Dấu ấn Dương Quang Trung - Bài 1: Bước qua thời gian khó

Tiễn đưa ông, Pháp Luật TP.HCM gửi đến bạn đọc hồi ức của các bác sĩ, những học trò của giáo sư về những dấu ấn to lớn mà giáo sư đã để lại với ngành y tế TP.

Ông là người hợp tác với Pháp để thành lập Viện Tim TP; thành lập các trung tâm chuyên sâu về mắt, tai mũi họng, chấn thương chỉnh hình; thành lập Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM (nay là ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Trung tâm Chẩn đoán Medic.

Hãy giữ chi thể cho người Việt

Đó là lời khuyên và cũng là “chỉ đạo” từ mấy chục năm trước của cố GS Dương Quang Trung đối với BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình. BS Mỹ cho rằng nếu không có GS Trung thì không có BV Chấn thương Chỉnh hình.

Đầu thập niên 1980, chấn thương chỉnh hình là một khoa trong BV Bình Dân cùng với khoa ung bướu, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt... (các khoa này cũng đã lần lượt tách ra thành trung tâm riêng). Nói về ưu tiên trong cấp cứu, chấn thương chỉnh hình chỉ đứng hàng thứ sau tim mạch, nội tổng quát, thận niệu... “Do BV Bình Dân lúc đó chỉ có ba phòng mổ nên sau khi giải quyết hết các bệnh khác thì mới đến bệnh nhân chấn thương chỉnh hình” - BS Mỹ kể.

Thấy được sự cần thiết của một trung tâm chuyên sâu chấn thương chỉnh hình ở một đô thị lớn, GS Trung đã có ý tưởng thành lập trung tâm chấn thương chỉnh hình, có tập trung nhân lực, trang thiết bị thì mới có thể tiến xa được. Năm 1985, giáo sư đã cho khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Bình Dân sáp nhập vào BV Trần Hưng Đạo và lấy tên là Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - nay là BV Chấn thương Chỉnh hình. Ngày khánh thành, ông dặn dò các y bác sĩ: Phải đảm bảo điều trị tai nạn thương tích và những di chứng do chấn thương để lại.

Dấu ấn Dương Quang Trung - Bài 1: Bước qua thời gian khó ảnh 1

GS de Paillerets và GS Dương Quang Trung (thứ hai và thứ ba từ phải) khảo sát BV Nhi đồng 2 trong chương trình tái thiết BV Grall. Ảnh: TƯ LIỆU

“Lúc mới thành lập, trung tâm có bốn khoa: Chi trên, Chi dưới, Cột sống và Chỉnh hình nhi. Tôi được phân công làm trưởng khoa Chi trên. Nhờ chú Tư có mối quan hệ khá tốt bên Pháp nên lần lượt anh em chúng tôi đều được đưa sang Pháp đào tạo. Những kỹ thuật chúng tôi học được về Việt Nam áp dụng được ngay” - BS Mỹ kể tiếp.

“Một lần chú khuyên tôi mở rộng khoa Chi trên. Chú bảo bàn tay rất quan trọng nhưng làm rất khó, do đó khi làm cần cố gắng giữ lại chi thể cho bệnh nhân. Giờ đây tôi không những phát triển khoa Chi trên mà còn “sinh” thêm khoa từ khoa này là Vi phẫu tạo hình. Khoa chúng tôi giờ có thể mổ nội soi, kết hợp xương, chuyển gân, tái tạo khớp, thay khớp” - BS Mỹ tự hào kể lại.

Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Bình Dân có 94 giường, khi thành lập Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình thì tăng lên 300 giường, đến ngày hôm nay BV có 12 khoa với 500 giường. BV quá tải từ lúc mới thành lập đến nay. BV đã làm được hầu hết kỹ thuật về chấn thương chỉnh hình mới nhất trên thế giới, được Bộ Y tế công nhận là một trung tâm chuyên sâu của cả nước, hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp và chỉ đạo cho các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, BV còn là nòng cốt trong vấn đề đào tạo sinh viên, bác sĩ, tiến sĩ… cho ĐH Y Dược và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Chắp cánh cho ngành Nhi khoa TP

Theo hồi tưởng của TS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, trong những năm đầu thập niên 1990, thời kỳ còn bị cấm vận, cơ hội hợp tác với nước ngoài không dễ dàng như hôm nay. Vận dụng những mối quan hệ với các giáo sư đã từng là bạn học ở Pháp, Hiệp hội Các bác sĩ và nhân viên đã từng làm việc tại BV Grall (nay là BV Nhi đồng 2), GS Dương Quang Trung đã vận động chính phủ Pháp tài trợ chương trình tái thiết BV Nhi đồng 2. Tổ chức Kiến trúc sư không biên giới đã gửi các kiến trúc sư sang BV Nhi đồng 2 để khảo sát và thiết kế lại khu ngoại khoa sao cho hiện đại nhưng vẫn bảo đảm nét kiến trúc cổ điển của Pháp. Sau hơn hai năm trùng tu và lắp đặt các trang thiết bị, bốn phòng mổ ở Nhi đồng 2 được xem là đẹp nhất và đạt chuẩn nhất trong TP lúc bấy giờ, BV Nhi đồng 2 được đổi lại thành tên BV Nhi Đồng-Grall.

TS Định kể: Là một nhà quản lý, một nhà khoa học, chú Tư Trung đã thấu hiểu được nỗi khát khao được học tập, tiếp thu những cái mới đối với toàn ngành y tế trong một điều kiện bị đóng cửa bao vây. Ông cùng với người bạn của mình là de Paillerets, Viện trưởng ĐH Bichat Paris, xây dựng chương trình huấn luyện nhi khoa. Liện tục hơn 10 năm, mỗi năm có bốn đợt các giáo sư, bác sĩ và điều dưỡng nhi với nhiều chuyên khoa sâu khác nhau từ nội-ngoại khoa đến chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng đến BV Nhi đồng 2 trong hai tuần để giảng dạy và huấn luyện các bác sĩ, điều dưỡng nhi khoa trong toàn TP và sau đó tuyển chọn một nhóm bác sĩ sang Pháp thực tập nội trú. Khóa trước đi học về lại tiếp tục vào lớp hướng dẫn và giúp đỡ khóa sau.

Đối với các bác sĩ mới ra trường, cơ hội đi tu nghiệp nước ngoài lúc đó là một ước mơ quá lớn lao, là điều vô cùng khó khăn tưởng như không thể. Chương trình Huấn luyện nhi khoa Grall đã chắp cánh ước mơ và tạo sức bật cho hàng loạt bác sĩ trẻ lúc ấy. Những BV nhi nổi tiếng của Paris như Necker-Enfants Malade, BV Robert Debré, BV Trousseau, BV Saint Vincent de Paul là niềm ao ước của các bác sĩ trên toàn thế giới, giang tay mở cửa đón nhận các bác sĩ đến từ ngành nhi khoa TP. Rất nhiều bác sĩ nhi khoa đã trưởng thành từ cái nôi của Grall.

TS Trương Quang Định xúc động: “Ngày 3-6-2013, GS de Paillerets qua đời tại Paris đã gây bàng hoàng cho nhiều thế hệ bác sĩ nhi khoa TP.HCM từng thực tập nội trú tại Pháp. Ba tuần lễ sau, chú Tư Trung lại ra đi vĩnh viễn, để lại trong lòng các bác sĩ của nhiều thế hệ tại TP.HCM ngậm ngùi trong bao nỗi tiếc thương vô hạn.

Không giấy bút nào có thể ghi lại hết công ơn của ông, không giọt nước mắt nào có thể chảy trôi lòng tiếc thương vô hạn của các bác sĩ đã một thời từng làm việc với ông. Chỉ mong chú Tư ra đi thật thanh thản và thế hệ mai sau xin hứa sẽ hoàn thành tiếp những hoài bão lớn lao của ông còn đang dang dở!”.

Chữ tâm của người cộng sản

Từ sáng sớm 26-6, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, lãnh đạo Sở Y tế, các ban ngành, đoàn thể, đồng nghiệp, học trò… đã đưa tiễn GS Dương Quang Trung về nơi an nghỉ cuối cùng. Linh cữu của giáo sư đi qua Viện Tim và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trước khi về Nghĩa trang TP. Trong những ngày qua, có trên 700 đoàn đại biểu và hàng ngàn người đến thăm viếng, chia buồn cùng gia đình giáo sư.

Trong điếu văn tiễn đưa, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết những năm đầu sau giải phóng, ngành y tế TP.HCM với bộn bề công viêc, giáo sư đã lãnh đạo ngành theo hướng đẩy mạnh công tác dự phòng, củng cố y tế cơ sở, tổ chức tốt các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống dịch bệnh, xây dựng và phát triển chuyên khoa sâu với kỹ thuật cao, đầu ngành. Tại các trung tâm này, trang thiết bị chuyên ngành được đầu tư tập trung, điều trị tốt cho người bệnh. Đào tạo đội ngũ kế thừa đủ tầm vóc để tiếp cận với lĩnh vực y học thế giới. Chính vì vậy TP.HCM đã trở thành một trong những trung tâm y tế chuyên sâu lớn của cả nước.

Dấu ấn Dương Quang Trung - Bài 1: Bước qua thời gian khó ảnh 2

Tiễn đưa GS Dương Quang Trung về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh chụp sáng 26-6

Trong những công trình cống hiến của giáo sư thì Viện Tim, được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1990, là một trong những chủ trương quan trọng và hiệu quả. Ít có ai biết rằng để có được cơ sở này, GS Trung đã kiên trì thuyết phục nhà phẫu thuật tim danh tiếng châu Âu, viện trưởng Viện Tim Broussière (Paris, Pháp) thành công. Sau hơn 20 năm hoạt động, có trên 20.000 người mắc bệnh tim trên cả nước, phần lớn là trẻ em đã được cứu sống bằng phương pháp mổ tim hở.

“Chữ tâm của người cộng sản đã thúc đẩy đồng chí Dương Quang Trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao; tập hợp, đoàn kết đội ngũ cán bộ y tế để đạt mục tiêu cao nhất:  Tất cả vì sức khỏe nhân dân” - Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nêu rõ.

Những người ở lại sẽ nhớ mãi đến giáo sư là người đặt nền móng và xây dựng nên ngành y TP nói riêng và cả nước nói chung. Từ những dấu ấn, công trình của giáo sư để lại, trong sổ tang, nhiều hế hệ con cháu hứa noi theo và phát huy tốt hơn nữa để phục vụ sức khỏe nhân dân.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm