Chuyện đời của một người dân

Hầu như các ngư dân ở Nghệ An đều biết ngư dân Trần Văn Sơn, bởi ông được xem là người có sáng kiến thành lập Chi hội Nghề cá Hải Nam giúp đỡ các ngư dân có thêm sức mạnh vươn ra khơi xa.

Chuyện đời của một người dân ảnh 1

Ngư dân Trần Văn Sơn trông trẻ hơn trong những ngày gần tết. Ông nói: “Mình cứ cứu mọi người rồi khi hoạn nạn lại có người cứu sống mình”. Ảnh: ĐẮC LAM

Giấc mơ nơi bến cá

Năm 1972, một cơn lốc dữ trút xuống vùng biển Nghệ An cướp đi 45 ngư dân ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, trong đó có cha của Sơn. Đại tang ập đến. Lúc ấy, cả xã Diễn Bích đều thiếu đói bởi hầu hết những người trụ cột gia đình đã nằm lại giữa biển khơi mênh mông.

Cha mất hôm trước, hôm sau cậu bé Sơn cùng hai chị phải đi đến các bến cá nhặt nhạnh cá rơi và ăn xin để cùng gia đình sống qua ngày. “Ngày ấy, rất nhiều lần chúng tôi ăn cả cá sống, nhặt cá biển nướng ăn để cho cái bụng đỡ quặn đói, nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận vị ngon cho đến giờ” - ông Sơn bồi hồi nhớ lại.

Gia cảnh khó khăn là vậy nhưng người mẹ cũng cố gắng cho Sơn đến trường kiếm con chữ những mong đổi đời. Thế nhưng khi đang học dở THPT thì Sơn phải bỏ học để đi đánh cá thuê do gia đình không còn kham nổi. Giờ đây trong căn nhà khang trang, ông Sơn kể lại: “Từ đi làm kéo lưới đến làm tài công, làm thuyền trưởng thuê cho người khác, tôi luôn ước mơ một ngày mình sẽ làm chủ con tàu để vẫy vùng trên biển. Sau nhiều năm chắt chiu, đến năm 2000, tôi vay mượn thêm mới sắm cho mình được con tàu và bộ đồ nghề câu, đánh cá để ra khơi”.

Có tàu, ông Sơn tạo công ăn việc làm cho anh em và bà con trong xóm cùng xông pha ra biển. Công việc làm ăn ngày càng tấn tới, thấy hoàn cảnh em Thái Bá Long (11 tuổi, ở xóm Sơn Hải) giống hoàn cảnh của mình ngày xưa, ông Sơn đã bàn với vợ đưa Long về nhà, nhận làm con nuôi…

Chuyện đời của một người dân ảnh 2

Ảnh 2: Vợ chồng ngư dân Trần Văn Sơn và những tháng ngày đồng cam cộng khổ. Ảnh: ĐẮC LAM

Cứu người và được cứu

Tháng 4-2009, tàu của ông Sơn đã cứu được năm ngư dân bị chìm tàu. Trong đêm tối, khi đang cho tàu chạy thẳng ra hướng đảo Mê thuộc vùng biển Thanh Hóa, bất ngờ ông phát hiện năm người đang chới với cùng sóng biển. Ông cùng năm ngư dân trên tàu liền dừng tàu, nhảy xuống biển cứu vớt được cả năm người. “Nếu không được tàu anh Sơn cứu thì tôi cùng ba con trai và một người cháu đã cùng nằm lại vĩnh viễn dưới đáy biển rồi” - ông Thái Bá Trung (ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nói.

Chiều 16-5-2011, thuyền trưởng Sơn cùng con nuôi Thái Bá Long và bốn ngư dân (Nguyễn Văn Minh, Trần Đức Hưng, Đặng Văn Duyệt và Phạm Văn Quyền) đang đánh cá trên vùng biển Cửa Lò (Nghệ An) thì lốc tố sầm sập kéo đến, nhấn chìm tàu. “Tôi không kịp phát tín hiệu hay gọi bộ đàm về đất liền báo cứu. Trên tàu lúc này sáu người nhưng lại chỉ có năm chiếc áo phao, tôi quát năm người mặc áo vào lao xuống biển tránh tàu úp người. Còn tôi vớ con dao chặt dây để lấy cây sào gỗ và ôm sào lao xuống biển. Hai tay tôi ôm chặt cây sào gỗ ghì vào ngực. Cây sào nổi thì tôi nổi theo. Sóng cứ đẩy, va đập sào gỗ vào ngực tôi đau nhức nhưng tôi không thể thả cây sào ra. Cha tôi từng bị lốc tố đánh chìm tàu chết trên biển. Tôi khóc, nghĩ và lo sợ con tôi lại mồ côi cha như tôi…” - ông Sơn kể.

Ngư dân Đặng Văn Duyệt cũng nhớ lại: “Khi tôi nổi lên cố nhìn thì thấy con tàu đã chìm hẳn, nước mắt trào ra. Lúc ấy, tôi lo nhất về ông Sơn bởi ông là người nhiều tuổi nhất lại nhường hết áo phao cho chúng tôi”. Sau đó, cả sáu người trên tàu của ông Sơn đã may mắn được tàu cá do ông Nguyễn Văn Hồng (phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) làm thuyền trưởng phát hiện và cứu vớt kịp thời.

Bí kíp vớt tàu chìm

Chuyện đời của một người dân ảnh 3

Ông Trần Văn Sơn cùng con nuôi Thái Bá Long (thứ hai từ trái sang) và các ngư dân. Ảnh: ĐẮC LAM

May mắn giữ được mạng sống nhưng con tàu mưu sinh còn đang nằm dưới lòng biển khiến lòng ông Sơn như lửa đốt. Ông trốn viện tìm cách cứu tàu. Vợ chồng ông vay tiền thuê thợ lặn tìm con tàu nhưng lúc xác định được vị trí tàu chìm thì tàu đã bị cát lấp gần nửa. Ông thuê tàu ra thục vòi rồng xuống hút cát ra khỏi con tàu chìm rồi thuê tiếp hai con tàu lớn kéo nâng tàu của ông lên. Sau hai ngày không đạt kết quả, ông bật khóc trên biển bởi nỗi lo phương tiện duy nhất để mưu sinh không còn lại cộng thêm một khoản nợ lớn.

Lo lắng lực kéo của hai con tàu có thể xé vỡ đôi con tàu đang chìm dưới biển của mình, ông Sơn chợt nghĩ cách vào bờ thuê máy bơm hơi loại lớn và thuê phao xả hết hơi cho thợ lặn xuống cột phao vào tàu. Những chiếc vòi hơi cũng được thả xuống để thợ lặn găm vào van của phao. Hơi được bơm vào phao, cộng thêm sự trợ giúp của hai con tàu tời, nâng kéo hai đầu tàu chìm đã làm xuất hiện một phép lạ: Con tàu của ông Sơn từ đáy biển đã nổi lên trong sự ngỡ ngàng, vui mừng của mọi người. Sau khi tàu nổi và lai dắt vào bờ sửa chữa xong, ông cùng năm ngư dân lại tiếp tục hành trình ra biển.

Lập hội để cùng mạnh hơn

Ông Thạch Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích, cho biết: “Ông Sơn không chỉ là người nổi tiếng vượt khó, cứu người, giúp nhiều tàu bị nạn mà ông còn có công rất lớn khi đứng ra thành lập chi hội để giúp các ngư dân khó khăn trên địa bàn. Từ chi hội nghề cá do ông Sơn đứng ra vận động, thành lập, nay trên địa bàn xã chúng tôi có sáu xóm làm nghề đi biển đều đã thành lập chi hội nghề cá”.

Bốn năm trước, ông Sơn bàn với ngư dân Chầm Quốc Hiền thành lập Chi hội Nghề cá Hải Nam. Mục đích của chi hội là các con tàu liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm ngư trường khai thác, hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ và kịp thời giúp nhau khi có tai nạn rủi ro trên biển. “Ban đầu tôi xung phong góp 2 triệu đồng làm quỹ, rồi tôi bỏ tiền túi mua quà đến từng nhà để vận động họ vào hội. Đến nay, có 60 chủ tàu cùng vào Chi hội Nghề cá Hải Nam với số tiền quỹ hơn 270 triệu đồng. Nhiều tàu đã thay được máy mới có công suất lớn tiến được ra biển xa hơn. Khi một con tàu bị hỏng máy trên biển thì các con tàu cùng chi hội gần đó phải tự giác đến giúp sửa chữa hoặc kéo tàu về…” - ông Sơn cho biết.

Vừa qua, tàu của thương binh Nguyễn Văn Thắng bị chìm ở gần đảo Mê, tàu của ngư dân Trần Văn Sáu bị trúng lốc chìm ở gần đảo Ngư và tàu cá của anh Nguyễn Văn Hiền bị chìm trên vùng biển Nghệ An. Khi nghe tin các tàu này bị chìm, các chủ tàu khác trong Chi hội Nghề cá Hải Nam đều tự giác ra cứu giúp và giúp kéo, trục vớt tàu không lấy tiền dầu, tiền công.

Đến nay, con nuôi Thái Bá, Long đã 20 tuổi và trở thành một ngư dân vạm vỡ. Vợ chồng ông Sơn đã mua cho Long miếng đất trong làng và dự định đang năm nay sẽ đào móng cất nhà để chuẩn bị cho Long cưới vợ. Hai con trai của vợ chồng ông Sơn đều theo nghiệp bút nghiên nhưng nghề biển ông đã có đứa con nuôi này nối nghiệp.

Tiếp tục những chuyến biển xa

Sáng sớm mùng một tết Nhâm Thìn, ngư dân Trần Văn Sơn cùng các hội viên Chi hội Nghề cá Hải Nam đã cùng bước lên con thuyền đánh cá làm lễ cúng thần biển, cầu cho một năm ra khơi trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, làng biển bội thu. Các chủ tàu, ngư dân thắp nén nhang dâng lên thần biển và linh hồn các ngư dân xấu số nằm lại biển khơi.

Ông Sơn trầm giọng: “Năm trước tàu của tôi bị trúng lốc nhấn chìm nhưng rất may “hà bá biển” đã tha mạng cho sáu người. Giờ tôi đứng trước biển, chắp tay cảm tạ thần biển và cá ông đã phù hộ cho chúng tôi thoát chết trở về và cầu cho một năm mới ra khơi yên lành, tàu đầy mực, cá”.

Sáng sớm ngày 28-1 (tức mùng sáu tết), ông Sơn cùng các ngư dân trên tàu lại đạp sóng ra khơi, tưng bừng chuyến đánh cá xa bờ đầu tiên của một năm mới đầy hy vọng.

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm