Chuyện xưa chuyện nay: Tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa

ANH PHÓ trả lời: Bạn Nguyễn Văn Hòa thân mến,

Trước hết, dựa theo căn cứ lịch sử và chủ quyền thực tế ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì hai quần đảo này là của Việt Nam từ lâu. Thỉnh thoảng triều đình Việt Nam có phái cử quan quân đến công tác nhiều ngày nhưng ít có người cư trú thường xuyên. Nhưng các nước có bờ biển tiếp giáp với biển Đông từ mấy chục năm nay đã có sự tranh giành, tranh chấp.

Cụ thể, Hoàng Sa ở phía Bắc có hơn 10 đảo, bãi ngầm trên thực tế đã có sự tranh chấp ba bên giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và hiện nay Trung Quốc đã chiếm hết toàn bộ quần đảo này. Còn Trường Sa ở về phía Nam có cả trăm đảo, đá, bãi ngầm, là nơi đang có tranh chấp giữa Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Hiện nay mỗi nước chiếm giữ một số đảo, Đài Loan chiếm đảo Ba Bình lớn nhất, riêng Brunei chỉ tuyên bố chứ thực tế chưa chiếm được đảo nào.

Chuyện xưa chuyện nay: Tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa ảnh 1

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu khái quát về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: VNEXPRESS

Tranh chấp biển Đông bao gồm tranh chấp chủ quyền đảo và tranh chấp vùng biển. Vì đã có nhiều nước tham gia tranh chấp như nói trên, nhất là đối với một số nước tuy ở xa (như Mỹ, Nhật, Ấn Độ...) cũng có quyền lợi trong việc di chuyển qua biển Đông (quyền tự do hàng hải) nên lâu nay yêu cầu của các nước đều muốn việc giải quyết phải có nhiều nước cùng tham gia (đa phương); trong khi đó Trung Quốc chỉ muốn giải quyết giữa Trung Quốc và từng nước có tranh chấp (song phương).

Vì lập trường của Trung Quốc dựa theo đường đứt khúc 9 đoạn (hay đường chữ U, đường lưỡi bò) do phía họ tự vẽ ra, qua đó khẳng định 80% biển Đông đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc (nằm trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) thì nước nào có tranh chấp phải “nói chuyện” riêng với Trung Quốc và Trung Quốc cũng chỉ “nói chuyện” tay đôi với nước đó mà thôi! Trung Quốc cũng kiên quyết không chịu đưa vụ tranh chấp ra cho Tòa án quốc tế giải quyết. Vì đang có sự mâu thuẫn căn bản như vậy nên hiện nay có thể nói chưa tìm được phương cách nào để giải quyết cho ổn thỏa lâu dài.

Thân chào bạn.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn)

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm