Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền - Bài 3: Siết lại việc kiểm tra, cấp phép

Làm thế nào để chấn chỉnh hiện tượng bảo vệ, vệ sĩ ngày càng lạm quyền và lộng quyền? Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Văn Dung (ảnh), Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM, cho biết:

Dịch vụ bảo vệ (DVBV) là một loại hình hoạt động kinh doanh mới so với những loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) khác. Việc chấp hành các quy định về điều kiện ANTT đã từng bước được củng cố. Tuy nhiên, tỉ lệ vi phạm vẫn còn xảy ra nhiều.

Cụ thể, từ năm 2006 đến 2010, PC64 đã kiểm tra, hướng dẫn 458 lượt cho các cơ sở kinh doanh DVBV. Qua đó lập biên bản vi phạm và xử phạt 144 trường hợp với số tiền gần 500 triệu đồng, tịch thu 180 công cụ hỗ trợ sử dụng trái phép. Trong đó có 20 vụ kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT, 19 vụ sử dụng nhân viên bảo vệ không đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định; sáu vụ vi phạm quy định về trang bị, sử dụng quần áo, trang phục, mũ kepi, phù hiệu, biểu tượng giống lực lượng vũ trang; 13 vụ sử dụng công cụ hỗ trợ không có giấy phép…

Trình độ học vấn thấp

. Thưa ông, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ bảo vệ đánh đập, hành xử như côn đồ. Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao có hiện tượng đáng lo ngại này?

Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền - Bài 3: Siết lại việc kiểm tra, cấp phép ảnh 1
+ Nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận doanh nghiệp (DN) chưa đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu thực hiện văn bản pháp luật quy định, từ đó thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất. Công tác tuyển dụng của một số DN chưa quan tâm đến trình độ học vấn, có trường hợp tuyển dụng tiêu chuẩn học vấn rất thấp. Rồi việc đào tạo nghiệp vụ bảo vệ, kiến thức pháp luật, giáo dục về đạo đức cho nhân viên cũng chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn đến một số trường hợp nhân viên bảo vệ có lời lẽ, cử chỉ thiếu lịch sự, thậm chí đánh người, hành xử côn đồ… làm xấu đi hình ảnh của nhân viên bảo vệ.

. Như vậy, theo ông các DN cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

+ Các DN kinh doanh DVBV phải tự vận động và hoàn thiện mình bằng việc chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật. Trong đó, lấy điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ là chỉ tiêu để nâng cao chất lượng hoạt động.

Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền - Bài 3: Siết lại việc kiểm tra, cấp phép ảnh 2

Một công ty bảo vệ đang phỏng vấn tuyển dụng. Ảnh minh họa: HTD

Phòng Cảnh sát Quản lý Hàanh chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM cũng đã có công văn thông báo địa chỉ một số trường công an nhân dân có chức năng đào tạo nghiệp vụ bảo vệ để các cơ sở kinh doanh DVBV chủ động cử nhân viên đi đào tạo.

Sắp tới chúng tôi sẽ siết chặt vấn đề chất lượng đào tạo hơn bằng cách yêu cầu tất cả nhân viên bảo vệ phải có chứng nhận đào tạo nghiệp vụ bảo vệ do các trường công an nhân dân cấp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh theo chức năng quản lý. Qua đó hướng dẫn, nhắc nhở các DN khắc phục những tồn tại, thiếu sót. Đồng thời, tái kiểm tra đối với những cơ sở đã qua kiểm tra có vi phạm nhằm đánh giá mức độ khắc phục, cần thiết thì đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện về ANTT, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép theo quy định.

Cạnh tranh không lành mạnh

. Hoạt động kinh doanh DVBV hiện nay có những vấn đề nào bất cập, thưa ông?

+ Như đã nói, gần đây nổi lên chuyện nhân viên bảo vệ của các cơ sở kinh doanh DVBV có những hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa, đánh người như côn đồ, gây bức xúc dư luận. Cạnh đó, loại hình kinh doanh mới này phát triển với số lượng tương đối nhanh dẫn đến mất cân đối về cung-cầu nên xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Họ lôi kéo nhân viên, chào giá hợp đồng bảo vệ thấp để tranh giành đối tác… làm cho tình hình thêm phức tạp. Nguyên nhân là do các DN vẫn chưa đồng thuận thành lập hiệp hội nghề nghiệp để có tiếng nói chung nhằm giải quyết các tranh chấp nội bộ và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhau.

Việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động của một số cơ sở cũng chưa được quan tâm nhiều, từ đó lao động không gắn bó với DN, thích thì làm, không thích thì nghỉ việc chạy sang DN khác. Đây là nguyên nhân làm cho hoạt động kinh doanh DVBV luôn biến động về nhân sự.

Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền - Bài 3: Siết lại việc kiểm tra, cấp phép ảnh 3

Tờ rơi tuyển bảo vệ. Ảnh: PHẠM THỦY

Việc quảng cáo để kinh doanh cũng có nhiều sai sót như thổi phồng thương hiệu “tổng công ty vệ sĩ” (trong khi thực tế chỉ là công ty TNHH); dùng hình ảnh cá nhân trong lực lượng vũ trang để quảng cáo… dễ gây ngộ nhận. Ngoài ra, một số trường hợp không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn về ANTT để kinh doanh DVBV do một trong những người đứng đầu DN không đạt tiêu chuẩn trình độ bằng cấp theo quy định mà vẫn tiến hành hoạt động.

. Ở góc độ quản lý, theo ông làm thế nào để khắc phục tình trạng bát nháo này?

+ Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 52/2008/NĐ-CP thì DN kinh doanh DVBV phải đăng ký mức vốn pháp định là 2 tỉ đồng. Thực tế qua kiểm tra có một vài cơ sở kinh doanh vẫn chưa bổ sung việc đăng ký mức vốn pháp định nên phải kiểm tra nhắc nhở. Nhưng cái khó ở chỗ chúng tôi chưa có điều kiện để kiểm tra, thẩm định hết các cơ sở còn duy trì số tiền ký quỹ tại ngân hàng hay không. Chúng tôi sẽ đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định thực tế số tiền ký quỹ (vốn pháp định) của các cơ sở kinh doanh DVBV để xử lý những trường hợp không duy trì vốn pháp định và buộc phải khôi phục theo quy định.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ khắc phục tình trạng DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về ANTT. Cạnh đó, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN DVBV làm thủ tục xin phép lập nghiệp đoàn hoặc hội nghề nghiệp để giải quyết tranh chấp nội bộ, tạo sự thống nhất và cạnh tranh lành mạnh.

. Xin cảm ơn ông.

Tiêu chuẩn khắt khe nhất

Việc bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền, đánh người, cư xử không đúng phép… không còn là câu chuyện lạ. Từ đó vấn đề đặt ra là: Quy định tiêu chuẩn về bảo vệ hiện nay có hợp lý? Liệu có cần nâng chuẩn để hạn chế phần nào những mặt tiêu cực trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ bảo vệ?

Nâng tiêu chuẩn về bảo vệ trong quy định có lẽ không khó. Ví dụ yêu cầu bảo vệ phải có chứng nhận của các lò luyện võ hoặc thậm chí nâng tiêu chuẩn học vấn cao hơn, có bằng đại học chẳng hạn. Nhưng cái khó là công ty dịch vụ bảo vệ không tuyển được nhân viên, có khi sinh ra tiêu cực. Quy định hay thì có hay nhưng không thực hiện được trên thực tế. Cho nên quy định chỉ là mức tối thiểu mà thôi, để vừa đảm bảo cân bằng lợi ích của các nhóm trong xã hội, vừa có thể thực thi, quản lý.

Nói vậy không có nghĩa là ta phải chấp nhận cái tối thiểu đó. Trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, tiêu chuẩn cao hơn sẽ được người sử dụng dịch vụ “quy định”.

Cơ quan, công sở, DN thuê bảo vệ mà bảo vệ không biết cười, chào hỏi không lịch sự, xử lý tình huống không khéo léo… thì chẳng mấy chốc khách hàng không dám lui tới giao dịch nữa. Đơn vị thuê bảo vệ cũng sẽ phải thay công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ khác. Người giàu có của thuê vệ sĩ để giữ mà giữ không xong thì cũng thuê công ty khác… Câu chuyện về người thuê bảo vệ, vệ sĩ cắt hợp đồng với công ty này, chuyển sang thuê công ty khác cũng đã không còn lạ nữa. Đã thế, tránh sao cho khỏi “tiếng xấu đồn xa” trong ngành cung cấp dịch vụ bảo vệ. Công ty bảo vệ không chấn chỉnh đội ngũ nhân viên của mình thì không chóng thì chày cũng hết đường sống.

Đánh giá của người tiêu dùng là “tiêu chuẩn” khắt khe nhất. Các công ty bảo vệ, vệ sĩ muốn tồn tại bền vững thì phải thực hiện các cam kết chất lượng cao với khách hàng chứ không chỉ thực hiện các quy định tối thiểu của pháp luật.

QUỲNH NHƯ

PHẠM THỦY thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm