Dành trọn đời cho ca Huế

Hôm tôi đến thăm, bà lẫm chẫm chống gậy từ trong buồng ra đón khách. Đôi chân khẽ nhấc từng bước chậm rãi. Trông thấy tôi, bà chìa bàn tay xương xẩu ra cho tôi đỡ rồi nở nụ cười móm mém. Nụ cười hơi khó nhọc ở tuổi 86 khiến người không biết khó có thể tin được rằng mỗi chiều thứ Bảy hằng tuần, bà Mẫn vẫn lặng lẽ ngồi xích lô đi ca, vẫn phụ trách lớp ca Huế của những trẻ mồ côi ở phường Xuân Phú, TP Huế.

Hơn 70 năm theo nghề

Trong căn nhà ấm cúng được xây mới cách đây không lâu, thay thế cho ngôi nhà lụp xụp có giàn hoa tử đằng rũ xuống mái hiên thuở trước, nghệ sĩ Minh Mẫn kể về quãng thời gian sóng gió của nghiệp cầm ca.

Nghệ sĩ Minh Mẫn (tên thật là Nguyễn Thị Mẫn) kể: 11 tuổi, bà từng trốn học, trốn cha để lần theo tiếng đàn, tiếng phách của điệu ca cổ Huế. Những làn ca đậm chất Huế xưa như Cổ bản, Kim tiền, Lý mười thương... không hiểu sao lại có sức hút kỳ lạ với cô bé Mẫn ngày ấy. Thế là mỗi lần tan buổi chợ, Mẫn lại thậm thụt chạy theo các danh ca, tìm đến các điểm sinh hoạt ca Huế bấy giờ để... nghe lén. “Cha tui ngày đó kiên định với lễ giáo phong kiến lắm. Ông chỉ muốn con gái phải thùy mị, đảm đang nấu nướng, khâu vá thêu thùa. Nhà có năm người con, tui là con thứ tư, nhỏ con lại hay đau yếu nên cụ càng nghiêm khắc” - bà Mẫn cười bỏm bẻm.

Nghe rồi tập. Chất giọng luyến láy khỏe, trong veo và đầy hồn Huế ở tuổi 17 của cô Mẫn hàng xén đã khiến không ít danh ca thời đó như Vân Phi, Thu Nương, Lê Thị Mùi... ngạc nhiên. Chính họ về sau trở thành những người thầy truyền lửa mà suốt cả cuộc đời nghệ sĩ Minh Mẫn không bao giờ quên ơn. Niềm đam mê ca Huế có sẵn trong tim, thêm sự chăm chú tập luyện, không ngừng học hỏi khiến bà trở thành người học trò xuất sắc khi ấy.

Thời trẻ, bà Mẫn âm thầm tập luyện, từ cách luyến láy, nhả chữ, giữ giọng... với sự dìu dắt tận tình của những danh ca đi trước. Suốt mấy chục năm biểu diễn sau này, giọng ca của bà đã làm nức lòng bao người thưởng ngoạn: Cao vút, chắc nhịp. Bây giờ ai đến Câu lạc bộ Ca Huế ở số 9 đường Phạm Ngũ Lão vào mỗi chiều thứ Bảy hằng tuần, hoặc tới Trung tâm Trẻ mồ côi Xuân Phú (TP Huế) đều bắt gặp hình ảnh bà giáo già lách cách thanh gõ trên tay hoặc cầm đôi chén nhỏ đều đều gõ phách. Bên dưới, những đứa trẻ chăm chú lắng nghe, đứa so dây, đứa gảy đàn tình tang theo từng phách nhạc.

Ở tuổi 86, đôi mắt không còn tinh anh, trí nhớ về nhiều thứ cũng giảm sút, song nhắc đến ca Huế là nghệ sĩ Minh Mẫn lại cất giọng tha thiết, say sưa kể chuyện nghề. Trong bộ quần áo kaki sẫm màu rộng thênh không giấu nổi vóc dáng hao gầy, bà nói: “15 năm rồi từ khi câu lạc bộ này thành lập. Mấy hôm trái gió trở trời, tui vẫn kêu xích lô tới ngồi nghe mấy đứa hát cho đỡ buồn. Bữa nào bị đau thì không cất giọng nổi”. Đến câu lạc bộ, bà vẫn vừa ca vừa cầm phách. Thi thoảng ca xong một bài bà lại ngưng để nhắc học trò, giọng ngắt quãng: “Khó nhất và quan trọng nhất là lấy hơi. Ca Huế có hơi xuân, hơi ai, hơi oán, hơi thiền và hơi dựng. Hơi ai diễn tả nỗi buồn, sự tiếc nuối, mất mát nên giọng ca phải chậm rãi. Hơi xuân thì phải vui tươi, sôi nổi”. Nhìn những đôi mắt long lanh, miệng nhẩm theo làn điệu các bài ca lúc vui tươi rộn ràng, lúc trầm lắng u buồn mới thấy học trò bà Mẫn cũng mang trong mình tình yêu sâu sắc với loại hình nghệ thuật quê hương đến dường nào.

Dành trọn đời cho ca Huế ảnh 1

Dành trọn đời cho ca Huế ảnh 2

86 tuổi nhưng nghệ sĩ Minh Mẫn đều đặn đến Câu lạc bộ Ca Huế sinh hoạt cùng mọi người. Ảnh: YÊN AN

Trầm luân đời ca nữ

Những năm chiến tranh, bà Mẫn từng tham gia cách mạng và bị bắt giam. Đất nước chia cắt, gia đình ly tán tứ bề nhưng những bài ca Huế truyền cảm, sâu lắng ca ngợi tình yêu quê hương xứ sở vẫn vọng vào tâm thức mỗi người dân Huế thời đó. Tiếng hát của bà qua đài phát thanh Huế như tiếp thêm sức mạnh và tinh thần chiến đấu cho bao con người thời loạn lạc. Ca Huế lại mang trong mình những cung bậc tình cảm tinh tế nên đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự hòa mình vào từng câu, từng chữ. Ngày đó tiếng đàn bầu, đàn tranh, tiếng sanh tiền hòa điệu cùng với giọng ca trữ tình của bà Mẫn khiến ai nghe cũng cảm thấy không gian quanh mình trở nên ấm lại, mênh mang, diệu vợi.

Bà tâm sự: “Lớp trẻ bây giờ ít quan tâm đến loại hình nghệ thuật truyền thống. Một phần vì khó hát. Kỹ thuật ca càng không phải là thứ chỉ ngày một ngày hai mà có được. Chỉ ai thực sự có tâm huyết mới thành công thôi”. Thói quen hằng tuần đến sinh hoạt tại Câu lạc bộ Ca Huế và đứng lớp ca Huế cho trẻ mồ côi cùng bạn ca là nghệ sĩ Thanh Hương như niềm vui nhỏ nhoi cuối cùng của cuộc đời bà Mẫn. Hai người bạn già cùng chung nỗi niềm muốn lưu giữ giá trị của loại hình âm nhạc truyền thống quê hương, vẫn từng ngày từng giờ không thôi trăn trở.

Trong lòng bà Mẫn, nỗi đau về cái chết của người con trai khi chỉ mới một tuổi thi thoảng vẫn nhức nhối. Nỗi đau đó từng khiến bà suy sụp một thời gian dài. Bây giờ, bể khổ, trắng đen cuộc đời đều đã đi xa. Chỉ duy nhất niềm đam mê với ca Huế vẫn trụ lại và chưa bao giờ vơi cạn. Người chồng quá cố của bà - nghệ sĩ Cao Hữu On cũng là một người chơi đàn tài hoa, đã luôn bên cạnh ủng hộ bạn đời trong sự nghiệp đàn ca xướng hát.

70 năm ca Huế của bà Mẫn là một quãng đường dài, có mồ hôi, nước mắt và cả roi vọt của những ngày thơ ấu trốn cha đi học ca. Tấm bằng khen với danh hiệu Nghệ nhân dân gian Huế được phong tặng năm 2008 dường như chưa thể nói hết được tình yêu và niềm đam mê gắn bó với nghiệp cầm ca gần trọn đời người của nghệ sĩ Minh Mẫn.

Ở ngưỡng cửa gần đất xa trời, nghệ sĩ Minh Mẫn vẫn mê say những làn ca cổ trữ tình, mượt mà đậm chất Huế. Tiếng hát cao vút của bà vẫn thánh thót ngân như tiếng lòng của cô hàng xén năm nao:

Một bóng về khuya/ Em âm thầm

Đường xa đơn độc/ Cây rơi lá vô tình

Vàng phai cô tịch

Đàn ai nhịp

Tình tang...

Em âm thầm giữa canh khuya

Biết ai thầm đưa

Nhịp đời em xanh bước xuân thì...

(Lời ca trong bài Lẻ bóng của nhà thơ Võ Quê)

Ca Huế lúc đầu chỉ là thể loại ca nhạc thính phòng, hình thành đầu thế kỷ XIX dưới triều các vua Nguyễn, phục vụ trong cung đình. Đời vua Tự Đức (1848-1883), ca Huế phát triển đến đỉnh cao, được truyền bá rộng trong dân gian, được nhân dân bổ sung những điệu hò, điệu lý... Ca Huế từ đó được sân khấu hóa như các loại hình sân khấu khác. Thưởng thức ca Huế, người nghe cảm nhận được sự đan xen nhuần nhuyễn giữa dòng ca nhạc cung đình và dân ca miền Trung.

Theo nguồn sử liệu khác tên gọi ca Huế xuất hiện từ năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Tần chọn vùng Thừa Thiên làm kinh đô Huế. Nghệ thuật trong ca Huế vừa nhẹ nhàng vừa trau chuốt lại pha một chút phong lưu đài các. Khởi thủy, ca Huế vốn dựa trên một số bài tế nhạc trong cung đình và một số sáng tác mới của các ông hoàng bà chúa, được thể hiện ở hệ nhạc khí dùng để đệm và diễn tấu, gồm có song tấu (đàn nguyệt, đàn tranh), tam tấu (đàn nguyệt, đàn tranh và đàn tỳ bà) hay ngũ tuyệt (đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn tam thập lục và đàn bầu). Đại bộ phận nhạc khí dùng trong ca nhạc Huế là nhạc cụ dây, mà nổi hơn hết là đàn tranh. Theo GS Trần Văn Khê: “Ca Huế luôn luôn phải có ca. Người biểu diễn vừa ngồi ca vừa gõ hai miếng gỗ (gọi là cái sanh) vào nhau. Bài bản trong ca Huế được chia theo hai hệ thống thang âm điệu thức; một là điệu Bắc (dạo khách) dùng cho những bản vui tươi, có khi trang nghiêm và một loại là điệu Nam có âm điệu buồn man mác. Nhưng khác với các loại ca nhạc miền Bắc mà phần lớn bắt đầu từ ca khúc không có nhạc khí đệm, ở ca Huế hai yếu tố thanh nhạc và khí nhạc phát triển đồng đều”.

(Theo hocvienamnhachue.vn)

YÊN AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm