Bỏ ba cuộc tình, nuôi bốn người điên

Chị đã hứa với ba mẹ sẽ chăm lo cho các anh. Bất ngờ, ba mẹ qua đời, chị quyết định quên đi những cuộc tình để nuôi các anh bị chứng tâm thần.

Em gái của những người điên

Chị và bốn người anh điên tá túc trong một căn nhà nằm sâu hun hút ở tổ 18, khu vực 6, phường Kim Long, thành phố Huế. Ông Minh sống gần khu vực này chỉ tay về phía con hẻm nói chắc nịch: “Căn nhà lùi xùi đằng kia là nhà của con Hạnh và bốn thằng anh điên đó. Một thằng đã chết cách đây mấy năm. Ba thằng còn sống thỉnh thoảng lại lên cơn”.

Bỏ ba cuộc tình, nuôi bốn người điên ảnh 1

Chăm lo cho các anh từng bữa ăn

Vừa bước tới sân nhà, chúng tôi nghe mấy tiếng loảng choảng bên trong. Dưới sàn nhà, chiếc bát vỡ thành từng mảnh. Cơm và thức ăn bay tung toé. Người phụ nữ gầy nhom vội vàng cầm lấy chiếc chỗi cùn nhanh chóng thu dọn. Trong buồng ngủ, có tiếng la mắng của một người đàn ông, giọng cay nghiệt. “Mi chết đi, tau không muốn ở với mi nữa. Con Hạnh... con Hạnh quỷ sứ”.

Chị Hạnh giãi bày dịu dàng: “Chú thông cảm nhé. Mấy bữa ni trời nắng oi oi nên bệnh của các anh lại tái phát. Người ngồi trong buồng là anh thứ ba của tôi đấy. Mấy hôm nay ông lên cơn nên quậy quá. Cứ mỗi lần như rứa là anh la ó, chửi mắng lung tung”. Nói xong, chị kéo chiếc chiếu cũ trải ra rồi mời khách ngồi bệt xuống nền nhà.

Nhà có năm anh chị em. Chị Hạnh là con gái út. Ba người anh đều bị bệnh tâm thần nặng. Đó là Nguyễn Văn Ba (58 tuổi), Nguyễn Văn Hậu (55 tuổi) và Nguyễn Văn Dần (52 tuổi). Chị quay sang ngó lên di ảnh trên bàn thờ, ôm mặt khóc: “Còn một anh nữa tên Hiếu, mất mới mấy năm đây thôi. Cũng tại nghèo khó quá không có tiền lo miếng ăn, thuốc thang cho anh lúc đau ốm anh mới đi sớm vậy”.

Năm 1985, ba mẹ lần lượt ra đi bỏ lại bốn người con điên dại cho chị nuôi dưỡng.

Thương anh, xa ba cuộc tình

Chị Hạnh kể: “Anh Ba hay đập phá mỗi lần lên cơn. Thứ gì quý giá nhất trong nhà đều vỡ tan tành. Anh Dần thì nói sảng còn anh Hậu thường bỏ nhà ra đi khi tôi không để mắt tới”. Trước kia cả gia đình sống cạnh cửa Nhà Đồ (phường Thuận Hòa, TP Huế). Ba chị làm công nhân xây dựng, mẹ buôn bán rau ngoài chợ. Ba mẹ sinh được năm anh chị em.

Bỏ ba cuộc tình, nuôi bốn người điên ảnh 2

Hàng xóm cho thức ăn

Năm 10 tuổi, anh Ba được mẹ dắt đến lớp gửi thầy. Anh ngồi trong lớp mà mặt ngơ ngác nhìn ra cửa sổ, ngước mắt lên nói cười sang sảng. Sau vài buổi học, thầy hỏi bài, anh không biết một chữ. Hai năm sau, anh lâm bệnh nặng, chứng tâm thần ngày càng rõ. Rồi từ đó anh chỉ biết nói sảng, ăn và ngồi một chỗ. Sau đó, anh Dần, anh Hậu rồi đến lượt anh Hiếu cũng mắc chứng bệnh này.

Quá khó khăn nên mới lên sáu, chị Hạnh đã phải phụ giúp cha mẹ lo toan việc nhà. Công việc quan trọng nhất của chị lúc này là trông coi bốn người anh bị điên, không để các anh bỏ đi, quấy phá nhà cửa người khác.

“Nhưng có lần anh Ba bỏ nhà đi chơi trong Thành Nội. Ba đi tìm mãi không thấy nên tôi bị ba đánh đòn tím bầm cả mông. Có lần anh Dần ném vỡ tất cả chén bát trong nhà. Anh Hòa lấy hết gạo trong hũ vứt xuống sông, tui phải chịu đòn thay các anh” - chị Hạnh nghẹn ngào. Căn nhà lúc đó thực ra chỉ là túp lều dựng bằng ni-lông, tre và tấm cót. Có lần, anh Ba đốt lửa lên mái nhà, cũng may hàng xóm phát hiện và dập lửa kịp.

Tuổi 11, chị mới được cắp sách đến trường. Sự học dở dang. Một buổi đến trường, buổi còn lại chị ở nhà trông các anh, hoặc bồng con cho hàng xóm kiếm tiền phụ ba mẹ. Người nhỏ tí xíu nên có lần sẩy chân làm con người ta té ngã, chị bị họ đánh đòn, bị cha mắng. Đến trường được hai năm, mới đọc được vài chữ i tờ, chị đành phải nghỉ.

Bỏ ba cuộc tình, nuôi bốn người điên ảnh 3

Tắm rửa cho các anh

Thế rồi, người con gái nhỏ bé bỗng trở thành lao động chính của gia đình. Hạnh ngụp lặn dưới sông Hương bắt ốc mang lên chợ Đông Ba bán. Đêm về toàn thân tê cứng, mình mẩy đau buốt. Nằm ngủ, chị cũng mơ thấy mình đang đứng dưới sông, miệng la hét kêu cứu.

Chị đẹp nên năm 17 tuổi đã có người theo đuổi. Một gia đình đến xin cưới chị về làm vợ cho con trai họ. Ba mẹ chị ngậm ngùi: “Bốn người anh trai nó đều bị bệnh, vợ chồng tui cũng đã già rồi chỉ trông chờ vào mình nó. Gả nó đi sau này ai chăm sóc mấy con người đó?”.

Năm 20 tuổi, chị lại lỡ hẹn với người ta. Một người con trai trong xóm cảm thương số phận của chị, chị cũng có tình cảm với anh, thường tâm sự với anh bao chuyện vui buồn. Người con trai tỏ tình với chị, đôi mắt chị rơi từng giọt lệ cay đắng. Chị cắn môi nuốt nước mắt vào trong: “Tui còn phải thay ba mạ nuôi mấy anh nữa. Anh thương tui nhưng có thương được những người anh tui không?” - chị hỏi. Mãi đến năm 27 tuổi, có người ngỏ lời, chị lại từ chối.

Mẹ lâm bệnh đúng lúc chị tròn tuổi 31. Mấy ngày sau mẹ nằm liệt gường. Tiền không đủ thuốc thang. Bao nhiêu tiền chị kiếm được chỉ đủ các anh cơm cháo qua ngày. Năm tháng sau thì người mẹ qua đời. Hôm đó, người mẹ tóc bạc rũ rượi, cầm tay chị mà nước mắt lưng tròng: “Gắng lên con ơi. Mạ biết con khổ nhưng ba mạ chỉ có mình con. Đừng bỏ các anh mà tội”. Một năm sau, người cha cũng qua đời đột ngột qua đời. Căn nhà lá thiếu hơi ấm của mẹ nay lại mất đi sự che chở của người cha.

Ngày mai khó nhọc

Năm anh em sống nhờ bà con chòm xóm. Rồi họ được dời lên sống ở khu tái định cư dành cho dân vạn đò ở phường Kim Long. Được cấp một miếng đất, chị vay mượn ít tiền che tạm để năm anh em có chỗ ra vào. Cách đây bảy năm, người anh trai kế chị qua đời. Chị tâm sự: “Anh đau mà không có tiền mua thuốc, không tiền mua đồ ăn nên qua đời”.

Bỏ ba cuộc tình, nuôi bốn người điên ảnh 4

“Bữa cơm cho các anh chả có gì ngoài cơm trắng với muối”

Chị Hạnh ngồi nói chuyện với khách, ba người anh mặt ngơ ngác nhìn rồi cười, lâu lâu lại có ai đó thét lên. Đút cháo cho người anh bị ốm, chị lo lắng tâm sự: “Anh Dần kể từ sau lần ngã từ trên xe lam xuống đất chừ thường hay lên cơn mà gào thét đó”.

Từ khi lên sống ở Kim Long, ai thuê gì chị làm nấy. Sáng đi giặt áo quần, cuốc cỏ thuê, trưa về cơm cháo cho mấy người anh. Chiều chị đi tiếp. Mỗi ngày chị kiếm được 5.000 đồng đến 10.000 đồng, cộng thêm tiền nhà nước cho mỗi quí được 300.000 đồng/người nên cuộc sống của bốn anh em cũng đỡ phần nào.

Chị kể trong nước mắt: “Ngày nắng ráo còn có đồng ra đồng vào lo cơm mắm. Chứ mưa riết như thế này thì bữa đói bữa no. Hồi mới lên đây khổ lắm, đói triền miên. Mình đói còn cố nhịn được, chứ các anh thì không thể bỏ bữa. Đói là họ la hét lên cơn chửi rủa”.

Nhiều hôm mấu nồi cơm nhưng mấy anh ngon miệng dành ăn hết, chị phải dừng rồi lui cui chạy qua hàng xóm xin chén cơm nguội lót bụng đi làm. Không biết bao lần chị phải nói với những người chủ, nơi chị làm thuê: “Con đói quá cô ơi. Cô cho con bát cơm, chứ trưa nay...”.

HỮU KHÁ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm