Dẫn rừng ra biển

Tại vùng đất tận cùng Tổ quốc - mũi Cà Mau, người ta từng đo được rừng lấn ra biển đến 80 m/năm. Thế nhưng những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, Cà Mau đứng trước vấn nạn mất đất liên tục do sạt lở diễn ra khắp nơi.

Mất gần 1.000 ha đất/năm

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt với chiều dài 8.000 km, bờ biển dài 254 km, nạn sạt lở đã làm diện tích đất của tỉnh Cà Mau mất đi khoảng 927 ha/năm.

Điều đáng ngại là diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp khó lường. Nhiều vụ sạt lở bờ sông đã gây chết người như vụ sạt lở tại huyện Năm Căn năm 2007 làm chết ba em bé, sạt lở bờ biển đe dọa đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, bờ biển tây tỉnh này trước đây có cánh rừng phòng hộ ngoài đê dày đến 500 m nhưng đến nay chỉ còn từ 30 đến 80 m, nhiều đoạn đã bị mất sạch rừng phòng hộ, thân đê sạt lở. Phía bờ biển đông Cà Mau, nơi chưa có đê biển, tình trạng sạt lở càng đáng báo động hơn.

Theo Sở NN&PTNT, có những nơi như cửa Kinh Năm Ô Rô (huyện Ngọc Hiển) bị sạt lở sâu khoảng 400 m trong vòng năm năm.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Năm 2009 và 2010, tỉnh phải liên tục thông báo tình trạng khẩn cấp hộ đê Tây. Tại đoạn đê qua địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh, năm 2010 sạt lở trầm trọng, chỉ còn 1 m nữa là vỡ đê. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ phá hủy một vùng sản xuất vài trăm ngàn hecta đất nông nghiệp của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Những điểm nóng khác là bãi Khai Long, mũi Cà Mau và cửa Gành Hào thuộc xã Tân Thuận, Đầm Dơi, tình hình cũng rất nguy cấp”. Nguyên nhân chính dẫn đến là do sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao tạo điều kiện cho sóng biển xâm thực.

Dẫn rừng ra biển ảnh 1

Bờ kè ly tâm thí nghiệm tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh đã cho hiệu quả, tạo bãi gây rừng. Ảnh: TRẦN VŨ

Để chống lại nạn sạt lở bờ sông, bờ biển, người dân và chính quyền Cà Mau từng tốn biết bao tiền của, công sức. Nhiều biện pháp đã được áp dụng nhưng đa phần đều chỉ là những phương cách tạm thời. Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, kể: “Mùa mưa bão năm 2009, đoạn đê biển qua cống Lung Ranh xã Khánh Tiến, huyện U Minh có nguy cơ vỡ, tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp, các lực lượng hộ đê ngày đêm túc trực. Tại đây, chúng tôi đã phải thực hiện đến ba công trình bảo vệ đê, gồm chống lở bằng cừ tràm, cừ bản nhựa và rọ đá. Tuy nhiên, mỗi loại kè chỉ chịu đựng được một mùa, có khi chỉ vài tháng”.

Khó ló khôn

Quá trình chống chọi với nạn sạt lở đê biển đã giúp cho Cà Mau tìm được một phương pháp hữu hiệu chống lại nạn sạt lở một cách bền vững. Đó là “kè ly tâm chắn sóng tạo bãi gây rừng”.

Ông Nam nói tiếp: “Phương pháp này được tạo ra từ sự mày mò trong thực tiễn và từ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Trước đây chúng tôi cũng đã đi học tập kinh nghiệm nhiều nơi nhưng đặc thù của vùng đất này rất khác biệt nên những phương pháp học được đều rất khó áp dụng”. Hai phương pháp kè rọ đá và cừ bản nhựa được đưa vào thử nghiệm đã thể hiện nhiều khuyết điểm. Kè rọ đá chỉ có thể chịu đựng được chừng ba mùa mưa bão thì rã ra vì dây rọ bị đứt. Người ta từng nghĩ rằng khi dây rọ bị đứt có thể kết lại nhưng thực tế sau ba năm nằm dưới biển, những tảng đá bị cao hàu bám dày đặc, rất khó tách ra để tái sử dụng, một phần lún sâu xuống lòng phù sa. Còn cừ bản nhựa không thể chịu nổi với sóng gió vùng cuối trời này.

Phương pháp mới đã được thí nghiệm vào năm 2010, với 300 m cừ ly tâm chắn sóng gây rừng, triển khai ngay tại đoạn đê nguy cấp nhất, thuộc địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Sau một năm chắn sóng, đoạn cừ ly tâm này đã tạo ra một bãi đất phù sa trù phú, những cây mắm lấn biển đầu tiên đã xuất hiện.

Dẫn rừng ra biển ảnh 2

Khu vực điểm nóng sạt lở mũi Cà Mau đã được bảo vệ bằng kè ly tâm chắn sóng tạo bãi. Ảnh: TRẦN VŨ

Ông Nguyễn Văn Lũy, người dân sống trong đê, phía trong đoạn kè mới mẻ này vui mừng kể: “Sau khi có kè ly tâm, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn. Ngoài biển sóng gió cỡ nào cũng không vượt qua được cái kè kiên cố đó. Một điều rất hay là kè chắn được sóng nhưng nước biển vẫn lên xuống bình thường, phù sa vẫn vào mé rừng tạo bãi. Nếu tiếp tục áp dụng phương cách này thì vài năm nữa sẽ có cánh rừng mới mọc lên, đê sẽ được an toàn”. Ông Lũy hứng thú dẫn chúng tôi đi dọc trên bờ kè ly tâm và phân tích thêm những điều thú vị: “Sau khi cánh rừng lấn tới đây, người ta sẽ nhổ kè này lên dời xa ra ngoài nữa. Và cứ như vậy, cánh rừng sẽ được dẫn đi hoài ra biển”.

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã có bước sơ kết về hiệu quả của phương pháp “kè ly tâm chắn sóng, tạo bãi gây rừng”. Sở khẳng định đây là một phương pháp đem đến hiệu quả bền vững nhất trong cuộc chiến chống sạt lở trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Tháng 7-2011, GS-TS khoa học Nguyễn Ngọc Trân, Chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách Khoa học Công nghệ Quốc gia, thành viên Ban Chỉ đạo Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long, đã đến làm việc tại Cà Mau. Ông đã khảo sát và đánh giá cao công trình “kè ly tâm chắn sóng, tạo bãi gây rừng” của Cà Mau. GS Trân khẳng định đây là “giải pháp tốt nhất, tối ưu nhất trong việc chống nạn sạt lở đê biển, khôi phục, phát triển vành đai rừng phòng hộ ven biển”.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi đang kỳ vọng dẫn rừng ra biển bằng kè ly tâm chắn sóng. Chúng tôi không dám nói là sẽ tạo ra những vùng đất mới cho lãnh thổ chúng ta nhưng ít nhất chúng tôi sẽ có một lá chắn an toàn bằng rừng, đủ sức đối phó lại với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Tuy nhiên, hy vọng dẫn rừng lấn biển của Cà Mau đang gặp khó về vốn. Ông Dũng băn khoăn: “Biến đổi khí hậu không chờ đợi ai, trong khi tỉnh thì không đủ sức. Chúng tôi đang hy vọng sự trợ giúp từ Chính phủ!”.

Cà Mau đang triển khai ba công trình kè ly tâm chắn sóng tại U Minh, Ngọc Hiển và Đầm Dơi. Tuy nhiên, do không có nguồn vốn nên chỉ triển khai được tại những điểm nóng sạt lở bằng nguồn vốn dự phòng thiên tai. Ông Trần Quốc Nam, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, phân tích: “Đầu tư kè ly tâm chắn sóng tốn khoảng 40 triệu đồng/ m tới, gấp đôi so với kè rọ đá. Nhưng kè ly tâm có thể sử dụng nhiều lần. Theo tính toán, mỗi lần di dời kè ra xa hơn, tỉ lệ hư hỏng và chi phí dời chỉ bằng 30% so với đầu tư mới”.

Dẫn rừng ra biển ảnh 3

Phương pháp chống sạt lở dùng “kè ly tâm chắn sóng, tạo bãi, gây rừng” sử dụng cọc cừ bê tông ly tâm dự ứng lực (cắm sâu xuống lòng đất từ 5 đến 7 m thành hai hàng song song. Đầu cọc được kết lại bằng bê tông để giữ chặt thành một khối liên hoàn. Giữa hai hàng cọc thả đầy đá tảng. Với phương pháp này, hàng cừ có tác dụng chắn được sóng biển nhưng không làm ảnh hưởng đến thủy triều, dòng chảy, phù sa vẫn trôi được vào bờ tạo bãi. Theo tài liệu về cọc cừ bê tông ly tâm thì đây là loại cừ tròn có sức chịu lực, chống thấm rất cao, thích hợp với vùng ven biển, nước mặn, tuổi thọ cao hơn nhiều so với các loại cọc bê tông thông thường.

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm