Cần một quyết sách cho đổi mới tuyển sinh

Đầu tháng 7, khoảng 1,8 triệu lượt thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2010. Đây là kỳ thi thu hút sự quan tâm lớn của xã hội bởi tính chất quan trọng và quy mô của nó từ nhiều năm nay. Nhưng có lẽ, vấn đề được chú ý nhất là lộ trình đổi mới tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai thực hiện tới đâu.

Chưa đáp ứng hai yêu cầu

Cần nhắc lại, từ năm 2002, Bộ GD&ĐT đề ra giải pháp “ba chung” trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ (các trường ĐH, CĐ thi chung kỳ thi, chung đề thi và sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển). Đến năm 2006, Bộ GD&ĐT chính thức áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm vào môn ngoại ngữ. Năm tiếp theo, thêm ba môn lý, hóa, sinh được áp dụng lối thi trắc nghiệm. Sang năm 2008, thêm các môn toán, sử, địa…

Tuy nhiên, những cải tiến này chỉ mang tính kỹ thuật, về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được hai yêu cầu mà xã hội đặt ra là tuyển đúng đối tượng phù hợp với ngành học và giảm căng thẳng, tốn kém của kỳ thi. Bởi trước kỳ thi đại học một tháng, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng diễn ra với quy mô cả nước.     

Cần một quyết sách cho đổi mới tuyển sinh ảnh 1

Tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra hằng năm nhằm giúp thí sinh chọn đúng ngành, trường. Ảnh: T.HIỆU

Hiện nay, theo phương thức “ba chung” của Bộ GD&ĐT, thí sinh muốn thi vào một trường ĐH phải đăng ký một trong các khối thi A, B, C, D… Tuy nhiên, việc quy định các môn thi của từng khối thi không còn phù hợp với yêu cầu tuyển sinh cụ thể của nhà trường. Ví dụ, thi vào Trường ĐH Kinh tế, thí sinh thi khối A với ba môn toán, lý, hóa. Tuy nhiên, trong thực tế hai môn lý, hóa không cần thiết trong trường kinh tế. Điều này dẫn đến nhà trường không chọn được người đúng yêu cầu đào tạo, còn thí sinh thì chọn trường không phù hợp năng lực, sở trường.

Lại hoãn

Trước sức ép của dư luận xã hội, Bộ GD&ĐT đề ra phương án nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành một. Bộ GD&ĐT đã tổ chức hàng loạt hội thảo có tầm quốc gia để xây dựng đề án này. Tháng 1-2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó kiêm bộ trưởng Bộ GD&ĐT) chính thức công bố đề án tổ chức một kỳ thi quốc gia mà kết quả của nó vừa dùng để công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Phó Thủ tướng khẳng định năm 2009 sẽ chính thức tổ chức kỳ thi “hai trong một” này.

Từ năm 2007 đến 2009, lại thêm hàng loạt hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án. Chưa bao giờ một đề án được xây dựng với rất nhiều hội thảo như vậy. Đến tháng 6-2009, Bộ GD&ĐT tuyên bố hoãn lại đến năm 2010. Và nay thì năm 2010 cũng chính thức bị hoãn.

Giải thích về việc trì hoãn lần này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long cho biết đề án này được xây dựng khoa học, cẩn trọng, lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện thực hiện chưa chín muồi. Do vậy, đề án chưa triển khai vào năm 2009 để có thời gian chuẩn bị kỹ hơn; đồng thời xây dựng quy chế tổ chức một kỳ thi quốc gia.

Theo cách trả lời của nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long, người ta phân vân thế nào là “điều kiện chín muồi” và để đến “chín muồi” thì mất bao nhiêu năm?

Cần một quyết sách

Thật ra, mấu chốt của việc trì hoãn thực hiện đề án nằm ở chỗ: Nhiều ý kiến phản biện cho rằng nếu chỉ tổ chức một kỳ thi thì nên giữ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn đề án của Bộ GD&ĐT lại muốn giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT và bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long lập luận: “Tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, bảo đảm cho kết quả của kỳ thi có độ tin cậy và phân hóa cao, đánh giá đúng thực chất trình độ người học, thì đồng thời có thể lấy kết quả kỳ thi làm một căn cứ quan trọng để tuyển chọn vào ÐH, CÐ, TCCN” (trả lời báo Nhân Dân tháng 5-2009). Tuy nhiên, tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia thật sự nghiêm túc là điều mà các ý kiến phản biện không mấy tin tưởng! Thực tế, kết quả tỉ lệ tốt nghiệp THPT ở các địa phương trong nhiều năm qua đã chứng minh rằng hệ số tin cậy của kỳ thi này rất thấp.  

Trước những ý kiến phản biện trên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT rõ ràng đã do dự trong việc đưa ra một quyết định quan trọng. Và nói như cách của nguyên Thứ trưởng Bành Tiến Long là “điều kiện chưa chín muồi”.  

Một lần nữa, đề án đổi mới tuyển sinh sau một thời gian dài chuẩn bị, tốn nhiều công sức, tiền của nay có nguy cơ cất lâu dài vào ngăn kéo.Con tàu giáo dục tiếp tục trôi tự do vì thiếu những quyết sách kịp thời.

Đề án đổi mới của Bộ GD&ĐT

Giữa tháng 4-2007, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo đề án đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo đó, dự kiến đến năm 2009 Bộ GD&ĐT chủ trương bỏ thi ĐH hoặc kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một. Thí sinh sẽ thi tám môn (thay vì sáu môn trong kỳ thi THPT) gồm: ngữ văn, ngoại ngữ, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải thích về dự thảo đề án: Việc xét tuyển ĐH sẽ dựa vào bảng điểm tốt nghiệp THPT và môn đặc thù theo yêu cầu của từng trường. Một kỳ thi như vậy sẽ tuyển được đúng đối tượng hơn, giao thêm quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh hơn.

TỪ NGUYÊN THẠCH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm