Chuyện xưa chuyện nay: Bắt tay, ai chìa tay trước?

ANH PHÓ trả lời: Em Thúy thân mến,

Ngày xưa ở phương Đông (như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam...) đều không có thói quen bắt tay khi gặp gỡ nhau mà chỉ nghiêng mình, cúi đầu chào hỏi. Bởi, thời xưa theo Nho giáo, nam nữ đụng tay vào nhau là không hợp lẽ, vi phạm điều cấm “nam nữ thọ thọ bất thân”. Ở các nước Hồi giáo hiện nay cũng không có tục nam giới bắt tay phụ nữ. Cho nên, việc bắt tay chỉ là cách giao tiếp theo truyền thống phương Tây. Ngày nay trên thế giới đều quen bắt tay, nên đã trở thành phép xã giao lịch sự chung của đa số loài người. Theo đó, có thể nói khi một người đưa tay ra bắt mà mình không sốt sắng chìa tay ra bắt hay thụt tay về đều là thái độ không lịch sự. Sự bắt tay thể hiện mối quan hệ thân thiện, biểu lộ tình cảm của mình đối với người được mình bắt tay.

Chuyện xưa chuyện nay: Bắt tay, ai chìa tay trước? ảnh 1

Bắt tay là cách giao tiếp theo truyền thống phương Tây.

Tập quán bắt tay được hình thành với những quy tắc hướng dẫn đại khái như: không chủ động bắt tay người có cương vị cao hơn mình, nhất là đối với phụ nữ. Khi gặp nhau, thái độ lịch sự là nam giới chào nữ giới trước, cấp dưới chào cấp trên, trẻ chào già trước... Gặp cặp vợ chồng thì nên quan tâm chào người vợ trước. Khi bắt tay phụ nữ cũng không nắm chặt quá... Thông thường trong cách xã giao, người phụ nữ lịch sự thường chủ động chìa tay cho nam giới bắt, chứ đàn ông không nên chìa tay ra trước.

Còn trường hợp bạn hỏi, nếu người nam chờ người phụ nữ chìa tay trước mà cô ta hay bà ta không giơ ra thì... thôi! Gặp trường hợp này, theo tôi người nam chỉ cần nghiêng mình, cười xã giao vui vẻ là đủ. Người nam không nên dồn dập quá, giơ hai tay ra chụp bắt, xiết chặt quá hay nắm giữ quá lâu! Nhớ bắt tay bằng tay phải, không nên bắt bằng tay trái (trừ trường hợp có bệnh tật gì mà không dùng tay phải được)...

Những điều tôi vừa nói đó thực ra chỉ là phép xã giao đã được xã hội tôn trọng, coi như tập quán mẫu mực chung, hình như các giáo trình về nghi thức tiếp tân của Nhà nước cũng có nêu vậy, nhưng không thấy có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cả, bạn ạ!

Thân chào bạn.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn)

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 171)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm