Chuyện xưa chuyện nay: Bùa Lỗ Ban - Múa rìu qua mắt thợ!

Bạn LÊ THÀNH THẬT, thanhthat...@gmail.com, hỏi: "Tại sao có câu “Múa rìu qua mắt Lỗ Ban”?".

ANH PHÓ trả lời: Thưa bà Trần Thị Thệ,

Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, ở nước Lỗ có người thợ mộc họ Ban rất giỏi, nhiều tài khéo, nổi tiếng trong việc xây cất nhà cửa và được người đời tôn xưng biệt danh là Lỗ Ban. Trải qua mấy ngàn năm ở phương Đông, người ta đã coi ông là tổ của nghề thợ mộc. Lỗ Ban còn nổi tiếng về bùa, chú, ếm đối trong việc xây cất nên nhiều người thường nhắc đến một thứ bùa của ông trong xây dựng, gọi là “bùa Lỗ Ban”. Tương truyền Lỗ Ban đi chu du khắp thiên hạ, truyền dạy nghề chế tác đồ mộc, dùng tài phép linh diệu, nhất hô bá ứng để chữa bệnh, trừ tà, cứu nhân độ thế... Đối với những kẻ gian ác, ông ra tay trừng trị bằng bùa chú. Bùa Lỗ Ban ếm giúp cho nhiều gia đình làm ăn khá giả, hạnh phúc, phát tài; song ngược lại cũng nhằm trừng trị kẻ ác, ếm bùa cho cả nhà cứ lục đục, hao động, suy sụp, tan nát...

Bùa chú Lỗ Ban có bề dày lịch sử ở phương Đông như vậy, đến nay vẫn còn có người tin, người không tin, tùy theo mức độ nhận thức của mỗi người. Riêng tôi chỉ nghiên cứu qua cho biết thôi, chứ trước nay chưa từng sử dụng hay tin tưởng. Xin nói thêm: “Lỗ Ban” là truyền thuyết phương Đông lâu đời, phát xuất từ Trung Quốc; còn ở phương Tây, người Tây không có khái niệm này mà có sao đâu! Trong ngôn ngữ, khi nói đến Lỗ Ban, người phương Tây chỉ dịch Lỗ Ban ra là “ông tổ nghề mộc” (tiếng Anh: Ancestor of carpenters; tiếng Pháp: Ancêtre des charpentiers). Thế thôi!

Bạn Lê Thành Thật thân mến,

Thành ngữ có câu “Ban môn lộng phủ”, nghĩa là múa rìu trước cửa nhà họ Ban (“phủ” chữ Hán Việt nghĩa là cái rìu, cái búa - thứ dụng cụ dùng để chặt, đẽo cây). Theo sách Về cội nguồn thi ca dân gian dẫn giải của tác giả Lê Gia (Tập 1, NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1994, trang 168), thì đây là câu thơ của Vương Chí Hoán đề trên mộ của Lý Bạch (một nhà thơ lớn thời cổ Trung Quốc): “Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ” có nghĩa là “múa rìu lớn trước cửa nhà họ Ban, nước Lỗ”. Câu này ý nói người làm thơ tầm thường, còn kém cỏi mà dám đề thơ trước mộ một nhà thơ lớn. Từ nguồn gốc đó mà sau này ta mới có câu: “Múa rìu qua cửa nhà Lỗ Ban”.

(Tôi có đọc vài tài liệu truyền thuyết, có sách viết ông này họ Ban, nhưng cũng có tác giả viết ông họ Công Thâu tên Ban - cha là Công Thâu Hiển, ông là Công Thâu Ban).

Câu “múa rìu qua cửa Lỗ Ban” nghĩa bóng là để phê phán thái độ của người tài cán chưa được bao nhiêu, chưa có gì xuất sắc mà dám khoe khoang trước mặt bậc thầy đại tài. Với ý này cũng có nhiều người nói cách khác: “Múa rìu qua mắt thợ”.

Trong tinh thần ấy, nhiều khi tôi cũng tự nhủ mình tài cán chưa được bao nhiêu mà lại dám “ban môn lộng phủ”

Thân chào các bạn.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 168)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm