Chuyện xưa chuyện nay: Hoạn quan Việt Nam

ANH PHÓ trả lời: Em Ngô Văn Thành mến,

Theo các quyển từ điển, chữ “hoạn” trong từ “hoạn quan” có nghĩa là hầu hạ, làm tôi tớ, cho nên hoạn quan là “chức quan thái giám, chỉ người đàn ông không có sinh thực khí, dùng để hầu hạ trong hậu cung của vua”. (Từ điển Hán Việt, Đào Duy Anh, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn, 1957, trang 374); “ông quan hầu hạ trong cung. Hậu Hán Thư: Đầu đời Trung Hưng, hoạn quan chỉ dùng những người bị thiến chứ không dùng những kẻ sĩ khác” (Từ điển Hán Việt từ nguyên, Bửu Kế, NXB Thuận Hóa, 1999, trang 790). Vì công việc của hoạn quan như vậy, nhờ thường có cơ hội được gần gũi với vua, hoàng hậu, hoàng phi... nên họ dễ tạo thế lực lũng đoạn cả việc triều chính, đặc biệt là ở các triều đình phong kiến Trung Quốc.

Ở nước ta, theo tôi biết, có các vị hoạn quan nổi tiếng như: nhà quân sự đồng thời là nhà chính trị, nhà ngoại giao Lý Thường Kiệt (1019-1105). Ông đã có vợ trước khi tự yêm, cũng có thuyết nói rằng ông có lỗi thất lễ với vua Lý Thánh Tông nên bị vua phạt bằng cách... thiến! Một vị đại thần nổi tiếng khác là đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) của nhà Nguyễn, từ nhỏ vốn có tật ẩn cung (không có ngọc hành) ngay khi ông mới sinh ra... Một vị hoạn quan nổi tiếng khác nữa là Nguyễn An - một kiến trúc sư có biệt tài dưới thời Hồ Quý Ly. Khi triều Hồ sụp đổ (1407), ông bị giặc Minh bắt cùng vua và các quan chủ chốt đưa về Trung Quốc. Lúc đầu ông bị giặc Minh chọn ra hoạn và phong làm thái giám để phục vụ trong cung vua. Sau nhờ có biệt tài về xây dựng, ông được vua Minh giao trọng trách “tổng công trình sư” xây dựng các công trình kiến trúc vĩ đại như Thiên An Môn ở kinh thành Bắc Kinh...

Có lẽ còn nhiều vị nữa nhưng do khả năng hạn chế, tôi chưa nắm đủ được, song nói về các hoạn quan nổi tiếng của nước ta thì có thể tạm kể ba vị tiêu biểu nói trên.

Thân chào em.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 168)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm