Bi kịch từ bia, rượu - Bài 5: Kiểu gì cũng nhậu

Mọi chuyện trong cuộc đời này đều có hai mặt âm-dương, trái-phải, xấu-tốt… Rượu cũng thế. Nên thật bất công và oan ức cho rượu nếu chỉ chằm hăm vào mặt xấu mà quên đi mặt tốt của nó.

Không vui, không buồn cũng uống!

Người xưa đã gọi rượu là nước lửa (fire water), có nghĩa là một chất lỏng mang năng lượng nóng ấm, nồng nàn, có thể làm khai thông kinh mạch, dẫn thuốc đến các cơ quan tạng phủ, đánh đuổi những tà khí như phong, hàn, thấp... ra khỏi cơ thể. Rượu làm cho các lễ hội tăng phần uy nghi, linh thiên hơn, những cuộc họp mặt (cưới hỏi, sinh nhật, mừng thọ…) trở nên rộn ràng, nồng nàn hơn. Rượu cũng giúp cho người uống tự tin, năng động và linh hoạt hơn khi tiếp khách trong những buổi tiệc. Đi du lịch, đặc biệt trong trời giá lạnh, nhấp một chút rượu sẽ thấy cảnh vật, con người trở nên hấp dẫn, quyến rũ, thơ mộng và làm nao lòng du khách hơn…

Tuy nhiên, để cho rượu phát huy những tác dụng tốt đẹp thì phải sử dụng rượu trong các bối cảnh hợp lý, uống có điều độ, với liều lượng thích hợp. Nhưng oái oăm thay, trên thực tế đa số chúng ta đã lạm dụng rượu, đã tự tạo ra rất nhiều bối cảnh để uống và uống rất nhiều, làm cho chuyện uống rượu từ một thú vui tao nhã đã trở thành một tệ nạn cần phải lên án.

Khi vui như thăng quan tiến chức, cưới hỏi, sinh nhật, tân gia, các ngày lễ… chúng ta nhậu ăn mừng. Khi buồn như đám ma, mất chức, thất bại trong làm ăn, buồn chuyện gia đình, bực tức chuyện cơ quan, kinh tế khó khăn… chúng ta nhậu cho khuây khỏa. Lãnh lương, tăng lương, có tiền thưởng, phát lương cuối tuần… chúng ta nhậu cho vui. Hội họp ở cơ quan, hội nghị, tiếp khách (những chuyện này hầu như ngày nào cũng có)… chúng ta nhậu để củng cố tình đoàn kết trong cơ quan hoặc cố gắng làm vui lòng khách.

Nói tóm lại vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng bày chuyện ra để nhậu. Vô vàn bối cảnh để chúng ta đưa rượu tràn ngập vào cái dạ dày tội nghiệp của mình. Đến một lúc nào đó gan không còn khử độc rượu nổi nữa thì những bệnh lý nặng nề của não (suy thoái hệ thần kinh trung ương, rối loạn nhân cách, tính tình…), gan (viêm gan, xơ gan, ung thư gan…), tim mạch (cao huyết áp, đột quỵ não, đột quỵ tim…), chuyển hóa (cao mỡ máu, đái tháo đường, béo phì…) xuất hiện. Mỗi lần đi vào các bệnh viện thấy bệnh nhân nằm ngang nằm dọc, nằm ra ngoài cả hành lang, trong số ấy chắc chắn có nhiều người là nạn nhân của rượu.

Bi kịch từ bia, rượu - Bài 5: Kiểu gì cũng nhậu ảnh 1

“Một phần tất yếu của cuộc sống”?!

Mọi người đều biết uống rượu có hại cho cơ thể nhưng rượu vẫn trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống, trong công việc làm ăn. Ai cũng biết rằng ký kết hợp đồng thông qua bàn nhậu dễ dàng hơn là hai bên đối tác đều tỉnh táo và ngồi trong phòng máy lạnh. Uống rượu trở nên quan trọng đến nỗi có thể quyết định được sự thành bại của một con người.

Khi cấp trên hay đối tác nói rằng “Thằng này nhậu không hết mình”, “Tay này thuộc dạng không chơi được” coi như… hỏng bét. Chính vì vậy lúc đầu ai cũng tự biện hộ rằng vì cần giao tế với những người chung quanh nên phải tập uống rượu, bởi không uống rượu thì chẳng thân thiện được với ai, chẳng ai chịu làm ăn, chẳng ai thèm hợp tác. Lâu dần họ thành người nghiện rượu lúc nào không hay. Những người này, khi có cơ hội, có quyền hành trong tay, họ sẽ trở thành những chướng ngại cho việc làm ăn chân chính. Bởi vì nếu có ai đó muốn được thăng quan tiến chức, muốn giành được hợp đồng, muốn được ân sủng thì phải nhậu, phải “biết điều” như xưa kia họ từng được (thật ra là bị) cấp trên nhìn nhận. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác như vậy thì chuyện nghiện rượu, rồi tệ nạn tất yếu phải xảy ra.

Nghiện rượu gây ra nạn bạo hành trong gia đình, bạo lực trong xã hội. Bởi vì khi say rượu, đặc biệt là những loại rượu độc, tinh thần sẽ không còn minh mẫn nữa. Những ảo giác, hoang tưởng sẽ xuất hiện và kết thúc bằng việc chồng đi nhậu về rồi đánh đập, chửi mắng, thậm chí giết cả vợ con hoặc chỉ cần những va quẹt nhẹ trên đường, những xích mích nhỏ trong quan hệ với nhau cũng đủ để đâm chém nhau trí mạng.

Nghiện rượu có thể làm khánh kiệt tài sản, đặc biệt đối với những gia đình nghèo, công nhân nghèo… Để có tiền uống rượu, họ sẽ phải đi ăn trộm, cướp bóc và đôi khi động cơ để giết người thật đơn giản, chỉ để cướp vài triệu đồng uống rượu mà thôi.

Tài xế nghiện rượu gây ra những tai nạn giao thông thảm khốc cướp đi sinh mạng của nhiều người. Bác sĩ nghiện rượu (nhiều bác sĩ cũng uống rượu như hũ chìm) có còn minh mẫn để thăm khám, điều trị cho bệnh nhân không?!

Người dân bình thường nghiện rượu chỉ có hại cho bản thân, gia đình mình và thêm một số ít người xung quanh. Nhưng nếu những cán bộ nhà nước có quyền “cầm cân nảy mực” trong tay mà nghiện rượu, thử hỏi trí óc họ có còn đủ minh mẫn, sáng suốt để đề ra những kế hoạch, chương trình hành động có ích lợi cho cơ quan, cộng đồng? Quan chức khi say rượu càng dễ bị quyến rũ, bị lợi dụng, bị kích thích để trôi lăn vào vòng xoáy của tham nhũng, của tình dục không lành mạnh, làm hủ hóa, mất tư cách, nhân phẩm và đôi khi làm mất luôn những bí mật của cơ quan, Nhà nước…

Tác hại từ trực quan sinh động

Để giảm uống rượu bia cần có rất nhiều biện pháp kiên quyết cần thiết của Nhà nước, khó kể hết ra được. Tuy nhiên, không thể làm cho dân giảm nhậu và giảm bạo lực khi có nhiều nhà máy rượu bia vẫn được tuyên dương, vẫn lấy chuyện sản xuất vượt chỉ tiêu được bao nhiêu triệu lít bia/năm làm đề tài để đề cao, khen thưởng. Đêm đêm rượu bia vẫn được khuyến mãi, vẫn chảy ào ào vào các quán nhậu đông người ở vỉa hè, vũ trường, quán bar, nhà hàng sang trọng…

Rồi cũng đêm đêm rượu bia được quảng cáo miễn phí trong các phim ảnh. Những phim hành động của phương Tây nhưng đặc biệt là phim cổ trang của Hàn Quốc, Trung Quốc. Ở đấy, những bậc anh hùng, tráng sĩ hào khí ngất trời như Lỗ Trí Thâm, Sài Tiến, Lâm Xung… (trong phim Thủy hử), Trương Phi, Tào Tháo, Lưu Bị, Khổng Minh… (trong phim Tam Quốc Chí) tu ừng ực từng chén, từng hũ rượu to trước hoặc sau những trận đâm chém ngút trời. Những hình ảnh ấy đập vào mắt hằng ngày sẽ tác động vào thói quen hành xử của giới trẻ đến độ nào.

Điều ấy giải thích vì sao ngày càng có nhiều chàng trai, cô gái tuổi mới lớn hễ cứ có chút chuyện buồn là lại bày trò kéo vào quán bar, vũ trường để nhậu. Trông các cô bé, cậu bé choai choai ấy rất giống các nhân vật buồn tình trong phim Hàn Quốc mà nhiều đài truyền hình đua nhau phát sóng hà rầm.

Bi kịch từ bia, rượu - Bài 5: Kiểu gì cũng nhậu ảnh 2

BS LÊ HÙNG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm