“Chơi ngông” từ tình yêu bóng đá

Gần 20 giờ, đèn cao áp vẫn rực sáng. Trên mặt cỏ nhân tạo xanh mướt, những cầu thủ “mình trần chân đất” vẫn say mê quần thảo. Cuộc chơi bóng đá về đêm hình như vẫn chưa kết thúc. Đó là hình ảnh khá lạ lẫm của Câu lạc bộ bóng đá Phúc Sport khai trương hai sân mini đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Tiền Giang.

Sân bóng giữa nương rẫy

bóng đá từ nhỏ nhưng ở cái xã vùng quê xa xôi với bốn bề vườn rẫy, kinh mương thì làm gì Phúc có sân để thỏa niềm đam mê. Năm 2000 trúng tuyển đại học, Phúc mang theo cả tình yêu quả bóng vào giảng đường.

“Chơi ngông” từ tình yêu bóng đá ảnh 1

Trần Hoài Phúc bên sân bóng

Bốn năm ra trường, về công tác tại Liên hiệp Vận tải TP.HCM, công việc bận rộn nhưng Phúc vẫn không quên bóng đá. Khi thành phố rộ lên phong trào sân bóng mini với cỏ nhân tạo, Phúc tự hỏi: Sao mình không đầu tư làm sân bóng? Bởi đây cũng là làm kinh tế nhưng lại thỏa mãn niềm đam mê.

Nghĩ là làm. Gom góp số vốn dành dụm được, Phúc xin nghỉ việc về quê với ý định thành lập câu lạc bộ bóng đá. Nhưng làm sân đất nện bình thường thì nhiều nơi trong tỉnh đã làm và hiện không còn thu hút.

Vì thế, Phúc quyết định đầu tư sân cỏ nhân tạo đạt chuẩn. Gia đình ngăn cản quyết liệt, bởi đầu tư ở một vùng quê với bốn bề mương rẫy thì biết bao giờ mới thu hồi vốn. Tuy nhiên, trước quyết tâm và niềm đam mê của Phúc, gia đình đã đồng ý hỗ trợ vốn.

Dọn 4.000 m2 đất rẫy của ông bà để lại ở ấp Phước Hòa, Phúc xây dựng câu lạc bộ với bờ bao vòng rào gồm hai sân cỏ mini, nhà để xe, quán giải khát có truyền hình cáp LCD phục vụ bóng đá 24/24 giờ. Kinh phí đầu tư không tính đất tròm trèm 1,2 tỉ đồng.

Ngày Phúc khởi công, nhiều người dân quanh vùng cho là Phúc chơi ngông, khi đưa sân cỏ nhân tạo vào một vùng đất “khỉ ho cò gáy”. Mà quả là ngông thật khi sân bóng khá xa khu thị tứ, cách đường liên tỉnh gần 2 km đường vườn quanh co, cầu kênh cách trở, có đoạn chiều rộng mặt đường vào chỉ hơn 1 m.

Bao bọc quanh sân là những đám rẫy, thưa thớt dân cư. Nếu không có tình yêu bóng đá, chắc khó ai có thể bỏ số vốn lớn như thế để đầu tư với mục đích kinh doanh tại khu vực này. Tuy nhiên, qua một tháng khai trương, tình yêu bóng đá của Phúc ít nhiều đã được đền đáp.Và cái thú chơi ngông của anh xem ra cũng có cơ sở.

Bỏ nhậu, quên game... chơi bóng đá

Câu lạc bộ thu hút khá đông thanh thiếu niên đến chơi bóng. Buổi sáng có học sinh phổ thông, chiều là thời gian cho thanh thiếu niên, tối là sân chơi cho lứa tuổi “sồn sồn”. Phúc cho biết chủ yếu là tạo nơi giải trí lành mạnh cho thanh niên trong xã và mình cũng “đỡ ghiền” do luôn tiếp xúc với không khí bóng đá, các nhóm đến chơi chủ yếu  chia phe. Bên nào thua thì trả tiền sân.

“Chơi ngông” từ tình yêu bóng đá ảnh 2

Sân cỏ nhân tạo xanh mướt dành cho các cầu thủ chân đất

Anh Nguyễn Văn Thanh vừa cùng các bạn chơi xong một hiệp 30 phút cho biết: Ban ngày bận đi làm, tối tụ tập anh em lại chạy đá bóng tháo mồ hôi, thế mà về ngủ ngon. Trước đây, tối anh hay làm sương sương, giờ chuyển qua chơi bóng thấy khỏe hơn; sân cỏ nhân tạo chạy êm lắm, té không biết đau.

Chị Lê Thị Tuyết, nhà ở đầu cua quẹo vào sân bóng nhận xét: Từ ngày có sân bóng mấy đứa nhỏ cứ ở miết ngoài đó, đứa con chị trước thì ghiền chơi bóng đá trên game, nay cùng mấy bạn lập nhóm, hùn tiền vào sân chơi đá thiệt.

Hiện tại giá thuê sân là 100.000 đồng/giờ vào ban ngày, buổi tối tăng thêm 50.000 đồng/giờ bù chi phí tiền điện. Riêng với các em nhỏ, cứ 5.000đồng/em/giờ.

Có đêm đến 22 giờ vẫn chưa hết khách. Nhiều nhóm “ghiền quá” xin đá thêm 30 phút nữa, chủ sân đành chịu. Phúc cho biết do ở nông thôn nên không thể tính cao hơn được. Chứ ở TP.HCM, mỗi giờ thuê sân từ 300.000 đến 350.000 đồng nên mau lấy lại vốn.

“Chơi ngông” từ tình yêu bóng đá ảnh 3

Sân cỏ nhân tạo lần đầu có tại Tiền Giang đã tạo sức hấp dẫn với dân mê bóng đá. Tiếng lành đồn xa, nhiều thanh niên từ các xã ven của Châu Thành; thành phố Mỹ Tho cũng đã đến thuê sân thi đấu; vì thế có thể sau bốn năm sẽ thu hồi lại vốn.

Hiện Phúc đang có kế hoạch mở rộng thêm hai sân nữa, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu sân chơi cho giới trẻ, giải quyết tình trạng “đụng sân” có nhóm chờ cả buổi mới được vào đá. Tuy nhiên, hai công đất nông nghiệp giáp ranh sân bóng hiện hữu người dân kêu cao quá, đến 400 triệu đồng/công, nên Phúc chưa dám phiêu lưu.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang:

Nhà nước có chủ trương xã hội hóa thể thao, vì thế rất hoan nghênh những cá nhân đã đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên ở nông thôn có sân tập luyện. Sở sẵn sàng ủng hộ việc Câu lạc bộ bóng đá Phúc Sport mở lớp hướng dẫn đá bóng bằng cách giới thiệu những anh em làm công tác huấn luyện có chuyên môn tốt, nếu câu lạc bộ có yêu cầu.

S.HUỲNH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 12-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm