Chuyện xưa chuyện nay: “Hạn bà Chằn” hay “hạn bà chằng”?

ANH PHÓ trả lời: Bạn Lê Ngọc thân mến,

Theo tôi, có lẽ cả bạn và báo đều không hoàn toàn đúng hẳn. Vì báo nói “bà Chằn” với ý một người đàn bà lớn tuổi tên Chằn thì sai rõ rồi; còn bạn nói “con bà chằn” để nói một loại sinh vật nhỏ giống như con đỉa, ở trên ruộng, bụng dẹp, mình có cạnh, khi bò để lại trên đất một vết nhờn lấp lánh. “Bà chằn lửa” là con bà chằn có miệng màu đỏ, thấy dễ sợ hơn con bà chằn thường! Nhưng ở đây cũng không có nghĩa đó.

Chữ “bà chằn” (có khi viết là “bà chằng”) chỉ người đàn bà hung dữ, xấu xí và khi nói “bà chằn lửa” cũng có ý nghĩa đó, để chỉ hạng đàn bà cực kỳ hung dữ, độc ác, hình dáng, mặt mũi dễ sợ.

Còn từ “hạn bà chằn” là từ dân gian cũng đã được chính thức dùng trong ngành khoa học khí tượng thủy văn, để chỉ sự hạn hán xảy ra trong mùa mưa, không có mưa trong nhiều ngày và cái nắng lại gay gắt hơn, nên gọi là “hạn bà chằn” (Từ điển từ ngữ Nam Bộ, Huỳnh Công Tín, NXB Khoa học Xã hội, 2007, trang 575). Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “hạn bà chằn (còn gọi là hạn lệ, hạn bông tranh) là cách gọi dân gian của các đợt khô hạn ngắn xảy ra vào mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002 cũng giải thích: “Hạn bà chằng là đợt hạn trong mùa mưa ở đồng bằng Cửu Long (tháng 5-11). Do ảnh hưởng của cao áp Thái Bình Dương, thường xuất hiện vào tháng 8, gió đông nam lấn tới đẩy lùi gió tây mang hơi nước, gây các đợt hạn (liên tục có trên năm hay trên bảy ngày không mưa). Hạn bà chằng không gây tác hại nhiều cho nông nghiệp, trừ trường hợp đặc biệt. Nhưng hạn bà chằng có lợi cho lúa hè thu sớm, gặt và phơi thóc hay cho vụ màu thứ nhất ở miền Đông Nam Bộ, thu hoạch vụ màu đầu tiên và làm đất ngay để trồng vụ màu hai, cây phát triển khi mưa trở lại. Một cơ cấu cây trồng hợp lý, điều kiện thủy lợi được cải thiện, cho phép lợi dụng hạn bà chằng tại một số địa phương ở Nam Bộ” (Tập 2, trang 209).

Tóm lại theo tôi, “bà chằn” thì có nhiều nghĩa nhưng nói “hạn bà chằng (hay chằn)” thì chỉ có ý nghĩa và viết như trên mà thôi.

Thân chào bạn.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 170)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm