Gian truân đời lặn biển- Bài 2: Giảm áp và say độ sâu

Các cơ quan y tế khuyến cáo rằng cần có đồ bảo hộ, bình dưỡng khí, buồng giảm áp để kịp sơ cứu lúc thợ lặn gặp nạn. Thế nhưng đa số chủ tàu đều nói họ không đủ khả năng tài chính để đầu tư.

Không ai đủ tiêu chuẩn hành nghề?

Theo ông Nguyễn Minh Quang - Phó phòng Khai thác và Bảo vệ thuộc Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Thuận, nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định thì không riêng gì Bình Thuận mà những người hành nghề lặn cả nước sẽ không có ai được phép xuống nước. Một bộ đồ lặn đủ tiêu chuẩn có giá 70-80 triệu đồng, đó là chưa kể kính lặn, bình dưỡng khí, chân vịt trong khi các thợ lặn “làm ngày nào, ăn ngày đó”.

Chi cục chỉ cấp một giấy phép lặn trong thời hạn ba tháng sau khi đã kiểm tra kỹ thuật thiết bị lặn. Điều kiện tiếp theo là thợ lặn phải trên 18 tuổi, có chứng nhận về kỹ thuật lặn, cách sơ cứu người bị giảm áp, giấy khám sức khỏe và luôn phải cam kết không lặn ở độ sâu trên 15 m. Thế nhưng trên thực tế muốn lặn sò lông hay bàn mai, người hành nghề lặn phải xuống dưới độ sâu hơn 20 m. Thậm chí nhiều thiết bị lặn khi vừa kiểm tra cấp phép năm đầu dây cho năm thợ lặn, lập tức ngư dân nối ống thành 10 đầu dây để có cơ hội cho nhiều thợ lặn xuống nước hơn.

Ông Chín Tú, chủ tàu lặn BTH-356TS, thật thà: “Ai cũng biết làm vậy là nguy hiểm nhưng chẳng qua vì mưu sinh mà thôi”. Theo ông Chín, kinh nghiệm lặn là khi trồi lên mặt nước đừng lên quá nhanh và cứ khoảng 10 m nước thì dừng lại một nhịp chừng vài giây thì khi lên bờ mới không bị sốc vì giảm áp.

Gian truân đời lặn biển- Bài 2: Giảm áp và say độ sâu ảnh 1

Thợ lặn Nguyễn Hồng Long mạnh mẽ là thế, nay phải nhờ vợ tập đi từng bước. Ảnh: P.NAM

Cấp cứu dưới đáy biển

Nguyễn Hồng Long ngụ phường Đức Long, TP Phan Thiết là một thợ lặn có hơn 10 năm kinh nghiệm. Long cho biết anh từng giúp nhiều bạn lặn giảm áp dưới đáy biển và cứu sống được nhiều người.

Thế nhưng sau tết, đi lặn chuyến đầu năm, do trục trặc máy nổ, lại trồi lên quá nhanh nên Long bị giảm áp. Dù bạn lặn đã đưa anh xuống đáy biển đến bốn lần vẫn không “nhả”. Hiện Long bị liệt cả hai chân, đang khó nhọc tập đi với sự giúp sức của vợ. Căn nhà của vợ chồng anh ở ven biển đã bị sóng biển xâm thực đánh sập, ba đứa con thơ phải gửi tứ tán nhiều nơi. Viễn cảnh đói nghèo có lẽ sẽ đeo đẳng.

Theo Long, khi bị giảm áp, người bị nạn sẽ được các đồng nghiệp đưa lên sàn tàu hô hấp vài phút, sau đó được cạy miệng ra để cho ngậm ống dưỡng khí và ném lại xuống biển. Người bị nạn sẽ được ba hay bốn đồng đội lặn kèm, dìu xuống để giúp sức. Theo kinh nghiệm, nếu lặn ở độ sâu 20 sải thì người bị nạn phải được đưa xuống độ sâu 22-25 sải để cứu chữa. Các thợ lặn phải chia nhau xoa bóp tay chân, giúp người bị nạn ngậm chặt ống hơi hơn 15 phút thì dìu lên tàu cho nghỉ ngơi. Nếu không “nhả”, tức chân tay còn tê cứng thì lập tức đưa ngay về đất liền cấp cứu.

Long tâm sự anh không thể nào quên được cái chết của người bạn lặn thân thiết Trần Văn Hùng, ngụ cùng phường Đức Long. Lần đó, Hùng bị giảm áp trong một chuyến lặn ở vùng biển Hàm Tân (Bình Thuận). Bốn bạn lặn đã lập tức dìu anh xuống biển để cấp cứu. Khi lên sàn tàu, mọi người mừng phát run khi thấy anh mở được mắt, mấp máy gọi tên vợ con. Tàu gần đến bờ thì anh trút hơi thở cuối cùng. Sau này mới biết trước đó anh đã bị cảm cúm nên không còn đủ sức chống chọi. Vì mưu sinh anh vẫn ráng sức đi lặn để rồi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Hay trường hợp của anh Nguyễn Phi (39 tuổi) ở Đức Long, cách nay khoảng bốn năm, sau chuyến đi biển về dù hơi mệt nhưng Phi vẫn tắm rửa, thay đồ chạy nhanh ra một quán cà phê vì đã lỡ hẹn với bạn gái. Ngồi với nhau chưa được 10 phút, Phi bỗng dưng ngã ngửa, liệt cả tứ chi. May cho Phi, anh được chẩn đoán bị giảm áp nguội nên mọi người đưa nhanh đến điểm chẩn trị Đông y ở phường bấm huyệt, xoa bóp. Nằm liệt giường, bài tiết tại chỗ, gần một năm sau Phi mới có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Hiện tại, thỉnh thoảng anh chỉ theo tàu lặn làm thợ kỹ thuật hay phụ kéo sò từ dưới biển lên mà thôi.

Bác sĩ Phạm Thanh Bình, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, BV Y học cổ truyền Bình Thuận, cho biết ông có nghe các thợ lặn chữa giảm áp bằng cách ném lại xuống biển và thừa nhận cũng có nhiều trường hợp qua khỏi, tuy nhiên rất ít. Theo bác sĩ Bình, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận cả trăm bệnh nhân bị hội chứng thợ lặn. Đa phần bệnh nhân vào đây đều bị chèn ép thắt lưng, cổ nên thường liệt hai chi dưới, nhiều trường hợp quá nặng liệt cả tứ chi.

Chết thảm vì say độ sâu

Theo bác sĩ, nếu lặn quá sâu cũng sẽ bị những cơn say làm chết người còn nhanh hơn bị giảm áp.

Tới giờ, anh Huỳnh Thanh Phong (47 tuổi) ngụ Đức Long, Phan Thiết vẫn không thể nào quên lần anh đang lặn bàn mai ở độ sâu khoảng 40 m ở vùng biển Hòn Rớ vào năm 2007.

Đang hốt bàn mai vào bao thì phát hiện người bạn lặn tên Minh lảo đảo như người say rượu, miệng không ngậm ống dưỡng khí. Nghĩ rằng bạn bị rớt ống hơi, anh liền di chuyển đến đưa ống của mình cho bạn thở với ý định sẽ luân phiên nhau ngậm ống để trồi lên. Nhưng bất ngờ Minh giật ống hơi ra ném rồi lao vào ôm chặt người cứu mình. Anh Phong phải hết sức bình tĩnh mới gỡ được tay Minh và thoát chết trong gang tấc, còn Minh mấy ngày sau mới tìm được xác ở tận vùng biển Phan Rang…

Gian truân đời lặn biển- Bài 2: Giảm áp và say độ sâu ảnh 2

Dù có nhiều kinh nghiệm trong nghề nhưng anh Huỳnh Thanh Phong cũng bị liệt cả hai chân trong một tai nạn giảm áp. Ảnh: P.NAM

Theo lý giải của bác sĩ Bình thì đó là triệu chứng say độ sâu hay buồn ngủ do nhiễm nitơ. Theo đó, người thợ lặn khi xuống quá sâu, tùy theo cơ địa sẽ có cảm giác mất thăng bằng và rối loạn tâm thần, không thể kiểm soát hành vi của mình. Nhiều trường hợp chỉ mới chạm chân xuống đáy biển đã chết hoặc nhảy múa như người điên, không ai dám tiếp cận để cứu.

Ngoài bị giảm áp, say độ sâu, thợ lặn còn có rất nhiều bệnh nghề nghiệp như đau đầu, đau bụng. Theo dân gian, nếu hành nghề khoảng nửa tháng mà thấy có dấu hiệu vừa trồi lên sàn tàu bị hộc máu là bất cứ thợ lặn nào cũng rất mừng vì đã xuất... chất độc ra ngoài! Thật ra triệu chứng trên là do các đường thông giữa các vách mũi, hốc mũi, các xoang có thể bị tắc khi tăng áp suất, nếu nặng có thể dẫn đến trụy tim mạch. Người lặn sẽ mất thăng bằng, đau đớn. Đôi khi còn bong niêm mạc của xoang, có tụ máu và sau đó có thể bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, thợ lặn thường bị các cơn đau bụng do khi lặn nuốt không khí, khi giảm áp các không khí đó giãn nở làm căng phồng đường tiêu hóa, gây nên các cơn đau bụng dữ dội. Theo bác sĩ Bình, các trường hợp này khi đưa vào cấp cứu phải áp dụng Tây y để tăng tuần hoàn não, trợ tim, trợ sức, sau đó mới kết hợp bài thuốc Đông y “Hành khí hoạt huyết”, rồi châm cứu, tập vật lý trị liệu mới có thể qua khỏi đối với những ca nhẹ. “Những ca bị nặng đưa vào trễ thường là liệt vĩnh viễn” - bác sĩ Bình nói.

Chứng giảm áp

Theo Viện Hải dương học Nha Trang, khi lặn các khí trong hỗn hợp khí hô hấp hòa tan trong máu và trong các mô. Khi giảm áp trở về áp suất không khí bình thường, áp suất khí ở phổi thấp hơn áp suất khí hòa tan trong các mô. Oxy được các tổ chức trong cơ thể sử dụng, còn lại các khí trơ như nitơ, heli… Nếu giảm áp chậm (tức trồi lên mặt nước từ từ), nitơ sẽ được loại dần dần vào máu và thoát ra các phế nang. Nếu giảm áp nhanh (trồi lên mặt nước nhanh), nitơ thoát ra tại chỗ, hình thành các bọt khí ngay trong tổ chức và máu. Các bọt khí này sẽ gây tắc hay chèn ép làm ngừng thông máu, phát sinh tai biến…

PHƯƠNG NAM

Bài 3: San hô đen - Tiền và máu

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

bài test

bài testLongform

(PLO)- Trải qua 124 ngày giãn cách xã hội với nhiều lần thay đổi cấp độ, biện pháp chống dịch, TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước bước vào giai đoạn bình thường mới và dần thích nghi với việc sống chung cùng COVID-19.
[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bài

[Infographic] Top 10 xe ô tô bán chạy tháng 6/2020 - Test bàiInfographic

(PLO)- Mùa dịch vẫn chưa đi qua hẳn nhưng doanh số bán xe ô tô có hướng tăng trở lại đối với một số dòng xe. Vẫn là những chiếc xe phân khúc giá tiền dễ tiếp cận nằm đầu top, đối với tháng 6 vừa qua thì doanh số đầu bảng thuộc về Honda City, vượt doanh số của Vios hơn 300 chiếc xe.
Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Tôi ghét những cánh tay giơ lên

Ngày nay chuyện bốn phương tám hướng gì cũng loan truyền chóng mặt. Ngoài một rừng cơ quan báo chí chuyên nghiệp thì giới đưa tin dạo còn nhiều gấp vạn lần.
Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

Vinh danh kỳ 29: Bảng vàng về với Đắk Lắk

(PL)- Số lượng bạn đọc ở Đắk Lắk đã từng được trúng giải À Ra Thế khá nhiều, tuy nhiên đây là lần đầu tiên bảng vàng xướng tên một bạn đọc ở địa phương này, đồng thời Bình Phước vẫn luôn giữ “áp đảo” các vị trí còn lại.
Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

Dù vé số trúng thưởng cũng chỉ phạt hành chính

(PL)- Nếu tình huống chỉ dừng lại ở số tiền 300.000 đồng, chắc hầu hết bạn đọc đều có đáp án cho tình huống này. Nhưng cùng với hai tờ vé số trúng thưởng được 6 triệu đồng, nhiều bạn đọc đã “vội vã” kết luận A phải bị xử lý hình sự.