Chuyện xưa chuyện nay: Tiền thưởng cuối năm

Giả sử khi ký hợp đồng lao động, doanh nghiệp hứa sẽ thưởng tết nhưng đến ngày tết lại không thưởng thì người lao động có quyền đòi thưởng tết hay không và đòi bằng cách nào? Xin Anh Phó giúp tôi được mở mang thêm tầm hiểu biết...". Bạn VŨ ANH MINH (quận Gò Vấp, TP.HCM) hỏi.

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Vũ Anh Minh,

Kể từ ngày nước ta áp dụng chế độ phân phối thu nhập xã hội chủ nghĩa thì thu nhập của người lao động bao gồm các khoản tiền lương, phụ cấp và tiền thưởng. Tiền lương và phụ cấp thì lãnh hằng tháng, còn tiền thưởng thì theo từng đợt thi đua nhất là vào dịp tổng kết cuối năm, nhân kỳ nghỉ tết đón mừng năm mới.

Nói chung thì ở cơ quan nào, giữa người sử dụng lao động và công đoàn đại diện cho người lao động từ đầu năm cũng phải bàn bạc xây dựng quy chế thưởng của đơn vị mình. Đây là nghĩa vụ bắt buộc của từng đơn vị doanh nghiệp. Vì về nguyên tắc, đơn vị doanh nghiệp nào không xây dựng quy chế thưởng đều có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đến 10 triệu đồng (khoản 2c Điều 10 Nghị định 47/2010/NĐ-CP ngày 6-5-2010 của Chính phủ). Cho nên, để phòng ngừa việc cuối năm bị... không thưởng hay bị... thưởng quá hẻo, người lao động ở từng doanh nghiệp phải để ý phòng xa, hễ thấy đơn vị doanh nghiệp mình chưa xây dựng quy chế tiền thưởng thì phải khiếu nại đến thanh tra lao động, cơ quan quản lý lao động ở địa phương để được can thiệp kịp thời.

Chuyện xưa chuyện nay: Tiền thưởng cuối năm ảnh 1

Người lao động mong được thưởng tết nhiều để mua sắm cuối năm. Ảnh minh họa: TH.C

Ở đây, ta chỉ bàn về việc ở đơn vị đã có quy chế thưởng rồi thì khi bị... thưởng ít có quyền khiếu nại không? Vấn đề nói chung là tùy tình hình thực tế về sản xuất kinh doanh trong năm của từng doanh nghiệp mà người lao động hưởng được tiền thưởng nhiều hay ít. Chính vì vậy mà cuối năm tổng kết tình hình tài chính, có nơi thưởng ít, có nơi thưởng nhiều là điều hiển nhiên. Đơn vị làm ăn không có lời hay bị thua lỗ thì lấy gì mà thưởng.

Người lao động không có hiệu quả thì làm sao được thưởng bằng người xuất sắc. Nguyên tắc này đã được đề ra chính thức từ những năm nửa cuối thập niên 50 của thế kỷ trước: “Đối với những xí nghiệp không còn thừa tiền thưởng và những xí nghiệp đã tiến hành khen thưởng rồi mà bảo đảm được đoàn kết nội bộ, đẩy mạnh sản xuất, thì không đặt vấn đề xét thưởng thêm nữa”.

Đó là nói chuyện thời bao cấp, cách nay cả nửa thế kỷ, còn hiện nay dưới chế độ kinh tế thị trường thì Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14-9-2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng nhắc nhở một nguyên tắc bất di bất dịch là: “Khi xây dựng quy chế thưởng phải có sự tham gia của ban chấp hành công đoàn. Quy chế thưởng phải bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch và có ý kiến chấp thuận của chủ sở hữu trước khi thực hiện”. Còn đến cuối năm, khi bắt tay vào việc thực hiện quy chế thưởng thì phải căn cứ “theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh và trách nhiệm của từng người”...

Bạn hỏi: Giả sử trong hợp đồng lao động doanh nghiệp hứa sẽ thưởng tết nhưng đến ngày tết lại không thưởng thì người lao động có quyền đòi không? Cái điều bạn giả sử đó rất ít khi xảy ra, vì theo tôi biết thì các hợp đồng lao động cũng chỉ ghi chung chung là “các chế độ thưởng phụ thuộc vào tình hình doanh thu của doanh nghiệp”. Thế thôi!

Thân chào bạn và nhân đây tôi chúc các bạn ai cũng được thưởng nhiều.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 175)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm