Giàng cho một đêm ngoại tình

Khi trống vỡ, nam nữ được tự do yêu đương, đàn ông, đàn bà có gia đình được Giàng cho phép một đêm ngoại tình, một đêm nguyên sơ không phép tắc.

Tộc người Ma Coong sống dọc biên giới Việt-Lào ở miền tây huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Họ quy tụ trên dãy Trường Sơn hùng vĩ với 18 bản, dân số gần 2.000 người, hằng năm tổ chức lễ hội đập trống truyền thống vào ngày 16 tháng giêng.

“Mời Giàng về dự cái sung sướng”

Theo phong tục, để có cái trống thần sử dụng trong lễ hội, người Ma Coong lấy cây Chi Cúp (loại cây có ruột rỗng) mọc trong rừng sâu để làm tang trống. Tang trống được giữ năm này qua năm khác cho đến khi hỏng mới thay. Trong năm, khi làm thịt trâu, bà con chọn tấm da đẹp nhất treo lên gác bếp xông khói, đến mùa lễ hội mới đem ra bịt trống.

Trời càng về chiều càng lạnh nhưng cái lạnh của núi rừng buốt giá cũng không thể ngăn nổi bước chân của những thanh niên nam nữ, của đàn ông, đàn bà ở các bản trong xã đổ về bản Cà Roòng, trung tâm xã Thượng Trạch để tham gia lễ hội. Các bản xa như A Ky, Cồn Roàng và cả đồng bào Ma Coong ở bên nước bạn Lào phải đi từ trước đó một, hai ngày đường cho kịp lễ hội.

Giàng cho một đêm ngoại tình ảnh 1

Trước khi được phép “Roa lũ Giàng ơi” thì già làng Ma Năng, chủ tế Đinh Kời phải cúng trước sân làng.

Đúng 7 giờ tối, trống được treo lên và lễ hội bắt đầu. Già làng, chủ lễ bày bàn thờ và lễ vật để cúng, cầu mong cho người Ma Coong được mùa, được cái ăn, sinh sôi như cây trên rừng, dẻo dai như suối trước bản. Điểm cúng hội đập trống hàng trăm năm nay đều được tổ chức ở mảnh đất linh thiêng nhất giữa bản Cà Roòng, nơi tương truyền Giàng (Trời) đã từng xuống trần gian dạy người Ma Coong cái nương, cái rẫy. Trước khi diễn ra lễ hội đập trống, người Ma Coong có lễ thả lưới bắt cá ở suối Cấm tại bản Bụt. Mỗi năm một lần chỉ có trưởng bản Cà Roòng mới được phép thả lưới đánh bắt cá ở suối Cấm. Cá đánh được sẽ làm đồ cúng lễ và cả dân bản cùng ăn.

Lễ cúng tùy thuộc vào mùa vụ từng năm. Năm nay người Ma Coong được mùa, lúa rẫy đầy bồ, ngô nương chật nhà nên cúng to đến tám mâm, mỗi mâm có hai con gà, một luộc, một nướng, thể hiện cho chăn nuôi bội phát; một líp xôi thể hiện sự được mùa; đọt măng rừng, đọt mây, đọt cây đoác thể hiện sự kính trọng của người dân đối với núi rừng. Mỗi mâm có đủ bốn con cá tế bốn vị thần: thần núi, thần sông, Giàng, ma xó.

Trước mâm cỗ được bày ba hũ rượu hiêng, thứ rượu ủ bằng men lá rừng, tinh nếp được cất từ một năm trước. Già làng Ma Năng hô to: “Giàng ơi. Hôm nay lũ dân làng vào hội đập trống. Mời Giàng về dự cái sung sướng của dân bản. Chứng giám cho dân bản yêu nhau, sinh con đẻ cái để làm thêm cái nương, mở thêm cái rẫy cúng Giàng, cúng ma xó mùa sau”.

Chủ lễ Đinh Kời bắt đầu khấn: “Cầu cho Giàng thấy được dân bản yêu. Cầu cho trăng vẫn mọc, mặt trời vẫn lên để mỗi năm có hội đập trống để đàn bà, đàn ông ôm nhau dưới suối, níu tay say tình. Mời con Ma Mót, mời thần cùng về dự lễ, mời về tự do nhảy múa, tự do uống rượu hiêng để đồng bào vui cái bụng, để bà con được chết mồ yên mả đẹp, mưa thuận gió tốt làm cho cái rẫy được mùa, đàn con chóng lớn để giữ đất cho lễ hội năm sau”.

Giàng cho một đêm ngoại tình ảnh 2

Sau cúng là đập trống đến gần sáng, lúc trống vỡ là mọi người được phép ngoại tình.

Đêm ngoại tình không có ghen tuông

Sau vài lượt khấn, chủ tế Đinh Kời phát lệnh và lễ hội đập trống bắt đầu. Dân bản ai cũng ùa vào tham gia đập trống. Hàng trăm cái dùi mây liên tục đập vào mặt trống, hết người này đến người khác, ai cũng muốn mình đập được nhiều dùi nhất. Mọi người vừa đập trống vừa vui vẻ hô lớn: “Roa lữ Giàng ơi!”.

Mọi người mải mê đánh trống, mải mê hát, mải mê say, mải mê: “Roa lữ Giàng ơi” cho đến khi mặt trống vỡ toang. Cả núi rừng đang lay chuyển bỗng yên lặng trong giây lát. Rồi cả ngàn người xé toang màn đêm với tiếng hét tột đỉnh: “Roa lữ Giàng ơi”. Sau đó, từng đôi lặng lẽ nắm tay nhau, tìm lấy một khoảng riêng để tự tình. Cặp lên núi, đôi xuống suối để tự do ái ân. Các cô gái đủ tuổi lấy chồng có nhiều bạn tình mời đi trong đêm trống vỡ sẽ là niềm tự hào để sau này đặt duyên lấy của nhà trai đến bỏ của. Trai có vợ, gái có chồng được Giàng cho phép níu áo, cầm tay đi ngoại tình sau khi trống vỡ. Không có ghen tuông trong đêm này.

Từng cặp dẫn nhau đi dưới ánh trăng nhạt. Họ quấn lấy nhau, tự tình dưới bóng trăng thanh, người lạ đi qua cũng mặc bởi đã có Giàng bảo hộ.

Sau những phút giây được tự do đắm say thì Giàng cũng làm cho mặt trăng lặn mặt trời lên, để mọi người ai về nhà nấy, hòa thuận lên nương rẫy, chăm chỉ làm ăn đến mùa đập trống năm sau lại về trẩy hội.

Truyền thuyết đêm ngoại tình

Theo truyền thuyết của người Ma Coong, trên núi Pi Co có con khỉ già khôn ngoan hơn người. Nó có cái trống thần, cứ đến mùa rẫy thu hoạch, đợi cho con người gặt hái xong nó lại lấy trống ra đập. Càng đập mạnh, bắp của người càng chảy nhiều vào nhà khỉ vì vậy con người đói triền miên. Không chịu được, người Ma Coong đã khấn cầu Giàng. Chủ đất sai năm thanh niên lực lưỡng lên núi chờ cho con khỉ ăn uống no say lăn ra ngủ rồi đánh cắp chiếc trống đem về đánh cho lúa ngô trở về nhà. Khỉ già mấy lần toan tính xuống cướp lại trống nhưng không được. Nó lên trên núi cao nhìn xuống rồi chết khô, hóa thành tảng đá lớn nhìn xuống bản như chờ con người sơ hở để cướp lại cái trống thần.

Giàng cho một đêm ngoại tình ảnh 3

Chủ đất Ma Coong có được cái trống đã khấn cúng Giàng xin được mùa no, sống đủ, xin được cuộc sống an bình, sung túc. Giàng đã cho người Ma Coong toại nguyện, mỗi năm có được lễ hội đập trống vào ngày 16 tháng Giêng. Giàng còn thương người Ma Coong cần cù quanh năm không tính đến chuyện yêu đương nên ban cho một đêm được phép ngoại tình, một đêm sống trong hoang sơ nguyên thủy.

MINH QUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm