Đầu xuân thăm nhà Bá Kiến

 Sự tồn tại của nó như một minh chứng tố cáo thế lực cường quyền, ăn trên ngồi chốc ở mảnh đất “quần ngư tranh thực” xưa kia. Đó chính là ngôi nhà Bá Kiến, nguyên mẫu trong tác phẩm Chí Phèo bất hủ. Một thế kỷ đã trôi qua, ngôi nhà ấy vẫn còn đó vẹn nguyên.

Dọc theo con đường nội tỉnh mới được bê tông hoá, chúng tôi tới làng Đại Hoàng (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vào một chiều se lạnh. Tiếng lách cách thoi đưa hoà cùng âm thanh tất bật của làng nghề dệt vải truyền thống làm rộn rã lòng người.

Làng Đại Hoàng năm xưa ngập chìm trong đau thương, nghèo đói với những tiếng chửi bới, la ó om xòm, mưu mô xảo quyệt được đặc tả dưới ngòi bút Nam Cao, nay nhộn nhịp, tưng bừng, trù phú, rợp bóng mát bên dòng Châu Giang. Ở phía giữa làng, xóm 11, ngôi nhà Bá Kiến một thời là tâm điểm, là nỗi sợ hãi của dân nghèo, vẫn chưa phai nếp cũ. 

Dẫn chúng tôi đi thăm xung quanh khuôn viên tư gia Bá Kiến rộng chừng 1ha, anh Trần Bá Toản, hiện đang trông coi ngôi nhà, cho biết: “Theo các cụ cao niên trong làng thì ngôi nhà này thực chất chỉ là gian thờ của gia đình Bá Kiến. Còn nhà ở của ông ta và các bà vợ được xây sát 2 bên tạo thành hình chữ U nhưng hiện nay 2 khu nhà đó đã hoàn toàn mất dấu. Tính đến thời điểm này, ngôi nhà đã tồn tại khoảng 100 năm, qua 8 đời chủ”. Và có lẽ, ngôi nhà ấy vẫn được lưu giữ đến nay bởi nó gắn với đời chủ thứ tư đầy tai tiếng – ngụy viên Bắc kỳ Bá Bính khi trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm văn học của Nam Cao.

Chủ nhân hiện tại là UBND tỉnh Hà Nam đã mua lại ngôi nhà từ bà Trần Thị Sâm với giá 700 triệu đồng vào cuối năm 2007 để làm di tích, rồi giao cho anh Toản trông coi. Mới đây, địa phương đã cho xây dựng thêm nhà vệ sinh, nhà tắm để phục vụ khách tham quan và trồng thêm vườn chuối ngự phía trước. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù đã trải qua bao biến cố thời gian nhưng với 16 cây cột gỗ lim chân kê đá tảng, rui, mè dọc ngang và những lớp xà gồ chắc nịch đã giúp cho ngôi nhà thêm vững chãi, không bị hư hại; duy chỉ có tường cũ, mái ngói rêu phong cùng cửa chắn ngoài là bạc màu mưa, nắng.

Ở vào cái thời mà lá dâu, củ chuối, cám lợn nuôi sống con người ấy thì một ngôi nhà “bức bàn” 3 gian rộng rãi, được làm bằng toàn gỗ lim, tường xây mật mía, gạch thất lát nền, lợp ngói vẩy cá như thế chẳng khác nào một giấc mơ mà muôn đời dân lành làng Vũ Đại không bao giờ với tới.

Ông Trần Đức Thân, 76 tuổi, ở xóm 2, gần khu nhà Bá Kiến, kể: “Ngày tôi còn nhỏ, có lần được nghe cha tôi nói, ngoài khu nhà này, Bá Bính còn 3 ngôi nhà khang trang khác và rất nhiều đất vườn, nhưng sau đó đã bị chia năm, xẻ bảy cho 3 người con của ông ta và cho dân nghèo sau cải cách ruộng đất. Khu nhà này còn giữ lại được là bởi nó bị bán cho nhiều đời chủ khác nhau. Đúng là... trong cái rủi có cái may như thể duyên tiền định!”.

Và cho dù Bá Bính ngày xưa có tội với dân làng đến đâu thì với lòng nhân từ, bao dung, người dân nơi đây vẫn gìn giữ ngôi nhà ấy như một chứng tích cuối cùng của phe cánh cường hào, bá hộ tàn ác, từng nhấn chìm, đẩy đưa bao số phận con người…

Đầu xuân thăm nhà Bá Kiến ảnh 1
Chính diện ngôi nhà Bá Kiến.

Trao đổi với ông Trần Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu, chúng tôi được biết thêm: “Năm 1997, dự án Vườn hiện thực Nam Cao được khởi công với kinh phí dự kiến trên 30 tỷ đồng do tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư nhằm lưu niệm và tái hiện toàn bộ sự nghiệp văn chương của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, người con ưu tú của tỉnh nhà. Trong số những chứng tích ấy có ngôi nhà Bá Bính. Nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, dự án vẫn chưa hoàn thành và ngôi nhà này vẫn chưa được tu sửa. Chúng tôi sợ rằng, nếu để quá lâu không chăm sóc bảo quản chu đáo, những hiện vật có giá trị lịch sử như thế này sẽ không trụ nổi. Mà chính quyền xã thì lực bất tòng tâm, không đủ kinh phí”. Nỗi trăn trở  của ông chủ tịch xã cũng là tâm nguyện của đông đảo nhân dân Hòa Hậu bởi ngoài ý nghĩa tôn vinh giá trị nghệ thuật trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn hiện thực nổi tiếng Nam Cao, ngôi nhà Bá Kiến còn là chứng tích của chế độ phong kiến cần được lưu giữ để giáo dục lịch sử cho thế hệ mai sau. Mong sao “Vườn hiện thực Nam Cao” sớm hoàn thành để thỏa lòng người dân “làng Vũ Đại” và bao người ngưỡng mộ văn ông!
Theo Hoàng Đình Thành (Khoa học & Đời sống)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm