Bảo vệ an ninh Hội nghị Paris, những bí mật mới kể

Chúng ta phải tạo một đoàn xe giả tại cổng trước, chờ các nhà báo quốc tế và cả cảnh sát Pháp bám theo, đoàn chính thức mới xuất phát ở cổng sau.

Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Thắng lợi lịch sử này có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Công an, trong công tác bảo vệ an ninh cho phái đoàn của ta suốt gần 5 năm trên đất khách quê người, trong một cuộc đấu trí vô cùng quyết liệt, mà trực tiếp là Tổ Cảnh vệ do Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đảm trách. Với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn diễn ra, nhưng đã không một thông tin nào, một địa điểm họp bí mật nào bị tiết lộ.

Bảo vệ an ninh Hội nghị Paris, những bí mật mới kể ảnh 1

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại bàn đàm phán Hội nghị Paris

Đồng chí Phan Văn Xoàn được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tin cậy giao xây dựng đề án bảo vệ, với "trách nhiệm bảo vệ tuyệt đối an toàn các cán bộ trong đoàn đàm phán của ta, cũng như bảo vệ tốt chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật các tài liệu quan trọng".

Từ tình hình thực tế, đồng chí đã xây dựng đề án với nội dung tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền nước chủ nhà, của Đảng Cộng sản Pháp, bà con Việt kiều và của chính cán bộ trong 2 đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), để hoàn thành nhiệm vụ và được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhất trí với lời căn dặn "Mình là chính". Kinh nghiệm, trí tuệ và bản lĩnh của người chỉ huy có tầm nhìn xa trông rộng đã là kim chỉ nam để các chiến sĩ Công an chủ động bước qua mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hành trình gần 5 năm lịch sử ấy.

Tháng 5/1968, đồng chí Phan Văn Xoàn và Tổ Cảnh vệ cùng phái đoàn VNDCCH sang Pháp. Đoàn ta nghỉ ở khách sạn Lutesia (Paris), có lực lượng Cảnh sát Pháp bảo vệ. Lúc này, ANTT ở Paris rất phức tạp. Quân đội Pháp được đặt trong tình trạng báo động trước những cuộc xung đột giữa cảnh sát với người biểu tình đòi cải thiện đời sống đang diễn ra rầm rộ. Bên cạnh đó, ngụy quyền Sài Gòn cũng tìm cách phá hoại bàn đàm phán bằng việc gây rối, rải truyền đơn chống phá và gửi thư nặc danh lẫn gọi điện thoại cho đoàn ta đe dọa.
Tình hình này càng đặt lên vai lực lượng cảnh vệ trách nhiệm nặng nề, nhất là khi, đoàn tăng từ 37 người lên hơn 100 người, nhưng số Cảnh vệ vẫn chỉ 10 người. Ngay khi tiếp nhận nơi nghỉ, các cán bộ an ninh nhanh chóng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và phát hiện được 16 máy nghe trộm cài khắp các phòng, riêng phòng của đồng chí Xuân Thủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ ta, có tới 6 máy ghi âm.

Hội nghị Paris là sự kiện được cả thế giới quan tâm, nên đã có hàng ngàn nhà báo từ các nước đổ về Paris. Tất nhiên, không ai có thể biết trong số đó, có bao nhiêu điệp viên, tình báo trá hình, cũng như các nhà báo thuộc các xu hướng, quan điểm và thế lực chính trị khác nhau. Hội nghị còn là dịp để các tập đoàn truyền thông tư bản khai thác cho mục đích thương mại, hoặc nhằm bôi nhọ hình ảnh người cộng sản, nên những gì liên quan đến đoàn đàm phán VNDCCH luôn là mục tiêu của báo giới. Hàng trăm phóng viên quốc tế thường xuyên có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, để chờ được phỏng vấn Bộ trưởng Xuân Thủy tại Hội nghị. Vì vậy, việc ứng phó với báo chí để vừa có lợi cho công tác tuyên truyền của ta, mà vẫn đảm bảo bí mật và không rò rỉ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ.

Đoàn quyết định không để báo chí tiếp cận tại nơi ở, nhưng một hôm, lúc cả đoàn đang ăn, bỗng lóe lên ánh đèn flash. Đồng chí Phan Văn Xoàn vội chạy ra thì bóng đen đã chạy vụt đi. Ngay hôm sau, trên mặt báo đã xuất hiện tấm ảnh đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH đang ngồi ăn.

Nhận thấy ở đây không được an toàn, hơn nữa, các thiết bị nghiệp vụ của ta thời đó còn hạn chế, không có gì đảm bảo việc "vệ sinh an ninh" ở nơi đoàn ta ở, trong khi chúng ta vẫn chưa xác định được có bao nhiêu kẻ thù, lực lượng bảo vệ đề nghị mọi người trong đoàn không nói chuyện công tác ở khách sạn, nếu cần thiết phải trao đổi, thì viết ra giấy rồi hủy đi.

Mấy ngày sau, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, đoàn đã chuyển về ở trong trường Đảng École Maurice Thorez. Ở đây, đoàn được bố trí nơi ăn ở, làm việc tiện nghi, đặc biệt an toàn, thuận lợi trong bảo vệ an ninh. Đảng Cộng sản Pháp còn bố trí cho đoàn ta 10 cán bộ bảo vệ, 10 lái xe, 10 người phục vụ. Chính quyền Paris cũng cử một Cảnh sát canh gác ngoài cổng 24/24 giờ cùng một đội cảnh sát mô tô sẵn sàng hộ tống các xe của lãnh đạo đoàn. Nhưng tinh thần cảnh giác, giữ bí mật và phương châm "phòng ngừa từ trước, ngăn chặn từ xa" vẫn được duy trì.

Biết địch có thể nghe trộm được các nội dung trao đổi của ta trong phạm vi 1km, Bộ Công an đã cho cán bộ kỹ thuật xây dựng một phòng họp đặc biệt, làm nơi thảo luận các công việc tối mật của đoàn đàm phán. Phòng họp được gắn các thiết bị hiện đại, ngăn âm thanh lọt ra ngoài, chống các máy móc nghe trộm hiện đại của địch và các dây hữu tuyến thâm nhập để nghe trộm. Lực lượng cảnh vệ còn xây dựng phòng lưu trữ các tài liệu mật, đề phòng hỏa hoạn.

Trước cổng nơi đoàn ta ở, luôn có hàng chục nhà báo đứng chờ, sẵn sàng bám đuổi, vì thế, để giữ bí mật địa điểm những cuộc họp bí mật, nhất là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn an ninh Mỹ H.Kissinger, Cảnh vệ ta phải rất vất vả. Để đánh lạc hướng, ta phải tạo một đoàn xe giả tại cổng trước, chờ các nhà báo quốc tế và cả cảnh sát Pháp bám theo, đoàn chính thức mới xuất phát ở cổng sau. Vì thế, các đồng chí lãnh đạo đoàn đi họp luôn đảm bảo an toàn và địa điểm không bị lộ. Tại bất kỳ cuộc họp nào, Cảnh vệ ta đều phải đến tận nơi họp để quan sát, kiểm tra mọi thứ rồi bàn với Ban tổ chức kế hoạch phòng ngừa các thế lực thù địch phá hoại, đánh cắp tài liệu mật của đoàn, hay tìm cách hạ uy thế đoàn ta.

Hành trình 5 năm đã kết thúc vẻ vang. Giờ đây, nhìn nhận lại những ngày gian khổ nhưng đầy vinh quang đó, Thiếu tướng Phan Văn Xoàn cho rằng, bài học quý giá nhất đảm bảo thành công trong công tác bảo vệ Hội nghị Paris là do ta đã thực hiện đúng nguyên tắc tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là của Đảng đoàn Bộ và lãnh đạo Bộ Công an, nên nội bộ tuyệt đối đoàn kết và không để xảy ra một sai sót nào về công tác nghiệp vụ.

Bà con Việt kiều yêu nước ở Pháp cũng là lực lượng hỗ trợ tích cực cho cả hai đoàn đàm phán của ta... Sự ủng hộ to lớn của Đảng Cộng sản Pháp và cảm tình đặc biệt của nhân dân Pháp, cũng góp phần quan trọng vào thành công của công tác bảo vệ hội nghị. Thái độ ứng xử khiêm tốn, tin tưởng của ta đã tạo được sự ủng hộ, ưu tiên đặc biệt của lực lượng An ninh và Cảnh sát Pháp với đoàn đàm phán Chính phủ VNDCCH và là thuận lợi cho công tác bảo vệ hội nghị.

Sau Hội nghị Paris, đến Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp sau đó một tháng, với gần 1.000 người thuộc 13 đoàn đại biểu quốc tế, Tổ Cảnh vệ ta tiếp tục làm việc ngày đêm để bảo vệ 2 đoàn đàm phán của ta cho đến khi kết thúc mọi công việc ở Paris và được lãnh đạo đoàn đàm phán đánh giá "công lao của các chiến sỹ Cảnh vệ góp phần quan trọng vào thắng lợi của ta ở Hội nghị Paris về Việt Nam".

Thanh Hằng (CAND, ghi theo Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm