Chuyện đời đại sứ Bài 2: Kẹt trong đảo chính ở Chile

Nhưng ông không được ở nhà lâu mà tiếp tục nhận lệnh đi làm đại sứ tại Cộng hòa Chile.

Trước khi đi, Thủ tướng Phạm Văn Đồng căn dặn: “Chile rất cách mạng, rất hữu nghị nhưng rất khó khăn vì đế quốc sẽ không để yên. Anh đi chuyến này là đi chiến đấu đấy. Nói với anh em, đây là chiến trường”.

Sứ quán bị bao vây

Năm ngày sau khi đến, Đại sứ Bồng trình quốc thư tại lâu đài Moneda - nơi trước đây để đúc tiền bạc, sau dùng làm dinh tổng thống. Tổng thống đã đứng chờ sẵn, sau khi bắt tay và nghe Đại sứ Bồng xin trình quốc thư, ông mời ngồi và vào ngay câu chuyện. Tổng thống hỏi ngay việc Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng. Sau khi nghe Đại sứ Bồng nói cách thả thủy lôi của Mỹ, ông chau mày nói không thể tưởng tượng được Mỹ đã dùng những biện pháp dã man nhất áp dụng với nhân dân Việt Nam. Ông say sưa nói về đất nước mình còn nhiều khó khăn nhưng tin tưởng nhân dân sẽ làm nên nhiều kỳ tích.

Tình hình ở Chile rất khó khăn. Chile giàu tài nguyên, mỏ đồng lớn nhất thế giới, trình độ khoa học khá cao. Giai cấp tư sản mại bản rất mạnh, có quan hệ với Mỹ, với CIA và là lực lượng đang lũng đoạn kinh tế Chile. Quần chúng công nông rất hăng hái cách mạng nhưng giai cấp trung lưu thì ngả nghiêng. Quân đội ngả theo đám cực hữu, tuyên bố không dính đến chính trị. Lực lượng tư sản tổ chức biểu tình liên miên đòi thay đổi hiến pháp. Họ câu kết với phái quân đội luôn chuẩn bị để lật đổ chế độ, giành lại chính quyền.

Cuộc đảo chính diễn ra sáng 11-9.

“6 giờ sáng tôi vừa dậy, đang tập thể dục, nghe trên đài phát thanh của lực lượng quân đội và giai cấp tư sản kêu gọi dân chúng ai ở đâu hãy ở yên đó, không ra đường. Họ kêu gọi ủng hộ quân đội. Máy bay đảo ầm ầm trên trời ngay từ sớm. Chúng tôi không liên hệ được với ai vì điện thoại đã bị cắt, mãi sau mới nối lại được. Chúng tôi biết quân đội bao vây lâu đài, tổng hành dinh của Allende. Rồi tiếng súng nổ, máy bay ném bom xuống lâu đài. Quân đội ra lệnh thiết quân luật tuyên bố chính phủ bị lật đổ, ra điều kiện cho Allende nếu chịu rời khỏi Chile thì quân đội sẽ cấp chiếc máy bay riêng chở ông và gia đình. Allende từ phủ tổng thống dùng đài phát thanh của cánh tả kêu gọi nhân dân chiến đấu. lúc 10 giờ 30 ông còn phát đi tiếng nói cuối cùng, tiếng nói lịch sử của con người được thế giới gọi là nhà lãnh đạo huyền thoại.

Chuyện đời đại sứ Bài 2: Kẹt trong đảo chính ở Chile ảnh 1

Đại sứ Vũ Hắc Bồng và Tổng thống Chile Salvador Allende năm 1973.

"Binh vận" lính Chile

Trong sứ quán nghe rõ tiếng súng nổ liên hồi và hai chiếc phi cơ F86 của Mỹ ném sáu quả bom cháy xuống phủ tổng thống. Bọn phát xít cũng đánh vào Sứ quán Cuba cách đó khoảng nửa cây số đường chim bay. Ông Bồng gọi cho Sứ quán Cuba được biết ở đó đang quyết tâm đánh trả.

Đến chiều chúng bao vây Sứ quán Việt Nam. Ông nói anh em chuẩn bị đóng hết các cửa và xác định: Ở trong nước đang kháng chiến, ở đây cũng tiếp tục kháng chiến. Chỉ có dũng khí và bình tĩnh quyết định, không có một sự ứng cứu nào. Một vấn đề đặt ra là sứ quán đóng cửa thụ động chờ giặc tới tấn công hay là mở cửa tiếp xúc với đám binh sĩ bao vây sứ quán? Ông Bồng quyết định “binh vận” đặc sắc kiểu Việt Nam. Cán bộ sứ quán đứng bên trong hàng rào nói chuyện với lính. Mời họ uống nước, cà phê hòa tan và rượu Lúa Mới (lúc này vẫn còn dự trữ tới 80 chai). Ban đầu lính không chịu uống, sau lạnh quá họ nhận cả thuốc lá. Đêm khuya xuống dần, trời rất lạnh, đám lính chẳng có tiếp tế phải nhịn đói. Cán bộ sứ quán một mặt ở bên trong đốt tài liệu liên tục trong bếp lò, một mặt ở bên ngoài vẫn tiếp lính bằng nem rán và bánh sandwich. Mọi việc phải tự lực giải quyết vì không liên lạc được với trong nước. Ông Bồng nghĩ phải tìm mọi cách ra được bên ngoài nắm tình hình, không chịu co cụm để bị giam lỏng. Ông muốn xem có thể giúp đỡ gì cho những người cách mạng Chile chắc chắn đang vô cùng khó khăn hoặc tìm cách lẩn trốn (trên đài phát thanh đang tường thuật ca ngợi cuộc bắt bớ sôi nổi những người cách mạng ở sân vận động). Ở sứ quán lúc đó có hai vợ chồng nhà báo Nguyễn Khắc Thìn của thông tấn xã được cử đi đến sân vận động. Họ cầm theo tất cả số tiền Chile để hễ gặp các chiến sĩ cách mạng thì đưa cho. Ông Bồng vẫn nhớ như in hình ảnh hai vợ chồng nhà báo ra đi trong nguy nan. “Tôi cho rằng con người trong thử thách khốc liệt chỉ một vài phút giây thôi cũng có thể bộc lộ được bản chất. Họ rất can đảm”. Ông Bồng buồn rầu cho biết sau khi về nước được vài năm, chị Hồ bị chết vì tai nạn giao thông ở Hà Nội. Còn chồng chị - nhà báo Nguyễn Khắc Thìn cũng bị mất sau đó vì căn bệnh ung thư.

Cứu người giữa mưa đạn

Trong những ngày diễn ra thiết quân luật do đảo chính ở Chile ấy, sứ quán gặp một chuyện phải tìm cách giải quyết rất nước sôi lửa bỏng. Một bà mẹ nhà ở cùng phố với sứ quán đập cửa la hét cầu cứu vào lúc giữa đêm khuya, đang thiết quân luật. Bà xin sứ quán cứu người con trai 25 tuổi lên cơn đau tim nặng. Bảo bà trình bày với cảnh sát, họ mặc kệ. Ông Bồng nói với cảnh sát: “Sứ quán sẽ cứu đưa đi bệnh viện nếu cảnh sát để cho đi”.

Họ đồng ý. Nhưng đi cách nào? Để đảm bảo dọc đường không phiền toái, sứ quán đề nghị cho một cánh sát lên ngồi theo xe nhưng họ không chịu. Thế là sứ quán quyết định cứ đưa mẹ con bà lên xe, cắm cờ chạy đến bệnh viện. Đồng chí Hào lái xe, anh Vũ Chí Công là bí thư thứ ba, nói tiếng Tây Ban Nha giỏi nhất lên cùng đi, thái độ thật là dũng cảm (hiện nay đồng chí Vũ Chí Công đang là đại sứ Việt Nam tại Cuba). Ở sứ quán, ông Bồng lo lắng đứng chờ ở cửa, không dám lên phòng. Không giúp thì thằng bé sẽ chết, mà giúp thì nguy hiểm khôn lường đến tính mạng của cán bộ mà ông phải chịu trách nhiệm. Sau sự kiện này tiếng đồn về lòng nhân ái của Việt Nam truyền đi rộng khắp. Đám cảnh sát cũng trầm trồ. Bà mẹ qua cơn hoạn nạn đến sứ quán nói lời cảm ơn: “Gia đình chúng tôi chịu ơn Việt Nam ngập đầu, không biết làm sao trả được ơn này”.

Thoát khỏi vòng vây độc tài Pinochet

Sau đảo chính bốn ngày, Sứ quán Việt Nam nhận lệnh ở trong nước là phải đóng cửa và rút về nước vì từ nay Chile rơi vào một chế độ độc tài phản động. Từ đó Chile sống dưới quyền của tướng Augusto Pinochet Ugarte có sự tiếp sức của Mỹ. Pinochet vốn là bộ trưởng Quốc phòng có bàn tay sắt. Theo thống kê, chỉ từ năm 1973 đến 1990 tên độc tài này giết chết và làm mất tích hơn 3.000 người. Quốc gia thịnh vượng nhất Nam Mỹ này đã phải qua một giai đoạn nặng nề. Trong sáu tháng đầu sau đảo chính, 1.000 người đã bị xử tử. Hơn 30.000 người bỏ nước ra đi và hàng chục ngàn người bị tống giam, tra tấn - theo bản điều tra của Ủy ban Valech (Comision nacional sobre prison y tortural/Comision Valech).

Cả hai sứ quán Việt Nam (miền Bắc, miền Nam) cùng rút bằng máy bay Liên Xô, cảnh binh vẫn cứ bao vây sứ quán đến tận ngày rút. Nhân dân Chile xung quanh đó lặng lẽ tiễn đoàn. Họ đứng đông ở trước sứ quán, có người kín đáo vẫy tay chào. Vừa lưu luyến Việt Nam, họ vừa ngậm ngùi lo lắng cho một tương lai chưa biết sẽ ra sao. Một trung đội lính dù có vũ khí áp tải nên không ai nói được lời nào.

Cuộc chia tay với Chile không hề ngắn ngủi. Hơn 30 năm sau, Sứ quán Việt Nam mới có mặt lại tại Chile.

Chuyện đời đại sứ Bài 2: Kẹt trong đảo chính ở Chile ảnh 2

Một điều đại sứ Bồng không ngờ là cũng vào 30 năm sau kể từ khi ông rời khỏi Chile, chính phủ dân chủ hiện nay đã quyết định tặng thưởng cho ông "huân chương chữ thập quốc gia" vào tháng 11-2005. Như vậy ở Chile thời kỳ của Allende vẫn được coi là trang sử phát triển tốt đẹp. Vị tổng thống cách mạng, người con anh hùng của Chile không bị lãng quên.

Ký sự nhân vật của NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm