Cuộc chiến kim tiêm

Nhìn những bộ kim tiêm và nước cất còn nguyên bao bì, Thiện, một thiếu niên 15 tuổi theo bạn bè ra đây đá bóng, tròn mắt ngạc nhiên. Các em cho biết “thường xuyên gặp mấy anh vào đây chích thuốc”, nhưng chưa hề thấy chuyện lạ đời là có người tới tiếp tế bơm kim tiêm (BKT).

Bùi Thị Minh Thu, giám sát viên của chương trình phát BKT sạch cho người nghiện, nhẹ nhàng giải thích cho Thiện và mấy người bạn: “Bọn chị đến đây thu gom những BKT bẩn về tiêu hủy và gửi BKT sạch để các anh ấy bớt lây bệnh cho nhau”.

“Tặng quà” cho người nghiện

Chiều nay tại nghĩa trang Gò Dưa (quận Thủ Đức, TP.HCM), Minh Thu cùng các anh T. và L. trong nhóm đồng đẳng thuộc khoa tham vấn và hỗ trợ cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức) thu tới 16 hộp BKT bẩn. Hai anh T. và L. đeo găng tay, cần mẫn dùng những kẹp sắt lôi hết những BKT bẩn cho vào một hộp nhỏ bằng nhựa màu vàng bên ngoài có đề dòng chữ “Nguy hiểm”.

Lâu lâu anh L. lại kêu lên: “Cái này là của tụi mình nè!” khi nhìn thấy những kim tiêm do các anh để lại đây từ lần trước. Cả một vườn cây rộng lớn bao quanh nghĩa trang vương vãi đầy kim tiêm và mất hơn 30 phút hai anh mới thu nhặt xong.

Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM dự kiến trong năm 2010 toàn thành phố sẽ phát ra khoảng 2,5 triệu BKT sạch cho người nghiện. Đây là chương trình lớn nhất từ trước tới nay do Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế tài trợ, trong đó có một phần là ngân sách nhà nước.

Ông Voòng, một người dân ở đây, giơ hai tay lên trời ngao ngán: “Tất cả cây ở đây bị sida hết rồi vì chỗ nào cũng có kim tiêm chích vào hết trọi. Tụi nó vào đây nhanh lắm. Có đứa tới tựa tay lên gốc cây, chích thuốc trong nháy mắt và biến đi như bóng ma vậy”. Dân địa phương thì “bó tay” chỉ biết cười với đám nghiện: “Tụi bây chích xong nhớ gom kim tiêm vào cho gọn chớ để bà con đi làm đạp phải tội nghiệp”.

Khác với nghĩa trang Gò Dưa, tại con đường nhỏ vắng người phía sau nghĩa trang thành phố (quận Thủ Đức) mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Kim tiêm vương vãi khắp nơi, cắm đầy trên những gốc cây trong một diện tích chừng vài chục mét vuông. Tuy nhiên nhóm đồng đẳng vẫn bình thản bước vào. Chỉ sau hơn 10 phút, họ đã thu được sáu hộp như thế, tính ra có khoảng 350 bộ BKT bẩn do người nghiện bỏ lại sau khi chích thuốc (tùy kích thước xilanh mà mỗi hộp đựng 50-70 cái)...

Chiều nay nhóm đồng đẳng để lại Gò Dưa 200 bộ kim tiêm và nước cất, phía sau nghĩa trang thành phố 100 bộ. Minh Thu còn cẩn thận đặt hộp giấy và bao bì gần đó để người nghiện biết rằng đây là chương trình “Can thiệp giảm tác hại và giáo dục đồng đẳng” do Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM thực hiện.

Quận Thủ Đức là một trong những điểm nóng thực hiện chương trình này. Hiện có hơn mười điểm đặt BKT cho người nghiện tại những tụ điểm tiêm chích. Cứ vào chiều thứ hai và thứ sáu hằng tuần, các nhóm đồng đẳng lại lên đường. Có những tụ điểm khiến nhóm đồng đẳng mệt nhoài vì thu nhặt tới 25 hộp kim tiêm (tức gần 2.000 cái), như lần ở nghĩa trang Triều Châu mới đây.

Việc thu nhặt chỉ bằng những dụng cụ thô sơ: khẩu trang, kẹp gắp và một đôi găng tay bằng len mong manh, nên mỗi người phải hết sức cẩn thận để tránh bị phơi nhiễm, nhất là khi cho kim tiêm vào hộp.

Kim tiêm bẩn dính đầy gốc cây phía sau nghĩa trang thành phố - Ảnh: V.T.B.

Kim tiêm bẩn dính đầy gốc cây phía sau nghĩa trang thành phố - Ảnh: V.T.B.

Chích 30 mũi/tuần

Cũng có những người nghiện nhận BKT ngay tại trung tâm y tế dự phòng của quận. Hôm chúng tôi đến, một nhóm nam thanh niên còn trẻ với nước da xám tái đặc trưng của người nghiện đã có mặt. Những BKT và nước cất được để sẵn trên một cái kệ đặt tại khoa tham vấn. Sơn, một thanh niên vừa trở về từ chương trình cai nghiện của TP.HCM vào tháng 11-2008, cho biết dùng hết 4-5 BKT/ngày.

Hùng (*) cho biết: “Tôi dùng hai cây/ngày và đến đây lấy thêm cho bạn”. Còn Tiến dùng 12-13 cây/tuần. Một người khác kinh khủng hơn: 30 cây/tuần...

Trong khi đó, một thanh niên khác tên Nghị lại nhận BKT ngay tại nhà từ tay một người đồng đẳng: “Cả nhà đã biết tôi bị nghiện rồi nên tôi chích công khai tại gia đình. Cứ gọi điện là mấy anh đồng đẳng sẽ mang kim tiêm tới”. Những thanh niên này người đang làm phụ hồ, người làm trang trí nội thất, phụ gia đình buôn bán...

Hùng nói: “Tụi này không có tiền, nhận BKT vậy cũng đỡ lắm và biết là không lây bệnh cho người khác”. Sau khi dùng xong, họ gom BKT lại một chỗ chứ không vứt lung tung như trước đây và trả lại trung tâm y tế để tiêu hủy. Hùng cho biết một bộ BKT này bán ngoài tiệm thuốc tây giá 2.000-3.000đ.

Mỗi ngày tại khoa tham vấn phát ra khoảng 100 BKT. Với những trường hợp đồng đẳng viên phát BKT tận tay cho người nghiện thì yêu cầu phát ra bao nhiêu phải thu lại chừng đấy kim bẩn. Chúng tôi hỏi: “Vậy nếu chương trình kết thúc, không tài trợ bơm tiêm nữa thì sao?”. “Thì lại bỏ tiền ra mua - Nghị nói và buông thêm một câu nghe rùng mình - Nhưng không biết khi đó tôi có còn sống không nữa”.

Tuy nhiên, không phải cứ phát BKT sạch là sẽ có người nghiện đến nhận. Bà Mai Thị Hoài Sơn, thuộc Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, cho biết hiện chỉ có 4.700-5.000 người nghiện nhận BKT sạch (trong tổng số khoảng 19.000 người nghiện đang sống tại cộng đồng trên toàn thành phố). Vì sao người nghiện lại lo ngại khi nhận BKT sạch?

Tiến giải thích: “Nhiều người vẫn sợ bị gài. Họ sợ khi đến nhận BKT tức công khai xác nhận mình là con nghiện, sẽ bị hỏi han, bị công an phường gọi lên nói chuyện, hay bị bắt đi trại cai nghiện...”. Một lý do nữa, theo bà Hoài Sơn, đó là nhiều người nghiện thích dùng BKT đỏ, tức loại khi chích không để lại sẹo, trong khi BKT được phát ra đều thuộc loại kim to.

Cũng giống như việc phát bao cao su cho gái mại dâm, những người thực hiện chương trình này tin rằng những bộ BKT sạch sẽ góp phần giảm lây lan dịch bệnh trong giới người nghiện. Theo khoa tham vấn ở Thủ Đức, số lần phát hiện dương tính với HIV từ chỗ 65-70 ca/tháng vào năm 2007, đến nay giảm xuống còn 20-25 ca/tháng. Sắp tới Thủ Đức sẽ mở thêm 12 điểm đặt BKT sạch tại các trạm y tế phường hoặc tổ dân phố.

Thu gom BKT bẩn không dễ

Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM dự kiến trong năm 2010 toàn thành phố phát ra khoảng 2,5 triệu BKT sạch cho người nghiện. Đây là chương trình lớn nhất từ trước tới nay do Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức quốc tế tài trợ, trong đó có một phần là ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, điều đáng nói là số BKT bẩn thu lại còn ít. Năm 2009 TP.HCM phát ra 130.000 BKT nhưng chỉ thu lại được 4.000 cái (chiếm 3%). Nhiều BKT bị vứt xuống kênh rạch, cống rãnh... nên khó thu gom. Trong khi đó nhiều người nghiện cho biết lúc dùng xong họ thường xả BKT bẩn xuống hầm cầu trong nhà vệ sinh luôn để che giấu việc tiêm chích vốn đang bị cả cộng đồng kỳ thị.

Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đang đẩy mạnh chương trình thu gom tiêu hủy BKT bẩn. Mọi nỗ lực, đặc biệt là của 142 người đồng đẳng, đã đem lại kết quả bước đầu. Bà Hoài Sơn, phụ trách chương trình phát BKT do WB tài trợ tại 15 quận huyện ở TP.HCM, cho biết sáu tháng đầu năm 2010 đã thu lại được 294.575 trên 646.722 BKT phát ra.

Những người thực hiện chương trình này tin rằng việc đặt BKT sạch cho người nghiện có tác dụng trực tiếp ngay tại chỗ và truyền thông lâu dài. Bởi thêm một BKT sạch là bớt đi một khả năng người nghiện dùng chung, từ đó tránh lây nhiễm HIV cho nhau.

Trước ngạc nhiên của dân địa phương ở khu Gò Dưa như ông Voòng hay em Thiện, rằng việc phát BKT có thể làm người ta nghiện nhiều hơn, Minh Thu giải thích đơn giản: “Những người nghiện thường bắt đầu bằng việc hít chứ không phải chích. Khi phải chích là họ đã bị nặng lắm rồi. Nên có thêm BKT sạch sẽ giúp họ bớt dùng chung và giảm khả năng lây bệnh cho nhau mà thôi”.

Theo VŨ THANH BÌNH (TTO)

___________

(*) Tên một số người nghiện ma túy trong bài đã được thay đổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm