Chuyện xưa chuyện nay: Danh sách 18 thôn vườn trầu

ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Đỗ Chỉn Chía,

Trước hết, cần xác định ở thời gian trước và sau khi người Pháp xâm chiếm nước ta (1858-1859), vùng đất Gia Định có cấp hành chính cơ sở gọi bằng tên chung là xã, thôn. Đa số được gọi là thôn. Trên cấp xã, thôn là tổng; trên cấp tổng là huyện. Theo một danh sách các xã, thôn vào khoảng năm 1880 (do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sưu tầm từ địa bạ) thì hạt Sài Gòn lúc ấy có 19 tổng với 206 xã, thôn. Lãnh thổ thường gọi là “Mười tám thôn vườn trầu” nằm ở phạm vi tổng Bình Thạnh Hạ thuộc địa phận huyện Hóc Môn ngày nay, một phần tổng Bình Thạnh Trung thuộc địa phận huyện Củ Chi ngày nay và một phần tổng Bình Trị Thượng thuộc địa phận huyện Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Thạnh ngày nay.

Chuyện xưa chuyện nay: Danh sách 18 thôn vườn trầu ảnh 1

Vườn trầu cau Hóc Môn - Bà Điểm. Ảnh: NGNGHAI

Danh từ “Mười tám thôn vườn trầu” được xác định là vùng Bà Điểm-Hóc Môn. Sở dĩ gọi vùng này là những “thôn vườn trầu” vì nơi đây có trồng nhiều trầu - một loại dây leo bám trên thân cây cau, như Trịnh Hoài Đức đã chép trong Gia Định thành thông chí: “Khi trước có mười tám thôn phụ giữ nơi ấy, dân cư ở đây đông đúc, tạo thành một chợ lớn (...). Dân nơi đây đều có sản nghiệp, phần nhiều là vườn trầu, họ thường gánh trầu đi bộ từng nhóm ba, bốn mươi người xuống bán ở hai chợ Sài Gòn và Bến Nghé. Nơi đây còn nhiều rừng rậm, cọp dữ thường hay bắt người ăn thịt nên có câu: “Dữ như cọp Vườn Trầu”.

Nhắc tới địa danh “Mười tám thôn vườn trầu” cũng cần nhắc lại cuộc khởi nghĩa ở vùng này do Phan Văn Hớn (Quản Hớn) và Nguyễn Văn Quá lãnh đạo diễn ra vào đêm 30 rạng mùng một tết năm Ất Dậu (ngày 8 rạng 9-2-1885). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Tòa án Gia Định xét xử vụ khởi nghĩa này từ ngày 31-8 đến 3-9-1885 có kể tên các thôn phải bồi thường thiệt hại do cuộc khởi nghĩa gây ra.

Tôi đọc thấy có tài liệu liệt kê danh sách các thôn ấy như sau: 1. Bình Hưng; 2. Vĩnh Lộc; 3. Tân Thới Thượng; 4. Tân Đông Thượng; 5. Trung Chánh (Quán Tre); 6. Tân Thông Tân; 7. Tân Thông Tây; 8. Tân Thới Tam; 9. Tân Thới Nhì; 10. Tân Thới Tứ; 11. Tân Đông; 12. Tân Thành; 13. Tân Đông Trung; 14. Xuân Hòa; 15. Bình Hưng Đông; 16. Bình Nhạn; 17. Mỹ Hạnh.

Thời gian cách xa, thôn xã cứ tách nhập luôn qua các thời kỳ nên đến nay việc xác định tên và vị trí các thôn ấy quả không đơn giản chút nào! Nên có ý kiến cho địa danh gọi là “Mười tám thôn vườn trầu” chỉ là nhắm chừng, con số ước lệ, chứ không hẳn là đúng tuyệt đối như thế, vì cụ thể theo như danh sách trên đây thì cũng không đủ con số 18, chỉ có... 17 thôn mà thôi?!

Kính chào ông.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 169)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm