Chuyện xưa chuyện nay: “Trúc mai” và “Thanh mai trúc mã”

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Hồ Văn Nhựt,

Hầu hết các quyển từ điển hiện nay đều giải thích “trúc mai” là cây trúc và cây mai. Hai loại cây này biểu hiện cho hai loại người tốt (cây trúc không rụng lá vào mùa thu; cây mai vẫn nở hoa vào mùa đông). Học giả Đào Duy Anh dựa theo đặc tính ấy của cây trúc và cây mai mà giải thích rằng: “Người ta ví trúc mai với tiết tháo của người quân tử” (Hán-Việt từ điển giản yếu, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1957, trang 502).

Từ ý nghĩa này, sách Điển cố văn học, Đinh Gia Khánh chủ biên cùng nhiều tác giả đã giải thích: “Cây trúc, cây mai và cây tùng là ba thứ cây tượng trưng cho đức tính cao thượng, trong sạch, giữ tròn khí tiết của người quân tử; bởi vì trong ngày đông tháng giá, các loại cây khác đều rụng lá khô cằn, riêng tùng vẫn xanh, trúc vẫn tươi và mai thì lại nở hoa”.

Vì vậy, hai cây này thường được người ta trồng hay vẽ cạnh nhau. Hình ảnh này dùng để chỉ tình nghĩa gắn bó thủy chung, bền chặt, khắng khít giữa bạn bè, vợ chồng. Từ đó mới có cụm từ “trúc mai sum họp” nghĩa là đẹp đôi, nên vợ chồng xứng đáng (Từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa-Thông tin, 2005, trang 2004)... Thật ra, tôi chưa thấy sách nào nói rõ “trúc là người nam, mai là người nữ” nhưng từ ý nghĩa cụm từ “trúc mai” như nói trên mà bạn suy ra như vậy thì cũng tạm chấp nhận được.

Còn cụm từ “thanh mai trúc mã” thì tôi có đọc quyển Thành ngữ chuyện cũ, Điển tích cố sự, NXB Chiêu Dương, Sài Gòn 1972, có giải thích như vầy: Thành ngữ “thanh mai trúc mã” xuất xứ từ một bài thơ của Lý Bạch. Bài thơ này tả cảnh một đôi trai gái quen biết nhau từ nhỏ, vẫn chơi đùa với nhau từ tuổi lên chín, lên 10 và có cảm tình với nhau từ thuở đó. Trẻ con Trung Hoa thường bẻ cành trúc giả làm ngựa cỡi, do đó mới có danh từ “trúc mã”; bẻ cành mai xanh làm roi ngựa nên có danh từ “thanh mai”.

Hai câu thơ của Lý Bạch như sau:

“Lang kỵ trúc mã lai

Nhiễu sàng lộng thanh mai”

Dịch nghĩa là:

“Chàng cưỡi ngựa trúc đến

Chạy vòng quanh sân giơ cành mai xanh”

(Khi tra trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, lại thấy giải thích: “Từ ngữ “trúc mai” được dùng để chỉ tình yêu thắm thiết của đôi thanh niên nam nữ do thành ngữ: Thanh mai trúc mã (mai xanh ngựa trúc) rút ra từ bài thơ của Lý Bạch là bài Trường Can hành. Bài thơ này tả mối tình thơ ngây của chàng và nàng, cùng ngụ trong xóm Trường Can, thuở nhỏ luôn luôn nô đùa quấn quít cùng nhau bằng hai câu thơ: Lang kỵ trúc mã lai/ Nhiễu sàng lộng thanh mai (nghĩa là chàng cỡi ngựa trúc chạy đến/ chạy vòng quanh giường đùa với mai xanh). Do đó, nói “trúc mai” là chỉ tình yêu thắm thiết của đôi nam nữ”. Trong phần giải thích này, Bách khoa toàn thư mở còn nói rõ: “Đây không phải là cây mai mà người ta trồng cho trổ hoa trong dịp tết mà là loại cây cùng loại với cây táo, có hoa màu trắng hoặc hồng, kết trái có vị chua, trái chín thì màu vàng, dùng để làm xí muội hoặc ô mai” - Anh Phó).

Cho nên thành ngữ “thanh mai trúc mã” chỉ dùng để tả mối tình của đôi bạn trai gái quen biết nhau từ nhỏ, không phải là để tả tình của một đôi bạn trai. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, ta lại thấy có nhiều câu dùng đến thành ngữ này, như:

“Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai”

hay:

“Làm thân trâu ngựa, đền nghì trúc mai”

Hai câu thơ trên đây là lời của Thúy Kiều khi sắp đi theo Mã Giám Sinh, nói về mối tình của mình với Kim Trọng. Kiều và Kim Trọng chỉ mới quen biết và yêu nhau chứ không phải là bạn từ thời thơ ấu như điển tích gốc. Thi hào Tố Như dùng thành ngữ “trúc mai” để tả mối tình của Kiều với Kim Trọng e không được sát đúng nghĩa lắm.

Nói như vậy chắc bạn đã liên hệ được ý nghĩa của hai thành ngữ “trúc mai” và “thanh mai trúc mã”.

Thân chào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm