Bánh chưng quê

29 tết, cả nhà tôi đã chuẩn bị sẵn các công đoạn để nấu bánh chưng. Quê tôi thường đùm bánh bằng lá chuối có sẵn bên bờ ao chứ không bằng lá dong như bây giờ. Tôi hay theo cha ra bờ ao chặt lá. Cha thường chọn lá ở bẹ giữa của cây chuối vì những lá này thường không già cũng không quá non. Lá chuối đem về, được hơ qua lửa rơm. Cái công đoạn hơ lửa cũng phải “có nghề”, phải hơ đi hơ lại thật nhanh qua lửa, đến độ lá héo nhưng không để cháy. Lá chuối hơ qua lửa sẽ dai hơn, ít rách, dễ đùm bánh. Hồi đó, bọn trẻ chúng tôi thường lấy bẹ chuối đã cắt, chặt một khúc làm súng, cứ cỡ một gang tay là lóc ngược lên một mẩu, độ 5-7 cái như thế, rồi một tay cầm, một tay quạt một tràng nghe tách tách đến vui tai.

Có lá chuối rồi, cả nhà chuẩn bị đậu xanh và thịt heo làm nhân bánh. Mẹ tôi chọn đậu hạt mẩy, tròn, để trong cái bì thường dùng đựng gạo, giàn ra rồi dùng vỏ chai rượu lăn qua lăn lại cho đậu xanh bể đôi ra. Đậu xanh ngâm trong nước nóng cỡ 20 phút rồi lấy ra đãi lại nước lạnh để loại bỏ vỏ. Còn thịt heo, mẹ thường chọn thịt ba chỉ loại ngon rồi xắt miếng hơi vuông. Riêng với nếp, mẹ vo gạo nếp qua một lần, để ráo nước một lúc sau mới đem vào đùm bánh.

Bánh chưng quê ảnh 1

Gói bánh chưng. Ảnh: TÚ HẰNG

Đùm bánh chưng là cả một nghệ thuật, phải khéo tay mới đùm vừa đẹp vừa ngon. Cha tôi hồi đó là một “tay nghề” của xóm. Cứ độ 28 tết trở đi là có người gọi cha đi đùm bánh rồi. Ở quê, mọi người đến nhà nhau đùm bánh, uống bát chè xanh chứ không lấy tiền công, khác thành phố bây giờ có hẳn dịch vụ đùm bánh kiếm tiền dịp tết. Ở quê tôi ngày tết, người ta thường đùm bánh tét nhiều hơn, đòn dài cỡ 50-60 cm chứ không cỏn con như bánh tét trong Nam Bộ. Bánh tét để ra Giêng chiên lên ăn, lúc đó mới cảm thấy thật là ngon vì ba bữa tết cái gì cũng nhiều nên ít cảm thấy ngon miệng. Bánh tét thường để được lâu hơn, có khi treo lủng lắng trong nhà. Tiết trời lạnh miền Trung, miền Bắc thì để được cả tháng. Chính vì thế, cha tôi thường đùm loại này nhiều hơn bánh chưng.

Không gì ấm cúng bằng đêm 30 tết ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét. Than củi cháy đượm tí tách, bập bùng và ấm áp trong khí lạnh của đất trời. Cha luôn đùm cho tôi vài cái bánh chưng nhỏ xíu. Mấy anh em tôi cứ thức cùng cha, ngồi nghe nồi bánh ùng ục sôi. Những cái bánh được đùm bằng lạt giang, để chừa lại một ít làm cái móc để vớt bánh cho dễ và cũng để làm cái móc treo trong nhà. Hồi đó, cứ cỡ 10 giờ đêm là mấy anh em tôi lại hí hứng bên cha vớt bánh. Sau khi nấu chín, bánh được vớt ra và để trên một tấm phản bằng phẳng để ép. Sở dĩ phải ép liền vì bánh lúc này đang nóng, ép dễ làm cho bánh chưng vuông vức và bánh tét tròn. Hơn nữa, ép bánh để cho nước ra sau này để càng được lâu. Cha tôi thường chọn từng cặp để đi cúng. Một cặp cúng tổ tiên trên nhà thờ họ, một cặp cúng tại bàn thờ gia đình và một cặp thờ bên ông bà ngoại, còn lại để dùng ba bữa tết.

Xa nhà, tôi không còn được ngồi đón giao thừa bên nồi bánh chưng như ngày xưa. Cha tôi không còn đùm bánh như trước nữa mà đã truyền lại cho những trung niên ở làng. Nhưng mỗi khi xuân về, tôi lại nhớ nôn nao hương vị bánh tét, bánh chưng thuở nào.

TRẦN QUANG THÀNH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 175)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm