“Đại gia” cây cảnh đồng bằng

Trên quốc lộ 57 từ huyện Mỏ Cày Bắc đến Chợ Lách (Bến Tre), qua đoạn xã Hưng Khánh Trung B, người ta bắt gặp khá nhiều cơ sở sản xuất cây cảnh, kiểng hình ở hai bên đường. Trong đó, cơ sở sản xuất cây cảnh, kiểng hình Năm Công là nổi bật hơn cả. Nó nổi bật không chỉ vì thanh danh của Năm Công đã và đang bay xa, mà còn nằm ở quy mô sản xuất lớn nhất, đa dạng và độc đáo nhất trong vùng.

“Đại gia” cây cảnh đồng bằng ảnh 1

Ông Năm Công bên sản phẩm nhà dài cây cảnh. Ảnh: PLHH

Mê tạo kiểng thú từ cây cảnh

Ông Năm Công tên thật là Nguyễn Văn Công, quê gốc ở xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách, Bến Tre). Ông sinh năm 1947 trong một gia đình khó khăn với 12 anh chị em. Vì hoàn cảnh gia đình nên mới chỉ học đến lớp 3 trường làng thì ông nghỉ học.

Vùng đất Vĩnh Thành (Cái Mơn) từ lâu nổi tiếng với nghề trồng hoa kiểng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Năm Công đến với nghề truyền thống này. Khi vừa trưởng thành, ông bắt đầu mê cây kiểng nhưng chỉ thực sự bước vào nghề này từ sau năm 1975.

Trước năm 1980, gia đình ông Năm Công làm kiểng tắc, bán rất chạy vào dịp tết hằng năm. Kế đến, ông làm kiểng thú. Cứ 12 con giáp, năm con nào thì ông làm hình con đó. Bây giờ, cơ sở sản xuất cây cảnh, kiểng hình nằm sát quốc lộ 57 của ông Năm Công đã phủ toàn màu xanh. Các loại hình cây cảnh đang chờ xuất đã bao lấy hết ngôi nhà khang trang của ông.

“Đại gia” cây cảnh đồng bằng ảnh 2

Sản phẩm ngôi nhà cây cảnh lục giác. Ảnh: PLHH

Trong nhà, tiếng chuông điện thoại của khách hàng chốc chốc reo vang. Ngoài sân vườn, từ sáng sớm cho đến chiều tà, hơn 15 nghệ nhân say sưa sáng tạo cùng cây cảnh. Mỗi nhóm vài người, họ làm các công đoạn công phu khác nhau như chọn nguyên liệu, ghép cây nguyên liệu vào các giỏ và tạo dáng cho cây cảnh. Còn ông Năm Công thì bao giờ cũng lúi húi ngoài vườn. Ông đi chân đất, mặc quần đùi, trán nhễ nhại mồ hôi, say sưa bên những tác phẩm cây cảnh do chính mình tạo hình. Ông cũng không rảnh để mang theo chiếc điện thoại di động bên người. Khách hàng cần liên hệ, vợ con ông lại đem chiếc di động ra vườn cho ông tiếp chuyện.

Kiểng thú phải làm bằng nguyên liệu cây cườm rượm, cằng thăng hoặc mai chiếu thủy. Nếu tạo hình có quy mô lớn thì các nguyên liệu này cũng khó thực hiện. Mặt khác, người chơi cũng rất khó chăm sóc sao cho kiểng thú có sức sống lâu dài. Nguyên liệu dùng để làm kiểng thú ngày một ít dần, khó sản xuất được số nhiều với giá thành mà người mua có thể chấp nhận nên kiểng thú bớt thịnh hành. “Thế là tôi chuyển sang làm cây cảnh, kiểng hình từ nguyên liệu cây si. Cây si dễ trồng, cây phát triển nhanh, có sức sống mạnh mẽ và dễ tạo dáng” - ông Năm Công chia sẻ.

“Đại gia” cây cảnh đồng bằng ảnh 3

Kiểng hình thú của Cơ sở Năm Công. Ảnh: PLHH

Chinh phục khách hàng

Phát triển nghề nghiệp, ông Năm Công đã tạo được mảnh đất rộng khoảng 2 ha để trồng nguyên liệu cây si cho cơ sở của mình. Những năm gần đây, khách hàng đặt hàng cây cảnh tăng cao nên Năm Công không có đủ cây nguyên liệu để sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ông đã hợp đồng thêm với nhiều “vệ tinh” tại Chợ Lách để sản xuất và cung cấp nguyên liệu cây si cho cơ sở ông. Đây cũng là hướng mới tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều bà con làm vườn tại địa phương.

Cây si nguyên liệu sau ba năm trồng sẽ cao 5-6 m. Bấy giờ, Năm Công mới sử dụng, đưa vào tạo dáng, tạo cảnh. Thoạt tiên, các nghệ nhân khấc (cắt) từng cây si nguyên liệu rồi bó rễ với mụn dừa tươi, không để lâu quá bốn ngày. Khi rễ ra chừng một tháng, họ đưa cây xuống các giỏ đất, trộn với phân mụn dừa tươi. Cây si được cột gốc, tạo dáng theo mô hình cây cảnh, kiểng hình do nghệ nhân muốn. Cây si mau lấy lại sức, rễ phát triển khá nhanh nên chỉ tiếp tục chăm sóc chừng hai tuần lễ là đã có thể xuất bán. Việc sử dụng mụn dừa cho sản xuất cây cảnh cũng góp phần tận dụng tối đa nguồn thứ phẩm dôi ra rất lớn từ trái dừa ở Bến Tre. Mụn dừa gây ô nhiễm môi trường bị bỏ đi trước đây lại là nguồn phân rất tốt để bó rễ, trồng cây cảnh. Đó cũng là phát hiện độc đáo của Năm Công.

“Đại gia” cây cảnh đồng bằng ảnh 4

Kiểng hình rồng dài 55 m của Cơ sở Năm Công. Ảnh: PLHH

10 năm sản xuất cây cảnh, kiểng hình tích lũy cho Năm Công nhiều kinh nghiệm trong sáng tạo ra những mô hình độc đáo, hợp thời thượng. Cây cảnh, kiểng hình của Năm Công xuất hiện tại nhiều lễ hội, khu du lịch, các công trình công viên, bảo tàng, các resort, nhà hàng sân vườn… Đó là những ngôi nhà cây cảnh xanh tươi hình lục giác với cành lá cây si uốn lượn, tỉ mỉ (cao 4-5 m, đường kính 3,5 m), nhà bát giác (cao 4-5 m, đường kính 3,5 m), nhà dài (ngang 3 m, dài 100 m, độ dài tùy theo khách hàng đặt), nhà hai nóc…
Kiểng hình rồng bằng nguyên liệu cây si của Năm Công cũng được nhiều công ty, đơn vị trong ngoài tỉnh ưa thích, đặt hàng. Trong năm 2009, cơ sở Năm Công đã xuất bán cặp rồng dài 45 m đến tỉnh Vĩnh Phúc với giá 80 triệu đồng, xuất bán đến tỉnh Bạc Liêu cặp rồng dài 45 m với giá 80 triệu đồng… Thân rồng quá dài nên khi chuyển đi, người ta phải chở bằng xe tải hoặc bằng tàu rồi ráp lại.

Cuối năm 2009, cơ sở Năm Công đã xuất bán cặp rồng dài nhất từ trước đến nay cho một công ty ở Đà Lạt. Cặp rồng này dài 55 m, giá 90 triệu đồng. Sau khi tham gia Festival hoa Đà Lạt, công ty đặt mua cặp rồng này đã tặng chúng để trưng bày tại lễ hội 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

“Đại gia” cây cảnh đồng bằng ảnh 5

Tuyển chọn nguyên liệu cây si để sản xuất nhà cây cảnh. Ảnh: PLHH

Ngoài kiểng hình rồng, cơ sở Năm Công còn làm kiểng hình cọp, trâu, gà, chó… và làm kiểng hình thú theo ý thích của khách hàng. Năm 2009, theo đặt hàng của người cô, Năm Công còn cho cây kiểng cảnh của mình xuất ngoại sang Singapore để tham gia lễ hội hoa kiểng tổ chức hồi tháng 8-2009. Đó là cặp kiểng hình sư tử - con vật thiêng biểu tượng cho đảo quốc Singapore, và cặp cọp, cặp trâu, chó, gà cùng ngôi nhà cây cảnh lục giác. Người cô còn rước ông cùng con trai ông sang Singapore 10 ngày để chăm sóc các sản phẩm vừa xuất. Dịp này, ông đã giới thiệu với khách nước ngoài các sản phẩm của cây cảnh, kiểng hình đến từ miệt đồng bằng miền Nam Việt Nam.

“Đại gia” cây cảnh đồng bằng ảnh 6

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Cơ sở sản xuất cây cảnh Năm Công. Ảnh: PLHH

Cần nhân rộng mô hình sản xuất

Cuối tháng 7-2009, trong chuyến thăm và làm việc tại Bến Tre, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dành thời gian đến thăm Cơ sở sản xuất cây cảnh Năm Công. Ngồi uống trà với Năm Công dưới ngôi nhà cây cảnh lục giác, Chủ tịch nước đánh giá cao về nghề sản xuất cây cảnh thời thượng của Năm Công. Chủ tịch nước cho rằng đây là mô hình sản xuất lớn, sáng tạo, rất hợp với không gian xã hội phát triển. Đồng thời, mô hình này còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cũng như nâng cao tay nghề “đặc biệt” cho bà con nhà vườn tại địa phương. Vì vậy, mô hình này cần được địa phương quan tâm và nhân rộng.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm