Cây sanh “giết” gành san hô

Giới cây kiểng Quảng Ngãi cho rằng bây giờ là thời của cây sanh. Cây mai kiểng bát tiên của một hộ dân thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ được liệt vào hàng “đẳng cấp” mới đây cũng chỉ bán được 100 triệu đồng, tính ra thấp hơn đến vài chục lần so với cây sanh kiểng phối đá có dáng cổ thụ.

“Đệ nhất” cây sanh phối đá

Nếu như trước đây, cây sanh trồng trong những chậu kiểng tròn, dưới gốc phối bằng nhiều hòn đá vôi nhỏ cho rễ cây trùm lên thành hình bán nguyệt là “đệ nhất” thì bây giờ cây sanh có thế huyền hay thế trực gợi dáng cổ thụ đặt trong chậu hình chữ nhật dài trên 2 m, rộng trên 1,5 m và phối đá hình núi non mới là tuyệt.

Những người trồng sanh đặt đúc những chậu lớn, mua thêm đá san hô về phối… NVT, một thợ phối đá san hô cho cây sanh ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, nói đá san hô đẹp nhất nằm ở vùng biển Bình Hải, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn bởi khi đục lên hòn to và trắng hoặc có màu rêu có hình thù khác nhau. Muốn “tân trang” cho cây bằng cách thay chậu hoặc cây trồng ngoài đất bứng vào chậu thì cần lượng vài tạ đến vài tấn đá san hô tùy theo cây lớn nhỏ. Ở Quảng Ngãi, hiện nay nhà nhà trồng sanh rồi đem phối đá thì nhu cầu đá biết bao nhiêu mà kể.

Cây sanh “giết” gành san hô ảnh 1

Lão ngư dân Bùi Bồi thở dài vì gành rạn tan nát, các loài cá cũng bỏ đi. Ảnh: VÕ QUÝ

Cách đây dăm năm, bỏ đá san hô ngoài vườn chẳng ai lấy nhưng bây giờ sơ hở một chút là mất. Đầu năm 2010, giá đá san hô cũng ở tầm 500.000 đồng/m3 nhưng bây giờ loại tầm tầm đã lên đến 1,4 triệu đồng/m3. Loại đá tốt nhất mức giá từ 6 triệu đến 20 triệu đồng một tảng. Thợ phối đá NVH phân tích: “Nếu cây sanh có mức giá 50 triệu đồng, mình thay chậu lớn hơn rồi mua đá về phối tốn vài ba chục triệu đồng thì sau khoảng bốn tháng chủ nhân có thể “hét” lên 100 triệu đồng cũng có người mua”.

Còn đâu gành rạn?

Trên con đường ra gành Ta, xã Bình Hải cứ đi một đoạn lại thấy người chở đá san hô bằng xe máy, khẩu trang bịt kín mặt. Đến bãi biển lúc thủy triều rút, gành san hô lộ rõ thành vệt dài. Nhiều người dùng xà beng nạy vào gành rồi mang gánh hoặc dùng bè chuyển đá vào gần bờ chất thành từng đống lớn hoặc dồn vào trong bao tải. Thoáng thấy người lạ, họ vội vàng chuyển động tác bằng cách ném xà beng xuống nước rồi... đi hái rong mơ. Còn ở vùng gành Đồng Mịnh sau quãng thời gian khai thác đá dữ dội nay gành rạn nát tan.

Dân Thanh Thủy vốn sống bằng nghề nông và trồng hành, một ngày công chỉ khoảng 50.000 đồng. Thế nhưng một lao động nếu nạy giỏi mỗi ngày có thể bốc lên được 1 m3 đá san hô, đem bán được bạc triệu nên người người kéo nhau ra gành đục đá. Họ thản nhiên: “Bờ biển dài, đục san hô bán chẳng ảnh hưởng gì!”.

Anh Võ Văn Chín ở thôn An Cường nói: “Những tháng biển động, bà con An Cường dựa vào con lạch nhỏ ở gành Đồng Mịnh mà đưa ghe, thúng ra khơi. Giờ gành san hô tan tành, đến mùa biển động làm sao theo lạch mà đưa thuyền ra biển. Hễ chính quyền xử lý những người lấy đá san hô ở gành Đồng Mịnh thì họ chuyển sang khai thác ở gành Ta (cũng thuộc thôn Thanh Thủy)”.

Cây sanh “giết” gành san hô ảnh 2

Đá san hô bị thu giữ ở UBND xã Bình Hải. Ảnh: VÕ QUÝ

Lão ngư Bùi Bồi ở thôn An Cường sau chuyến ra khơi trở về chỉ lèo tèo vài con cá nhỏ. Ông bức xúc: “Dân ở đây đa phần sống bằng nghề đánh bắt gần bờ đá. Nhờ có rạn san hô, mùa đông rong mơ sinh ra từ gành đá. Qua mùa xuân con cá mú, cá kình, cá sơn, cá chuồn bơi vô, con cua xanh cũng bò vào gành để đẻ nên vùng biển gần bờ cá nhiều hơn. Hai năm rồi gành rạn san hô tan nát, con cá không về đẻ, con cua xanh đã vắng bóng thì biết sống sao đây. Đó là chưa kể đến tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi những cơn sóng cao hơn nóc nhà bổ vào, không có gành đá ngăn chặn thì chịu sao thấu”.

Ngăn chặn không nổi?

Xã Bình Hải bây giờ đâu đâu cũng chỉ kháo nhau chuyện đá san hô. Trưởng thôn Thanh Thủy Nguyễn Văn Can bất lực: “Chính quyền xã ngăn chặn nhưng giá đá vôi cao quá nên họ vẫn cứ đi đào phá gành đá!”.

Cánh xe tải trước chở vật liệu làm nhà, chở nông sản nay chuyển qua chở đá san hô thuê. Nếu bắt ban ngày, xe lại chạy ban đêm. Thu mua ngay bãi biển ngại bị bắt thì họ chọn điểm thu mua ngoài đường lộ. Trưởng Công an xã Võ Minh Xuân chỉ đống san hô 40 m3 trong sân ủy ban, nói: “Đá san hô lập biên bản tịch thu đó. Mấy tháng nay du kích xã mệt phờ. Ở thôn An Cường có 15 hộ khai thác đá, thôn Phước Thiện cũng có vài hộ thì mời họ đến phân tích, đề nghị họ làm cam đoan không khai thác nữa. Nhưng ở thôn Thanh Thủy có quá nhiều người khai thác đá nên kiểm điểm không xuể, xã phải phối hợp với Đồn Công an Dung Quất và Đồn biên phòng 288 tổ chức họp dân lồng ghép trong chương trình bảo vệ an ninh Tổ quốc mà tuyên truyền phổ biến...”. Qua nhiều đợt tuyên truyền số người đi khai thác có giảm. Thế nhưng sau đó chuyện ngăn chặn lại phức tạp hơn. Lực lượng công an và dân quân xã có 15 người, chia thành ba tổ canh gác, nghe dân báo, lực lượng kiểm tra chưa đến nơi thì họ đã báo cho nhau biết và lánh mặt. Nhiều hộ đưa đá vôi chất đầy những bờ rẫy chờ bán. Khi hỏi, họ thản nhiên nói: “Lấy đá chất bờ cho khỏi bị rửa trôi chứ có mua bán gì đâu”.

Cây sanh “giết” gành san hô ảnh 3

Những cây sanh phối đá kiểu này tiêu tốn khá nhiều đá san hô. Ảnh: VÕ QUÝ

Trưởng Công an xã Võ Minh Xuân cho biết: Tính đến cuối tháng 6-2011, công an xã phối hợp với lực lượng biên phòng Đồn 288, Chi cục Thuế phát hiện và xử phạt 32 trường hợp vận chuyển san hô trái phép 184 triệu đồng.

Những người vận chuyển đá sau khi bị lập biên bản sẽ được chuyển cho quản lý thị trường tiến hành xử phạt. Nhưng theo Nghị định 31/2010, nếu vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản thì chỉ thu giữ đá san hô và phạt tiền 5-10 triệu đồng. Anh Xuân nói: “Có lẽ cách xử lý này cũng chẳng ăn thua, bởi địa bàn rộng nên khó bắt được mà bắt rồi phạt cũng nhẹ hều nên sau đó họ lại tái diễn. Như trường hợp Bùi Dó từng bị bắt, lập biên bản, xử phạt nhưng sau đó vẫn lấy xe đi chở đá vôi như thường”.

Trước tình trạng khai thác đá san hô ở Bình Hải, huyện Bình Sơn và một số nơi trong tỉnh, đầu tháng 4-2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra chỉ thị nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép các rạn đá ngầm, san hô hoặc rạn san hô và hệ sinh cảnh khác. Đồng thời chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan, UBND các huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản và môi trường biển, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Nhưng rồi việc khai thác, vận chuyển đá san hô vẫn cứ tiếp diễn.

Trao đổi ngày 28-6, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi Phí Quang Hiển cho biết Sở sẽ làm việc với UBND huyện Bình Sơn để bàn việc chấn chỉnh vấn đề này.

Lão ngư dân Bùi Bồi ở thôn An Cường, xã Bình Hải nói: “Ngày xưa hương ước của vạn chài nghiêm lắm. Những ai trong mùa cá đẻ trứng mà lấy đá san hô về hầm vôi rải ruộng hoặc làm vật liệu xây dựng nhà hay đánh bắt cá con trong mùa cá đẻ ở gành rạn là dân làng lên án, phạt tiền, thậm chí cấm ra khơi nên dân chài răm rắp thuân theo. Còn bây giờ… !”.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm