Chuyện xưa chuyện nay: "Pacta sunt servanda"

ANH PHÓ trả lời: Bạn Thùy Linh thân mến,

Trong từ ngữ La-tinh có câu châm ngôn “Pacta sunt servanda” (trong đó “Pacta” là những điều giao ước; “sunt” là thì; “servanda” là cần phải được giữ). Câu này nghĩa là những điều đã giao ước cần phải được tuân giữ; nói cách khác là phải tôn trọng những nội dung mình đã giao ước.

Câu trên đã được vận dụng vào ngành luật quốc tế từ lâu, trở thành một nguyên tắc pháp lý cơ bản trong quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này xuất hiện rất sớm và tồn tại dưới hình thức tập quán quốc tế. Ngày nay, nguyên tắc này đã được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế.

Cụ thể như Lời mở đầu của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (1945) đã khẳng định quyết tâm của các nước thành viên là: “Tạo những điều kiện cần thiết để đảm bảo công lý và tôn trọng những nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”. Điều 26 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế ngày 23-5-1969 (có hiệu lực từ ngày 27-1-1980) cũng nêu rõ nguyên tắc Pacta sunt servanda như sau: “Mọi điều ước đã có hiệu lực ràng buộc các bên tham gia và phải được các bên thi hành với thiện chí”. Tuyên bố năm 1970 về Các nguyên tắc của luật quốc tế; Định ước Henxinki năm 1975... cũng có nêu rõ nguyên tắc này.

Như vậy, theo các văn kiện pháp lý quốc tế hiện hành, nguyên tắc Pacta sunt servanda bao gồm các nội dung cụ thể là: Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ từ các điều ước quốc tế mà nước mình đã ký kết, tham gia. Điều này có nghĩa là các điều ước quốc tế phải được thực hiện triệt để, không phụ thuộc vào các sự kiện trong và ngoài nước.

Sở dĩ, ý kiến của các chuyên gia nêu sự kiện Trung Quốc vi phạm nguyên tắc Pacta sunt servanda vì Trung Quốc vốn là thành viên Liên Hiệp Quốc mà không tuân theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc 1945; là thành viên của Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc đã công khai vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, do UNCLOS 1982 quy định. Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) mà họ đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002... Như vậy, qua các sự kiện xảy ra, Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm nguyên tắc Pacta sunt servanda.

Chào bạn Thùy Linh.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn)

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 171)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm