam. Các bức tường phía sau Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ hoặc bờ tường bao quanh mặt tiền Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch trên đường Hoàng Sa… là không gian thích hợp cho các bức phù điêu, công trình mỹ thuật như cách làm con đường gốm sứ ven đê sông Hồng (Hà Nội). Đây cũng là nét đặc sắc tạo nên ý nghĩa của bảo tàng này.

Dọc hai tuyến đường còn nhiều không gian đủ để thiết lập các bức phù điêu liên hoàn, phản ánh lịch sử khai phá và giữ gìn biển Đông của Việt Nam (ví dụ bức tường của Xí nghiệp Đầu máy Xe lửa trên đường Trường Sa), khu vực triển lãm hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa và những hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo (tại cao ốc Screc ở gần góc Hoàng Sa-Trần Quang Diệu)… Ngoài ra, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cũng góp ý không chỉ sử dụng không gian trên bờ mà nên tận dụng không gian mặt nước để trưng bày, mô phỏng những trận thủy chiến của lịch sử như Bạch Đằng Giang, Rạch Gầm - Xoài Mút…

Có người còn đề xuất dọc hai con đường ven kênh nên trồng thêm cây phong ba (cây bàng biển) - biểu tượng của sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi. Nếu điều này thành hiện thực, mai này ngồi trên tàu điện trên cao nhìn xuống dòng Nhiêu Lộc-Thị Nghè trong xanh in bóng hàng cây phong ba, chắc không hiếm người bất giác bồi hồi…

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm