Chuyện xưa chuyện nay: Trung Quốc “tịch thu” tàu thuyền của ngư dân Việt Nam?!

Vì theo Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Giáo sư Nguyễn Lân, xuất bản năm 1989 thì “Tịch thu là nói chính quyền cử người đến ghi chép và lấy hết tài sản của kẻ phạm tội nặng (tịch là sổ sách, ghi chép)”. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2000 thì “Tịch thu là (cơ quan nhà nước) tước quyền sở hữu tài sản của một người, thường là do phạm tội, sung làm của công”... Như vậy, theo tôi hiểu, “tịch thu” là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với một người khi người đó vi phạm pháp luật. Còn trường hợp ngư dân nước ta hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam bị tàu Trung Quốc vây bắt, lấy tàu cá, tài sản như báo chí đưa tin, thì tương tự như trường hợp ta đang ở trong nhà của ta hợp pháp mà có kẻ đến khống chế, lấy tài sản đi thì sao có thể gọi là... “tịch thu” được? Xin Anh Phó cho biết ý kiến...".

Chuyện xưa chuyện nay: Trung Quốc “tịch thu” tàu thuyền của ngư dân Việt Nam?! ảnh 1

Tàu đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam. Ảnh: INTERNET

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Nguyễn Văn Chí,

Đúng như bạn nói, “tịch thu” là từ Hán Việt, “tịch” là sổ sách, “thu” là thâu, lấy... Với nghĩa này, Từ điển Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế, NXB Thuận Hóa, 1999 (trang 1749) đã giải thích: “Tịch thu là biên vào sổ và lấy mất đi”. Tiếng Anh, Pháp đều viết là confiscation. Khi chuyển thành ngữ nghĩa tiếng Việt thì “tịch thu” vẫn có nghĩa đó mà cụ thể, rõ ràng hơn: Người ra lệnh tịch thu phải là nhà nước và người bị tịch thu là công dân phạm tội; tài sản bị tịch thu là của công dân phạm tội, thường là tài sản do hành vi phạm tội mà có, như các quyển từ điển mà bạn đã viện dẫn giải thích. Nói nôm na thì tịch thu là “thu gom lại và ghi vào sổ sách số tài sản của kẻ có tội để làm của công. Chữ “thu” (cũng đọc là “thâu”) là gom góp lại, đưa vào” (Tiếng nói nôm na, Lê Gia, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1999, trang 986).

Đi vào lĩnh vực khoa học, tịch thu là “tước đoạt có tính cưỡng chế và trừng phạt. Tịch thu tài sản với ý nghĩa hình phạt bổ sung là tước tài sản của người bị kết án sung quỹ nhà nước, chỉ áp dụng đối với người bị kết án và phạm tội nghiêm trọng trong những trường hợp pháp luật quy định” (Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 4, NXB Bách khoa, Hà Nội, 2005, trang 368). Trong lĩnh vực pháp luật, Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành đã định nghĩa tịch thu tài sản ở Điều 40 và 41 như sau: “Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hay hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành...” (khoản 1 Điều 41)...

Với ý nghĩa ấy, tôi đồng ý với bạn là việc phát ngôn chính thức cũng như báo chí Việt Nam không thể, không nên dùng từ “tịch thu” trong trường hợp Trung Quốc sử dụng phương tiện vũ lực tước đoạt lấy tài sản của ngư dân Việt Nam trong vùng hải phận của Việt Nam. Các từ “cướp” hay “cưỡng đoạt”, “chiếm đoạt”... mới có thể nói đúng ý nghĩa trong quan hệ này. Dùng từ “tịch thu” thì hóa ra là ngư dân Việt Nam có tội xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, có hành vi vi phạm và bị phía nhà nước Trung Quốc xử phạt.

Thành thật cảm ơn và thân chào bạn.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 170)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm