Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền- Bài 1: Hành xử như côn đồ

LTS:Dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội, trở thành ngành nghề không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Nhưng cạnh những doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, không ít nơi còn xem nhẹ công tác tuyển chọn, dẫn đến nhiều trường hợp bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền, hành xử như côn đồ, gây bất an cho xã hội.

Những năm gần đây, loại hình kinh doanh dịch vụ bảo vệ nở rộ. Nhiều doanh nghiệp đã cung cấp hàng ngàn bảo vệ, vệ sĩ cho các cơ quan, công sở, khách sạn, nhà hàng… Hoạt động chuyên nghiệp của họ dần khẳng định chỗ đứng và niềm tin cho khách hàng, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

Tuy nhiên, gần đây lại rộ lên tình trạng bảo vệ, vệ sĩ hành xử như côn đồ, thường xuyên nhục mạ, chửi bới khách hàng một cách vô cớ. Những hình ảnh xấu này vừa làm mất uy tín giới bảo vệ, vệ sĩ, vừa gây bất bình, lo lắng cho xã hội.

Lên mặt, hách dịch và chôm chỉa

Gần đây, nhiều chủ cửa hàng, doanh nghiệp ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết họ đã bắt đầu ngán nhân viên bảo vệ, vệ sĩ đến tận cổ. Ông Q., giám đốc một siêu thị lớn trên đường Ấp Bắc, kể: “Tôi hợp đồng với công ty cung cấp vệ sĩ thuê người trực bảo vệ, sắp xếp xe của khách hàng với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng/người, làm việc 24/24 giờ (mỗi ca trực 12 tiếng/người). Do công việc làm ăn, nhiều hôm tôi phải về nhà (cũng là cửa hàng) khá muộn. Khi về đến nơi thì tôi thấy bảo vệ nằm ngủ thẳng cẳng, đèn đuốc sáng choang. Tôi bấm kèn xe gọi cửa inh ỏi mà tay bảo vệ vẫn nằm ngủ ngon lành. Đến nước tôi đành phải gọi điện thoại kêu người nhà ra mở cửa”.

Bực mình, hôm sau ông Q. nhắc nhở bảo vệ phải thực thi nhiệm vụ chứ không phải đến đây để ngủ. Không ngờ mấy tay bảo vệ cự lại: “Đi đâu mà 11-12 giờ đêm mới về rồi bắt người khác thức để mở cửa” (!). Ông Q. phải đổi bảo vệ mấy lần nhưng tình trạng trên vẫn chẳng khá hơn.

Tương tự, ông S., chủ một quán ăn trên đường Lê Thị Hồng Gấm, thuê bảo vệ 12 giờ/ngày (từ 11 giờ trưa đến 23 giờ) với mức lương 1,8 triệu đồng để sắp xếp xe của khách và giữ gìn trật tự. Dù ông S. thường xuyên lo cơm nước, cà phê thuốc lá đầy đủ cho họ nhưng cứ đến 12 giờ trưa là họ lại nằm ngủ khò. Ông S. phê bình thì họ… lẳng lặng bỏ về khiến ông phải điều nhân viên chạy bàn, phụ bếp ra làm thay nhiệm vụ giữ xe cho họ. Ông S. khiếu nại đến công ty cung cấp vệ sĩ, nơi này chỉ cười trừ, hứa sẽ đưa người khác tới thay nhưng được vài ba ngày thì tình trạng cũ lại tái diễn. “Bảo vệ gì mà như cha mình, vừa trả lương đầy đủ, vừa o bế tận tình, không dám nói nặng câu nào mà vẫn sợ… họ giận dỗi bỏ về. Nhưng thời buổi này không thuê vệ sĩ của các công ty cung ứng thì biết thuê ai” - ông S. than.

Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền- Bài 1: Hành xử như côn đồ ảnh 1

Hai vệ sĩ ăn trộm ở Vĩnh Long (Sang bên trái, Sơn bên phải) đang thực nghiệm lại hành vi trộm tiền trong cốp xe máy của khách. Ảnh: HÙNG ANH

Cách đây không lâu, người dân TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) tá hỏa trước vụ vệ sĩ trộm tiền trong cốp xe nơi anh ta có nhiệm vụ trông giữ. Trần Ngọc Sang và Nguyễn Hoàng Sơn, nhân viên Công ty Vệ sĩ Thành Long, được giao nhiệm vụ bảo vệ kiêm giữ xe cho Hội quán Bia Sài Gòn trên đường Phạm Thái Bường. Làm được thời gian, Sơn xin nghỉ việc nhưng vẫn thường xuyên đến chơi với Sang ngay trong giờ Sang làm việc. Một ngày, có một khách nữ đi xe Attila vào quán, khi Sang ghi phiếu giữ xe thì thấy người khách mở cốp yên xe cất đồ đạc, trong đó có một cọc tiền. Sang bàn với Sơn, lợi dụng lúc bãi xe vắng người, cả hai kéo hở yên xe thò tay lấy được hơn 13 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Trộm xong, Sang bỏ trốn về quê nhưng chưa quá một ngày cả hai đã bị bắt. Ngoài ra, hai vệ sĩ này còn khai đã từng trộm như thế 6-7 lần với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng.

Quá trình điều tra, công an xác định hai vệ sĩ này từng có tiền sự về hành vi trộm cắp. Ấy thế nhưng họ vẫn được công ty vệ sĩ tuyển dụng!

Đánh người dã man

Hẳn nhiều người chưa quên vụ bảo vệ đánh người xảy ra tại quán cơm Minh Đức (quận 1, TP.HCM) hồi năm ngoái mà TAND TP.HCM sắp đưa ra xét xử.

Tối 30-7-2010, sau khi ăn tối tại quán cơm Minh Đức ra về, ông Lê Văn Ngai (62 tuổi, quốc tịch Hà Lan) nhờ nhân viên bảo vệ của Công ty Dịch vụ bảo vệ mô tô Thành Công làm nhiệm vụ giữ xe cho quán cơm lấy giùm xe. Tuy nhiên, bảo vệ không giúp khách mà hất hàm: “Mày qua bên kia đường mà lấy!”. Bất bình, ông Ngai vừa lên tiếng góp ý thì ba bảo vệ xông đến hỏi “Mày muốn gì?” rồi đánh tới tấp, dùng roi điện chích ông Ngai té xuống đường.

Khi ông Ngai gượng dậy, chạy ra đường nhờ người gọi cảnh sát 113 thì thêm bảy nhân viên bảo vệ của Công ty Thành Công đi xe ô tô đến vây đánh, chích điện ông lần hai. Một số người đi đường chứng kiến cảnh đánh người dã man trên đã gọi điện thoại báo công an, đồng thời tự nguyện làm nhân chứng, khai báo vụ việc. Ông Ngai được công an phường đưa đi cấp cứu, phải nằm điều trị hơn một tuần mới hồi phục với thương tích 8%. Ba nhân viên bảo vệ đã bị bắt giam và truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Bảo vệ, vệ sĩ lạm quyền- Bài 1: Hành xử như côn đồ ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Ngai (giữa), nạn nhân bị bảo vệ quán cơm Minh Đức đánh dã man. Ảnh: TRẦN THANH

Một vụ đánh người khác mới diễn ra cuối tháng 5 vừa qua khiến dư luận bất bình, đòi nghiêm trị những kẻ côn đồ núp bóng nhân viên bảo vệ. Đó là nhóm bảo vệ của tòa nhà The Everrich trên đường Lê Đại Hành (phường 15, quận 11, TP.HCM) tấn công các học sinh trung học khiến nhiều em phải nhập viện. Tối 30-5, 41 học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa cùng hai cô giáo tổ chức tiệc chia tay tại sảnh lầu 5 của tiệm Lotte Mart, thuộc tòa nhà The Everrich. Tiệc tàn, các em ra về có đùa nghịch, lớn tiếng thì bị bảo vệ nhắc nhở, hai bên lời qua tiếng lại. Khi xuống tầng hầm, sự việc lại căng thẳng khi một học sinh bị mất mũ bảo hiểm nên hỏi bảo vệ, dẫn đến cãi nhau. Thấy bạn gái bị bảo vệ chỉ tay vào mặt, một nam sinh dùng mũ lao vào tấn công. Lúc này các bảo vệ tập trung kéo xuống tầng hầm bao vây, dùng hung khí tấn công nhóm học sinh khiến năm em phải nhập viện.

Em Trần Hoàng Ân (18 tuổi) bị thương nặng nhất (phải phẫu thuật xương trán, tỉ lệ thương tật 12%) đã phải bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Công an quận 11 đã khởi tố, bắt giam bảo vệ Phạm Bá Dũng, người đã trực tiếp dùng bộ đàm đập vào đầu em Ân gây chấn thương.

Tương tự, đầu năm 2011, các bảo vệ BV Đa khoa tỉnh Long An (thuê của Công ty Hoàng Phi Long) đánh hai anh em song sinh Nguyễn Trung Dũng và Nguyễn Kiên Cường phải nhập viện. Hôm đó, Dũng, Cường đến bệnh viện thăm người quen đang điều trị ở đây. Đến trước khoa hồi sức, Dũng gọi điện thoại với giọng to tiếng. Bảo vệ yêu cầu Dũng đi ra ngoài nhưng Dũng không đi. Lập tức, các bảo vệ xông vào đè Dũng xuống đất, khóa tay đưa ra nhà trực bảo vệ. Khi Cường chạy đến đề nghị thả anh Dũng ra, bất ngờ bị nhóm bảo vệ bao vây dùng dùi cui đánh tới tấp đến phun máu đầu. Mãi đến khi cảnh sát 113 đến can thiệp, nhóm bảo vệ mới ngưng đánh.

Nở rộ nghề bảo vệ

Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trước khi Nghị định 14/2001/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ ban hành, ở TP.HCM chỉ có hai cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Đó là Chi nhánh Công ty Yuki Spepre 24 (liên doanh giữa công ty Nhật Bản và Công ty Thăng Long thuộc Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an) và Công ty TNHH Long Hải (hoạt động từ năm 1995, do Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ, xin hoạt động thí điểm). Thế nhưng sau 10 năm, TP.HCM đã có 263 cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ ra đời với hơn 21.000 người làm việc trong lĩnh vực này.  

HÙNG ANH - PHẠM THỦY

Bài 2: Tuyển dụng qua loa, đào tạo sơ sài

Yếu tố ngoại hình hầu như là điều kiện duy nhất để các công ty tuyển chọn nhân viên vào làm vệ sĩ, bảo vệ. Sau đó, các nhân viên tay mơ được học khóa cấp tốc về nghiệp vụ rồi được cho ra lò làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm