NHỮNG NGƯỜI GIEO HẠT TRƯỚC GIÓ - BÀI 1

Giúp hàng ngàn người tránh bệnh

Công việc thầm lặng của họ giống như những người gieo hạt kiến thức trước gió, cứ thế lan tỏa, bay xa…

Nếu biết một nhà báo giỏi nhất cũng khó viết nổi 30 tin, bài báo/tháng, hẳn bạn sẽ khá ngạc nhiên trước một người “ngoại đạo” nhưng lại hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu viết lách này. Người đó là BS Lương Lễ Hoàng đang công tác tại Trung tâm Ôxy cao áp TP.HCM. Trung bình mỗi tháng ông viết 30 bài báo về sức khỏe. Ông viết đều như… “vắt chanh” mà bài nào cũng hay, cũng hấp dẫn bạn đọc. Nhiều người bảo ông lấn sân sang nghiệp viết lách thay vì làm nghề chính là khám, chữa bệnh.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông nói: “Tôi chỉ viết theo đơn đặt hàng của độc giả. Viết báo giờ đã thành nghiệp chướng mất rồi…”.

“Độc giả khích lệ tôi viết”

. Thưa bác sĩ, ông có thể nói vài nét về công việc chính của ông trong ngày?

+ Từ ngày khoác áo thầy thuốc cách đây hơn 30 năm, cuộc sống hằng ngày của tôi bắt đầu rất sớm với công việc chữa bệnh. Trong khoảng thời gian gần 30 năm sinh sống ở Đức, điều đó cũng không mảy may thay đổi, nghĩa là từ khi gà gáy cho đến tối mịt, quanh đi quẩn lại chỉ là một chữ y. Từ bốn năm nay, khi tôi làm việc chủ yếu ở quê nhà, công việc của tôi có thể chia ra ba công đoạn: Sáng khám bệnh, chiều tư vấn cho các công ty dược, rồi tối lại khám bệnh, đó là không kể các hoạt động trong lĩnh vực truyền thông như truyền thanh, truyền hình, hội thảo… Nhiều người cho là tôi ham việc nhưng với tôi, đó là một loại nghiệp chướng, bỏ thì thương, vương thì tội!

. Bác sĩ bắt đầu phổ biến kiến thức y học qua báo chí khi nào? Cái duyên nào đã khiến ông vương vào nghiệp viết báo?

+ Một thầy thuốc giỏi có thể chữa lành vài người trong ngày. Một bài báo hay có thể giúp hàng ngàn người tránh bệnh. Thành thật mà nói, tuy đã là giảng viên trường y ngay từ ngày vừa tốt nghiệp, tôi trước đó không quen và cũng không thích viết lách cho đến khi tôi trở về quê nhà vào năm 2000 và tình cờ viết vài bài báo theo yêu cầu của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn. Được độc giả tán đồng, khích lệ, từ đó tôi vướng thêm một nghiệp chướng khác và ngày càng nặng nợ. Hiện nay mỗi tháng tôi phải “giao hàng” khoảng 30 bài đủ loại cho nhiều báo khác nhau.

Giúp hàng ngàn người tránh bệnh ảnh 1

BS Lương Lễ Hoàng, người mỗi tháng viết 30 bài báo để phổ biến kiến thức y học cho cộng đồng. Ảnh: DUY TÍNH

. Bác sĩ chọn đề tài theo tiêu chí nào? Thời gian đâu ông viết?

+ Tôi chọn đề tài hoàn toàn theo ngẫu hứng, bất kể chuyên khoa nên rất thường khi bị mang tiếng lấn sân. Để đừng thất hẹn, tôi bắt buộc phải có thời gian biểu làm việc rất chính xác. Mỗi ngày tôi viết bài từ 6 giờ đến 6 giờ 45 trước khi lên đường đến phòng khám. Ngày nào cũng thế, kể cả lúc nghỉ hè ở nước ngoài, lâu dần thành quen.

. Có khi nào ông bí đề tài hay cảm thấy nhàm chán không?

+ Tôi có điểm may mắn khi làm thầy thuốc là tôi không sống bằng nghề y, bằng nghề của tay phải. Nếu bí đề tài hay nhàm chán, tôi đã ngưng viết từ lâu. Tôi chỉ lo là độc giả nhàm chán với lối diễn đạt của tôi. Mặt khác, nếu chuyện đó xảy ra thì trong thâm tâm tôi cũng mừng vì lúc ấy mình sẽ… được nghỉ.

Bác sĩ: Vừa làm thầy, vừa làm thuốc

. Tâm lý người dân là chờ khi có bệnh mới đến bệnh viện điều trị. Vì vậy dịch bệnh ngày càng tăng, kể cả những bệnh không hề lây nhiễm. Theo ông, y học dự phòng và truyền thông y tế của nước ta hiện nay như thế nào?

+ Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình hội nhập,  nền y tế của ta chưa chú trọng đúng mức vào y tế dự phòng, vào bệnh nghề nghiệp, bệnh tâm thể… Công tác vệ sinh công cộng và truyền thông y học hiện nay đúng là còn rất yếu, nhất là không dễ làm khi trình độ tri thức và ý thức của người dân nói chung còn rất thấp. Nhưng thực trạng đó rồi đây chắc chắn sẽ được cải thiện vì gắn liền với hướng đi lên của xã hội.

Muốn thu ngắn tiến trình đó tất nhiên cần phải đẩy mạnh tối đa biện pháp nâng cao kiến thức cho cộng đồng bằng các hình thức truyền thông sao cho thật gần người nghe, thật sát người xem. Mục tiêu đó khó khả thi như mong muốn nếu thiếu ngòi bút, thiếu tiếng nói của nhà chuyên môn nhìn từ góc nhìn của người tiêu dùng. Trăm hay không bằng tay quen. Thầy thuốc muốn viết bài có người muốn đọc phải học cách viết văn của người bệnh. Đây không chỉ là yếu điểm trong chương trình đào tạo thầy thuốc ở nước ta. Ngay cả trong ngành báo chí cũng thiếu phóng viên được đào tạo cho mục sức khỏe.

. Theo ông, kiến thức y học của người dân hiện nay ra sao? Làm gì để đưa kiến thức y học đến với họ?

+ Người bệnh ở xứ mình nói chung còn rất thiếu thông tin để hiểu bệnh mà không quá sợ bệnh. Hiểu biết là tiếng kép, không hiểu làm sao biết? Chính vì không được thông tin bằng ngôn ngữ dễ hiểu nên cả người bệnh lẫn người chưa bệnh thường có một trong hai thái độ: hoặc cường điệu khiến dễ bị móc túi bởi quảng cáo ngọt xớt hoặc bất cập khiến chuyện nhỏ xé ra to một cách oan uổng. Bằng chứng là không thiếu người mất bạc triệu dễ dàng vì một tin đồn ngớ ngẩn trên Internet. Muốn giải quyết vấn nạn này cần có tiếng nói rõ ràng, chắc chắn của ngành y để người tiêu dùng biết dựa vào mà tin. Lang băm không từ trên trời rơi xuống. Lang băm, thầy pháp sở dĩ tồn tại là vì thầy thuốc không làm tròn chức năng vừa làm thuốc, vừa làm thầy!

. Vậy thưa ông, làm gì để bác sĩ trẻ chú ý đến công tác truyền thông bệnh tật đến người bệnh như một nghĩa vụ bắt buộc?

+ Truyền thông cũng là tiếng kép. Muốn truyền cho thông phải có khả năng. Muốn đồng nghiệp trẻ chú trọng phổ biến kiến thức y học cho người dân, để bệnh nhân trở thành trợ thủ cho thầy thuốc, để người chưa bệnh sẽ không bệnh, để bệnh viện nhờ đó tránh cảnh quá tải… thì đồng nghiệp già phải làm gương, phải đi trước dẫn đường bằng các hoạt động truyền thông đại chúng. Lời thật khó tránh mất lòng. Muốn thầy thuốc “trẻ tuổi đời” thành “già kinh nghiệm” thì phải tạo cơ hội để trẻ mau giỏi hơn già, để trẻ có thể thay thế già, thay vì vườn nhà chật sân chẳng qua vì đầy cổ thụ đã hết đơm bông kết trái từ lâu.

. Xin cảm ơn bác sĩ.

Giúp hàng ngàn người tránh bệnh ảnh 2

DUY TÍNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm