Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 3: Còn đâu “tiếng gọi nơi hoang dã”?

Đứng nhìn hàng chục con gấu đang tự tìm thức ăn trong khu bán hoang dã, anh Dương Duy Cường, cán bộ phụ trách Trung tâm cứu hộ gấu Cát Tiên, thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, không khỏi chạnh lòng: “Những con gấu này đang trong giai đoạn phục hồi bản năng hoang dã. Chúng được huấn luyện các kỹ năng bảo vệ bản thân, tự kiếm ăn, ghép bầy… để thích nghi với môi trường sau này. Hiện một số con đã có thể tự sống ngoài tự nhiên nhưng trung tâm không biết thả chúng về đâu. Bây giờ cánh rừng nào cũng là nơi nguy hiểm, không chỉ cho riêng loài gấu…”.

Dấu tích đáng sợ của con người

Anh Trần Văn Quản là một trong những người có gần 10 năm gắn bó với Trung tâm cứu hộ gấu Cát Tiên. Hằng ngày anh dậy từ mờ sáng để chuẩn bị thức ăn, sau đó cho gấu ăn rồi vệ sinh chuồng trại. Công việc tất bật từ sáng cho đến tối. Vì vậy tính nết, thói quen cũng như những thói hư tật xấu của từng con gấu anh đều biết rõ như lòng bàn tay. Anh Quản kể: “Con SunShine từ tốn, chậm chạp trong khi ăn cũng như lúc vui đùa nên phải cho nó ăn sớm hơn các con khác. Riêng con Hope và Hy Vọng bị mất một cánh tay nên chúng rất khó tính và lười di chuyển. Mỗi lần cho ăn phải dỗ dành, nuông chiều, không thì nó quậy phá, la lối và cào cấu tay như chơi”.

Trong số các con gấu đang được cứu hộ tại trung tâm, Hope và Hy Vọng là hai chú gấu đáng thương nên dành được nhiều sự quan tâm của các nhân viên nhất. Hope khi vào trung tâm đã bị mất một cánh tay do dính phải bẫy của phường săn bắt. Sau đó, chú lại bị người ta nuôi nhốt một thời gian dài để lấy mật nên sức khỏe rất yếu. Khi về trung tâm, chú chỉ nằm một chỗ, thân thể mang rất nhiều bệnh, mắt mờ, da lở loét… Hiện thể trạng của Hope đã dần hồi phục, di chuyển nhanh nhẹn hơn.

Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 3: Còn đâu “tiếng gọi nơi hoang dã”? ảnh 1

Những chú gấu đang rong chơi tại khu bán hoang dã. Ảnh: DUY CƯỜNG

Còn Hy Vọng là tên mà anh Dương Duy Cường đặt cho chú gấu khác khi mới tiếp nhận về trung tâm. Khi đó một bàn tay trước của Hy vọng bị bầm dập nên phải huy động một ê-kíp phẫu thuật cắt bỏ phần tay. “Phẫu thuật xong, ai nấy cũng mệt rã rời nhưng ai cũng hy vọng vết thương sẽ lành và không để lại biến chứng. Một anh trong ê-kíp bỗng thốt lên: “Hy vọng nó không sao”. Thế là cái tên Hy Vọng của nó bắt đầu từ đó” - anh Cường kể.

Có chứng kiến cảnh các nhân viên chăm sóc thú mới thấy hết được sự khó nhọc và gian truân. Từ 4 giờ sáng, anh Quản phải dậy để lo bữa ăn cho 42 con gấu. Xong, anh lại nấu cháo để chuẩn bị bữa trưa cho chúng tiếp… Tranh thủ lúc gấu đang ăn, anh và các nhân viên đem thêm thức ăn giấu ở các nơi trong khu bán hoang dã để khi thả chúng đến đấy rong chơi, chúng có thể tự tìm kiếm thức ăn. Đây là khâu quan trọng trong quá trình phục hồi bản năng hoang dã để sau này, khi được thả về rừng, chúng có thể tự tìm kiếm thức ăn và thích nghi với môi trường sống.

Nơi nào cũng nguy hiểm

Đa phần số gấu ở trung tâm này trước đây từng bị nuôi nhốt để lấy mật, từng bị con người hành hạ dã man nên khi mới về trung tâm chúng thường tỏ ra giận giữ, gầm rú khi thấy có người đến gần. Có nhân viên khi vừa đưa thức ăn vào chuồng đã bị chúng cào cấu, sẵn sàng tấn công. “Những lúc như vậy chúng tôi phải dùng những cử chỉ yêu thương để “cảm hóa” và giúp chúng vượt qua giai đoạn tâm lý khó khăn. Sau một thời gian dài được chăm sóc, dường như chúng cũng cảm nhận được sự an toàn và tình cảm yêu thương của các nhân viên ở đây nên chúng dần tỏ ra thân thiện, ngoan ngoãn. Những nàng gấu dần dần tỏ ra dịu dàng và điệu đàng ra phết, còn các anh gấu cũng vạm vỡ và đằm tính hơn nhiều” - anh Quản cười dí dỏm.

Cứu hộ động vật hoang dã - Bài 3: Còn đâu “tiếng gọi nơi hoang dã”? ảnh 2

Những hôm thú bị thương, các nhân viên tại Trung tâm Cứu hộ gấu Cát Tiên phải thức suốt đêm để chăm sóc y tế. Ảnh: DUY CƯỜNG

Theo quy trình cứu hộ, khi gấu đã tự tìm kiếm thức ăn thì trung tâm sẽ bắt đầu cho chúng nhập bầy. Thường thì gấu sống từng đôi với nhau. Có thể là hai con đực hoặc hai con cái kết với nhau thành cặp, hoặc cũng có thể cho một con đực một con cái “tái hợp” thành đôi. Các nhân viên cho biết có vài trường hợp gấu cái sinh con, do thấy bóng người, sợ gặp nguy hiểm nên chúng bèn… ăn thịt phức luôn gấu con. Thành ra trung tâm phải ghép hai con đực hoặc hai con cái với nhau để chúng khỏi thụ thai và sinh con.

Khi mới ghép bầy, nhiều con gấu không hợp tính nết nên đâm ra cắn xé, đuổi đánh nhau đến rách cả miệng. “Tội nghiệp nhất là chuyện chú gấu đực không hiểu cơ sự thế nào tự nhiên lại lấy tay cào cấu “của quý” của mình, lôi cả hòn bi ra ngoài. Anh em phải phẫu thuật để cắt bỏ hòn bi và khâu vết thương. Từ đó về sau gấu ta sống đời “hoạn quan”. Có lẽ do cu cậu đang tuổi sung sức “chuyện ấy” nhưng lại bị “cấm vận” nên đâm ra bứt rứt, khó chịu mà làm càn, “bỏ quách đi cho rồi” chăng?” - anh Cường phỏng đoán.

Đưa chúng tôi đi thăm khu bán hoang dã tại trung tâm, anh Cường cho biết: “Hằng ngày chúng tôi cho gấu ra khu bán hoang dã để chúng đánh hơi và tìm kiếm thức ăn. Mặt khác, giúp chúng di chuyển, leo trèo để tạo cảm giác như đang ở trong rừng. Việc này giúp khơi gợi bản năng tự nhiên và quên đi những tập tính bị con người thuần dưỡng khi nuôi nhốt. Dần dần chúng sẽ lấy lại bản năng hoang dã để thích ứng khi được thả về rừng”.

Nói đến đây, giọng anh Cường chùng xuống. Anh nói giờ không thể tìm đâu ra nơi an toàn để thả chúng về với môi trường hoang dã. “Chúng tôi từng khảo sát tất cả các cánh rừng Cát Tiên và phát hiện một số nơi có dấu vết của loài gấu cùng họ với số gấu đang được chăm sóc ở đây. Về mặt tự nhiên, Cát Tiên là nơi gấu có thể sống được. Nhưng gần đây dấu tích của gấu tại khu vực này không còn nữa. Điều này cho thấy loài gấu đang bị săn bắt và truy lùng ráo riết. Phóng thích những cá thể gấu đang cứu hộ tại đây trong hoàn cảnh này chẳng khác nào đưa chúng vào chỗ chết. Vì vậy chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc cứu hộ nhân đạo, còn thả về tự nhiên thì… chưa biết đến bao giờ!” - anh Cường buồn bã nói.

Dấu hiệu tích cực

Khu bán hoang dã dành cho gấu được đưa vào chương trình tham quan du lịch của Vườn quốc gia Cát Tiên nên có rất nhiều khách đến tham quan. Có người sau khi tham quan đã đến liên hệ trung tâm để… giao nộp gấu mà mình từng nuôi nhốt lấy mật. Gần đây nhất có một cơ sở du lịch ở Đồng Nai đã chuyển giao năm con gấu cho trung tâm và một người đàn ông ở Vĩnh Long cũng bàn giao ba con gấu để trung tâm chăm sóc.

Anh Dương Duy Cường, cán bộ trung tâm, nói: “Đây là một dấu hiệu tích cực. Điều này cho thấy người dân đã dần ý thức được vấn đề bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm cũng như bảo vệ môi trường. Mong sao có thêm nhiều người dân cùng đồng hành với chúng tôi trong việc cứu hộ gấu. Theo tôi được biết thì hiện ở Việt Nam vẫn còn hơn 3.000 cá thể gấu được nuôi nhốt để lấy mật. Trong khi đó số gấu ngoài tự nhiên thì đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng”.

HUYỀN VI

Kỳ tới: Ông trùm chứng khoán và tổ chức WAR

Chuyện về một ông Tây “trùm” trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đứng ra sáng lập và tài trợ kinh phí cho Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) chuyên cứu hộ thú hoang dã.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm