Đất hương hỏa

ANH PHÓ trả lời: Bạn Nguyễn Phạm Hoàng thân mến,

Theo nguyên gốc từ Hán Việt thì “hương” là nhang để đốt có mùi thơm;  “hỏa” là lửa, chỉ đèn để đốt lửa cho sáng. Theo phong tục của người Việt, mỗi khi cử hành lễ cúng đều phải có nhang, đèn là hai thứ lễ vật không thể thiếu. Về sau, người ta dùng hai chữ “hương hỏa” để chỉ gia tài dành để cúng tế cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ruộng đất hương hỏa là ruộng đất dành để lấy hoa lợi dùng vào việc thờ cúng người chết để lại di sản đó.

Chế độ hương hỏa đã có từ ngàn xưa. Qua các thời đại, ruộng đất đó thường chỉ giao cho con trai trưởng, cháu đích tôn là những người thừa tự để lấy hoa lợi dùng vào việc thờ phụng người để lại của hương hỏa. Người hưởng hương hỏa không được tự ý đem bán tài sản ấy. Khi người hưởng hương hỏa qua đời, phải trao tài sản đó cho con, cháu, tiếp tục thừa hưởng và lo việc thờ cúng.

Có một thời kỳ vì pháp luật khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không quy định việc lập hương hỏa. Tuy nhiên sau đó, theo Điều 670 Bộ luật Dân sự hiện hành, pháp luật lại bổ sung quy định chế độ “di sản dùng vào việc thờ cúng”. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế mà giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc (như đem bán chẳng hạn) thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng ấy cho người khác quản lý để lo việc thờ cúng.

Kính chào ông.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 10-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm