Đội chống “thủy tặc” trên phá Tam Giang

Vừa đặt chân tới xã Điền Hải (Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), hơn 10 thanh niên nhảy bổ lên bốn chiếc thuyền rồi nổ máy kéo ga, quay đầu hướng ra phá Tam Giang. Trên bờ, hàng chục người dân leo lên nhà chồ (lán rộng chưa đến 5 m2 của người làm nghề trên phá Tam Giang) dõi theo những trai làng đang cố tiếp cận chiếc ghe cào hến bằng máy trái phép trên phá. Khoảng 20 phút sau, bốn chiếc thuyền đã áp giải chiếc ghe vào bờ trong tiếng vỗ tay của người dân. “Hôm nay may mắn, không xảy ra xô xát” - ông Nguyễn Văn Nguyên, một người lớn tuổi trong làng, nhẹ lòng thốt lên.

Cuộc đột kích bất ngờ

Từ năm 2000, tình trạng “thủy tặc” ngang nhiên dùng xung điện, giã cào đánh bắt thủy sản làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, tôm cá cạn kiệt. Ngư dân làm nghề đánh bắt bằng nò sáo truyền thống (một trong những ngư cụ phổ biến của ngư dân, sử dụng trên đầm phá) trở nên khó khăn, đời sống túng thiếu. Vì vậy, 81 hộ dân thôn 8, xã Điền Hải đã quyên góp tiền mua một thuyền công suất 24 CV và thành lập đội tự quản gồm tám người (do ông Phan Chiến đứng đầu) chống “thủy tặc”. Từ đó, những cuộc truy quét “thủy tặc” để bảo vệ nguồn thủy sản của người dân thôn 8 trở nên quyết liệt hơn.

Ông Phan Mười, thành viên đội tự quản, nhớ lại: “Một buổi sáng tháng 7-2010, nhận được tin báo có khoảng 10 chiếc thuyền dùng xung điện và cào hến bằng máy đang hoạt động trên vùng phá. Ngay lập tức anh em lên thuyền, vừa tới nơi thì 10 chiếc thuyền đều tẩu thoát vì kế hoạch bị lộ”.

Đội chống “thủy tặc” trên phá Tam Giang ảnh 1

Đội tự quản (bên phải) đang rượt đuổi một chiếc thuyền đánh bắt cá bằng xung điện trên phá Tam Giang. Ảnh: V.LONG

Tối hôm đó, kíp trực của đội tự quản lại nhận được tin báo có một toán thuyền đang đánh cá trái phép. Rút kinh nghiệm, đội trưởng Phan Chiến, đồng thời là chủ tịch Hội Nghề cá thôn 8, ra “mật lệnh” nhắn tin cho từng thành viên tập trung. 5 phút sau, 10 anh em đã có mặt tại điểm hẹn, nhanh chóng xuất phát. Năm chiếc thuyền lần lượt lao vút trong đêm. “Khi phát hiện đội tự quản, bọn chúng rồ ga bỏ chạy nhưng bị đội thuyền chúng tôi bao vây, chặn tất cả các ngả. Cuối cùng, bảy chiếc thuyền của “thủy tặc” bị khống chế, thu giữ máy xung điện và máy cào hến đưa về xã giải quyết. Hôm đó bà con xóm nhà chồ vui lắm, người thì nấu cháo gà, kẻ mang rượu ra chúc mừng. Suốt đêm đó cả xóm không ngủ...” - anh Phan Mười nhớ lại.

Cuộc chiến trên đầm phá

Một ngày đầu năm 2007, ông Nguyễn Tần cùng bốn anh em khác đi tuần tra thì nhận được điện thoại từ xã báo có ít nhất ba chiếc thuyền đang đánh bắt cá trái phép, yêu cầu đội tuần tra tiếp cận, bắt giữ. Lập tức, ông Nguyễn Tần cho thuyền chuyển hướng, rồ ga phóng đến hướng nhóm “thủy tặc” đang đánh bắt. Chạy tới nơi, đội tự quản phát hiện một chiếc thuyền đang dùng xung điện đánh bắt. “Chúng tôi yêu cầu những người trên thuyền không được khai thác cá bằng phương pháp hủy diệt làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản. Bọn chúng giả vờ ngừng đánh bắt nhưng lại nhắn cho đồng bọn kéo đến.

10 phút sau, khoảng 20 chiếc thuyền của đội quân “thủy tặc” đã có mặt bao vây thuyền chúng tôi, chúng ném đá vào thuyền làm mấy người bị thương. Chưa hết, chúng còn lấy ván, chai thủy tinh và các vật cứng ném xối xả vào thuyền. Tôi bị một thanh sắt dài 1 m đập mạnh vào bên hông làm gãy xương sườn” - ông Tần bức xúc kể lại. Nhấp ngụm trà, ông Tần kể tiếp: “Sau đó bọn “thủy tặc” còn táo tợn bắt trói những người trong đội tự quản lại với ý định thủ tiêu. May sao dân làng kịp thời giải cứu đưa anh em chúng tôi vô bờ. Tôi bị gãy hai xương sườn, đến nay trở trời là đau nhức”. Sau đó công an huyện đã về điều tra, bắt giam nhóm này.

Đội chống “thủy tặc” trên phá Tam Giang ảnh 2

Các thành viên đội tự quản đang lau chùi máy để chuẩn bị đi tuần tra trên phá. Ảnh: V.LONG

Người dân thôn 8 không thể quên trận chiến với “thủy tặc” vào giữa năm 2007. Trong một lần tuần tra, đội tự quản phát hiện ba chiếc thuyền đang cào lươn bằng máy. Khi thấy đội tự quản tới, ba thuyền nổ máy kéo ga phóng chạy. Cuộc rượt đuổi trên phá diễn ra hơn 1 tiếng thì một chiếc thuyền của “thủy tặc” bị sóng đánh chìm dần. Lập tức, hàng chục thuyền của quân “thủy tặc” kéo đến trả thù. “Chúng dùng một chiếc thuyền công suất lớn lao thẳng vào giữa thuyền tụi tui làm chìm thuyền. Năm người đi trên thuyền bị hất tung xuống phá. Bọn chúng còn rồ máy chạy vòng quanh để tạo sóng lớn nhấn chìm tụi tui. Rất may dân làng chạy đò ra tiếp ứng kịp thời, năm anh em tui được vớt lên an toàn” - ông Chiến nhớ lại.

Cảm hóa “thủy tặc”

Anh Phan Đế kể lại, ngoài những lần cãi cọ xô xát trên phá, cũng có nhiều lúc thu xong đồ nghề của họ anh lại phải quay lại trả. “Mục đích của mình là cảm hóa, làm cho họ hiểu được đánh bắt như vậy là sai trái...” - anh Đế nói.

Trong một lần đi tuần tra ban đêm, anh bắt gặp hai mẹ con đang dùng xung điện để đánh bắt cá. Khi bị thu giữ máy rà xung điện, người phụ nữ run lẩy bẩy, tay khư khư giữ chặt chiếc máy, không chịu giao nộp. “Chị đánh bắt cá bằng xung điện ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản sau này. Chúng tôi buộc phải thu giữ dụng cụ đánh bắt của chị...” - anh Đế vừa nói vừa tách những ngón tay của người phụ nữ khỏi chiếc máy. Bỗng dưng chị đứng dậy ôm lấy đứa con, người ướt sũng quỳ xuống thuyền: “Mẹ con tui xin chú, mấy ngày rồi không có tiền mua gạo, tui mới mượn anh hàng xóm cái máy đi rà mong kiếm bát cơm cho cháu...”.

Đội chống “thủy tặc” trên phá Tam Giang ảnh 3

Ông Nguyễn Tần kể lại lần bị “thủy tặc” dùng gậy sắt phóng làm gãy xương sườn. Ảnh: V.LONG

Đỡ hai mẹ con dậy, anh Đế giải thích: “Tôi tha cho chị là sẽ thành tiền lệ, khó xử với những trường hợp sau”. Khi anh Đế xách máy xung điện bước lên thuyền của mình, ánh mắt hai mẹ con cứ dán chặt về phía anh như cầu xin, năn nỉ. Đứa bé mếu máo: “Đừng lấy máy của mẹ cháu, chú ơi!”. Nước mắt hai mẹ con chảy dài trên khuôn mặt lấm lem bùn đất.

Anh Đế quyết định quay lại thuyền của người phụ nữ. Nhìn củ sắn trong xoong còn dính vài hạt cơm, anh hiểu hai mẹ con họ không lừa mình. Hỏi hoàn cảnh biết được chồng chị đã mất, hai mẹ con lênh đênh trên phá kiếm sống. Gần một tuần người mẹ ốm, gạo hết, trong lúc túng quẫn họ liều mượn máy xung điện của người làng đi đánh cá.

Cám cảnh hai mẹ con, anh Đế không thu giữ máy, bao nhiêu cá bắt được hôm đó anh đều mang hết cho họ. “Hai mẹ con mừng rơi nước mắt. Họ cứ cảm ơn tôi mãi và hứa sẽ không bao giờ đánh cá bằng xung điện nữa. Cho đến bây giờ tôi cũng không gặp lại họ đánh bắt kiểu ấy lần nào nữa...” - anh Đế trầm ngâm nhớ lại.

Cũng như anh Đế, nhiều người trong đội tự quản như anh Trần Viên, Phan Tường, Phan Chính đã từng gặp những trường hợp tương tự như vậy. Các anh cũng đã khuyên nhủ và hầu hết những người đánh bắt trái phép đều bỏ nghề.

Thế nhưng vẫn còn đó nhiều cá nhân vì lợi ích riêng đang ngang nhiên tận diệt nguồn thủy sản, hủy hoại môi trường trên phá Tam Giang. Không những thế, “thủy tặc” còn hung hãn đương đầu với các lực lượng chức năng. Đội tự quản chống “thủy tặc” vẫn còn đối diện những gian nan và nguy hiểm khi ý thức của một số người dân chưa cao.

Khi bị chúng tôi bắt, họ đã tìm cách trả thù bằng việc nhắn tin trên điện thoại đe dọa hoặc theo dõi mình đi thả nò chỗ nào trên phá. Lợi dụng lúc mình sơ hở, chúng dùng ống tuýp sắt chọc thủng nò làm cho cá ở nò ra hết. Chúng tôi chẳng ai sợ vì mình làm việc cho lợi ích chung của người dân...

Anh PHAN ĐẾ, thành viên đội tự quản

Từ khi có đội tự quản thì việc dùng xung điện, giã cào hến, lươn bằng máy giảm hẳn. Nguồn lợi thủy sản trên đầm phá phát triển tốt hơn. Đội đã bắt được hàng trăm thuyền khai thác trái phép trên phá giao cho xã xử lý. Do kinh phí hạn hẹp nên chính quyền chỉ giúp người dân thành lập đội tự quản, còn thuyền và xăng dầu tuần tra thì người dân đang phải tự quyên góp...

Ông NGUYỄN XUÂN CÔNG, Chủ tịch xã Điền Hải

NGUYỄN VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm